Chối bỏ hạnh phúc 1
Nếu chúng ta đi tìm hạnh phúc trong cuộc đời, điều chắc chắn là
không thể tìm thấy. Vì hạnh phúc chỉ là một sản phẩm phụ thuộc, không trực tiếp
đạt được.
Nhưng tại sao con người lại tìm kiếm hạnh phúc? Vì họ không có
hạnh phúc. Thực ra hạnh phúc và không hạnh phúc là song hành. Giống như một
đồng xu với hai mặt. Nếu bẻ đồng xu thành hai, thì nó sẽ “phá vỡ đi tính chất
của con người ”
Càng tìm kiếm hạnh phúc, càng phải đối diện với đau khổ. Điều
này nghe khó tin, nhưng chuyện đó đã xẩy ra cho biết bao nhiêu người rồi. Thí
dụ điển hình là chúng ta không thể nhìn thấy quá nhiều chỗ giải trí như quán
rượu, vũ trường, nhà tắm hơi, sòng bạc, tiệm ăn, ánh đèn nê ông ngoạn mục tại
các thành phố của các quốc gia kém mở mang.
Có một câu chuyện kể như sau: Một lần, ông tổng thống một nước
chậm tiến đến thăm một quốc gia tân tiến đã phát triển. Phái đoàn ngoại giao
của nước tân tiến này không nề hà tốn kém xếp đặt cho ông ta thăm viếng nhiều
chương trình giải trí đắt giá mà họ tin tưởng có thể mang đến cho dân chúng của
họ hạnh phúc và vui thú. Nhưng chỉ mới tham dự những chương trình giải trí đó
được có vài ngày, vị tổng thống này, thay vì vui thích lại trở nên buồn nản.
Người phụ trách tiếp tân hỏi ông ta, “Sao trông ông không được vui ? Chúng tôi
có làm chuyện gì không phải chăng? Hay có điều gì làm cho ông không hiểu?” Ông
tổng thống khôn ngoan trả lời: “Tôi hiểu đầy đủ tất cà mọi chuyện. Chính vì vậy
mà tôi buồn. Đất nước này chắc chắn là không có hạnh phúc; vì nếu có hạnh phúc
các ông đã không phải bỏ ra quá nhiều tiền bạc để phát triển những trung tâm
giải trí đồ sộ như thế này.”
Sự thật đơn giản là chỉ những người có đời sống khổ sở mới đi
tìm những trò giải trí như vậy. Nếu thế giới này trở nên kém vui vẻ, thì đài
truyền hình cần có nhiều chương trình hơn, cần nhiều rạp chớp bóng, cần đường
phố có đầy ánh đèn néon chói sáng, cần rượu chè và ma tuý để giúp cho quên đi
các khổ sở nội tâm. Đây là phương cách thông thường và được mọi người trong
đường lối tin tưởng hiện sinh của một xã hội tân tiến chấp nhận và đồng ý.
Mỗi đứa trẻ sinh ra là phải được an lạc; sự an lạc là bẩm sinh,
không phải chỉ riêng những bậc Giác ngộ mới có. Con người được sanh ra với sự
an lạc tự tại. Đây là thiên tính cội rễ bên trong ta; là nguồn gốc của sự sống.
Đứa trẻ nào sanh ra cũng đều có bản tính tự nhiên này, nhưng rồi sau đó bản
tính thiên nhiên này bị xã hội “giết bỏ”, đè nén và đầy đọa.
Xã hội của chúng ta là “Điên loạn”, nó không cho phép sự “An
lạc” hội nhập. Vì sự “An lạc” có thể trở thành nguy hiểm cho xã hội. Không ai
có thể kiểm soát được một người “An lạc”. Vô phương! Nhưng xã hội có thể kiểm
soát được người đang bị khổ sở một cách dễ dàng. Người “An lạc” chắc chắn có hoàn
toàn đầy đủ tự do; An lạc chính là tự do vậy. Nếu một người được an lạc tự tại,
người đó không thể trở thành nô lệ, không thể bị huỷ diệt, không thể bị thuyết
phục hay hướng dẫn cho vào sống trong tù ngục được. An lạc là chính ta tự tại.
Là những khoảng không gian, là không có gốc rễ ràng buộc. Người an lạc nhảy múa
với trăng và sao. Không có cách nào thuyết phục họ vào tiếp tục sống trong ngục
tù tối tăm được. Họ đang sống cuộc đời của họ. Họ thực sự là “thiên nhiên”.
Nhẩy múa theo vũ điệu riêng, hát bài hát riêng, bước đi trên con đường riêng,
và nói tiếng nói riêng của chính họ.
Xã hội có thể bị những người có tâm “An Lạc” phá hoại, Nếu xã
hội chỉ có toàn những người an lạc, thì xã hội đó sẽ bị sụp đổ. Hệ thống cấu
tạo của xã hội không thể duy trì được nữa. Hệ thống tổ chức của xã hội và của
tôn giáo gần hoàn toàn giống như nhau. Nó không thể thực sự chấp nhận những
người đầy “an lạc”, bởi vì bản tính của “an lạc” sẽ đi ngược lại với hệ thống
cấu tạo của xã hội và tôn giáo. Những người An lạc tin tưởng vào Thiên nhiên,
họ không thể tin ở xã hội hay những tôn giáo nhân tạo. Giống như cây cỏ, bông
hoa, chim chóc hay loài thủy tộc; chúng sống như vậy và không có xã hội hay tôn
giáo. Không có chính trị hay chính quyền, chúng đang sống như thế đó, tại sao con
người không thể sống mà không có chính trị hay chính quyền được?
