Saturday, July 7, 2012

Như Lai Biển Đại Từ



Như Lai phương tiện biển đại từ
Kiếp xưa tu hành rất thanh tịnh
Hóa đạo chúng sinh không bờ mé
Bảo Kế Thiên Vương ngộ môn này.

‘’ Như Lai phương tiện biển đại từ.’’ Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật. Mỗi vị Phật đều có mười danh hiệu, tức là :

1. Như Lai : Pháp thân của Phật từ đạo như thật mà đến.
2. Ứng cúng : Ðức Phật đoạn trừ ba hoặc và nhị tử, vạn đức phước huệ đầy đủ, xứng đáng thọ lãnh chúng sinh trong chín pháp giới cúng dường.
3. Chánh biến tri : Trí huệ của Phật chiếu tất cả các pháp, vừa chánh lại vừa khắp cùng.
4. Minh hạnh túc : Phước và huệ của Phật đều đầy đủ. Ba minh là huệ, năm hạnh là phước.
5. Thiện thệ thế gian giải : Phật tu chánh đạo nhập Niết Bàn, còn hiểu rõ tất cả hình trạng thế gian.
6. Vô thượng sĩ : Chánh giác của Phật là vô thượng, chín giới chúng sinh không thể so sánh được.
7. Ðiều ngự trượng phu : Phật là bậc đại trượng phu, điều thuận tu chánh đạo.
8. Thiên nhân sư : Phật là đại đạo sư của trời người, giáo hóa hết thảy bỏ tà về chánh, cải ác hướng thiện.
9. Phật : Là Thánh nhân đại giác ngộ.
10. Thế Tôn : Phật là người tôn quý nhất trong thế gian.

Ðầy đủ mười hiệu mới xưng là Phật. Vì lòng đại từ bi, cho nên Phật xử dụng pháp phương tiện, để tiếp dẫn chúng sinh. Từ bi như biển lớn, cho nên gọi phương tiện biển đại từ.

‘’ Kiếp xưa tu hành rất thanh tịnh.’’ Vì trong kiếp quá khứ, Phật tu đủ thứ hạnh môn, cho nên thành tựu pháp thân rất thanh tịnh. Thanh tịnh là chứng minh sự tu hành, nếu không nhận chân tu hành, thì không thể đắc được thanh tịnh.
‘’ Hóa đạo chúng sinh không bờ mé.’’ Vì thanh tịnh là do tu hành chân thật mà được, cho nên dùng đủ thứ phương tiện pháp môn đại từ, để giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh, dứt phiền não phá vô minh, thành tựu pháp thân, phương tiện pháp môn đại từ này chẳng có bờ mé.

‘’ Bảo Kế Thiên Vương ngộ môn này.’’ Cảnh giới môn giải thoát này, vị Từ Mục Bảo Kế Thiên Vương giác ngộ được.

‘’ Phật diệt độ tất cả chúng sinh,
 Thật chẳng có chúng sinh được diệt độ.’’

Ðó là không thủ nơi tướng, độ chúng sinh mà chẳng có tướng chúng sinh, tức là chẳng chấp trước chúng sinh.  Chúng ta làm việc gì, thì chấp trước vào việc đó, bố thí cho người một ly nước, hoặc cho người một bát cơm, thì cho rằng mình làm việc tốt, lợi ích cho chúng sinh, đó là chấp trước tướng. Cho nên phải có tư tưởng tam luân thể không :

1. Không thấy có người bố thí, như vậy thì có thể trừ ngã chấp, tức là không có ngã (cái ta).

2. Không thấy có vật thí, như vậy thì có thể trừ san tham, tức là pháp không.

3. Không thấy có người nhận, không phân biệt người thân, kẻ oán, đều bình đẳng bố thí, tức là người không.

Ðược ba điều này đều không, thì mới là bố thí chân thật. Bằng không, nếu vì danh vì lợi, thì biến thành bố thí có xí đồ, là bố thí giả, chẳng phải thật bố thí.

‘’ Chánh Niệm Thiên Vương ngộ môn này.’’ Vị Ðoan Chánh Niệm Thiên Vương minh bạch được đạo lý môn giải thoát này.

Trích từ dẫn giải Kinh Hoa Nghiêm – HT Thuyên Hoá


No comments:

Post a Comment