Phải có cái gì sai lạc ở đâu đó, tại sao xã hội của chúng ta đã
trở thành “mất trí” như vậy?– làm cho chúng ta không thể tồn tại được khi không
có chính quyền? Chính quyền không để cho chúng ta biết điều “Bí mật “ này. Họ
không cho chúng ta một cơ hội nào để tìm biết; họ không thể để cho chúng ta
nhận thức được là chúng ta vẫn có thể sống mà không có họ. Họ không muốn chúng
ta biết quá nhiều, vì nếu hiểu biết chúng ta không cần đến họ nữa. Làm sao một
chính quyền có thể tồn tại nếu người ta không cần đến nó nữa? Ai sẽ là người bỏ
phiếu bầu cho họ?
Ngày nay, nhiều quốc gia có những cuộc bầu cử, thông thường là
có hai nhóm người, và người ta lựa chọn một trong hai nhóm đó. Không cần biết
sự lựa chọn của người ta là gì, những kết quả vẫn giống nhau, họ không thể chấp
nhận một người có sự “an lạc’ và tự do. Họ thực sự không mang đến cho ta sự tự
do; quan điểm về tự do của họ hoàn toàn khác biệt với quan điểm về tự do của
các bậc Giác ngộ. Hai đảng phái sẽ giống như nhau; người ta chỉ có thể chọn
ngục tù của đảng A hoặc của đảng B. Nhà tù A có thể tốt hơn của B hay ngược
lại. Nhưng thực tế, người ta đã mất đi sự “tự do” của chính họ khi đặt tin
tưởng vào Ngục tù. Cả hai
đảng không thể cung cấp Tự do thật sự cho con người.
Kể từ ngày ra đời, chúng ta không thể tận hưởng sự tự do của
mình. Khi một đứa bé con hỏi bố mẹ nó: “Mẹ ơi, con ra ngoài chơi được không?
Con muốn nhìn Mặt trời đẹp, một ngày có gió mát, con muốn chạy một vòng quanh
khu nhà của mình.” Phần lớn câu trả lời là “Không được đâu con!”. Đứa bé không
đòi hỏi gì nhiều, nó chỉ muốn được là một phần của thiên nhiên. Thế nhưng chúng
ta đã ngăn cản nó lại vì chúng ta tin là chung quanh hàng xóm không phải là chỗ
an toàn cho trẻ con làm những việc đó. Những cha mẹ nào có thể nói với con “Ừ
được” chỉ là thiểu số rất ít.
Dầu cho những đứa trẻ được phép ra ngoài chơi, cha mẹ cũng vẫn
còn muốn con cái họ hiểu rằng đây không phải là điều nên làm, chỉ vì đứa bé
muốn chứng tỏ nó có tự do, và nếu có gì xảy ra chúng phải biết đó là lỗi của
chúng. Và đứa bé cần có trách nhiệm về các ảnh hưởng hậu quả. Nếu đứa bé trong
lúc đang thích thú chơi một trò chơi mà có ai tới bảo: “Như thế này là nguy
hiểm, đừng chơi như thế.” Sớm hay muộn con cái của chúng ta sẽ học được rằng
những gì làm cho chúng vui thích là những gì không đúng. Hạnh phúc của chúng nó
trở thành sai lạc. Chúng sanh ra không phải là để được vui sướng. Sự khổ sở trở
thành đúng cách. Sự bất hạnh phát triển từ sự nghe lời dậy dỗ của bố mẹ và thực
hành theo những gì xã hội muốn.
Nếu đứa con của chúng ta lấy cái khóa vặn ốc để tháo mở cái đồng
hồ báo thức ra từng phần, người trong nhà sẽ chận chúng nó lại không cho làm
việc đó. “Làm thế không được, Như vậy là điên. Làm như vậy là phá hư cái đồng
hồ” Một người nào đó sẽ la lên. Đứa con của chúng ta chỉ tò mò muốn biết về
khoa học, nó chỉ cố gắng tự tìm hiểu về những gì đang xảy ra. Chuyện này không
liên quan đến cái gì sai lầm hay điên dại. Giá trị của một cái đồng hồ không
thể mua được trí óc “tím tòi” của đứa bé. Nếu nó làm hư cái đồng hồ, thì đó chỉ
đáng một số tiền ít ỏi. Nhưng khi trí óc “khám phá” của đứa bé bị làm hỏng, nó
sẽ mất đi cái tính tự nhiên tìm biết về sự Thật sau này.
Vào lúc sáng sớm trong khi đứa bé vẫn còn ở trong giấc mơ đẹp;
cha, mẹ hay người giúp việc đánh thức nó dậy để sửa soạn đi học. Đến chiều tối,
đứa bé vẫn còn tràn đầy năng lực và cố ở nán lại bên ngoài chỉ để nhìn ngắm
trăng và sao, nó chỉ muốn ca hát hay nhảy muá; nó còn đầy tràn năng lực nhưng
cha mẹ sẽ phải bảo bây giờ là quá trễ, con cần đi ngủ vào lúc 9 giờ tối, vì
ngày mai còn phải đi học. Khi đứa bé đang chơi trò chơi, cha mẹ sẽ chận nó lại
bắt phải đi ăn cơm trưa hoặc cơm tối. Với những hành động như thế, chúng ta
đang khởi sự diệt trừ hoặc phá hủy sự vui sướng của đứa trẻ. Bất cứ cái gì con
cái của chúng ta ưa thích đều là không đúng, và những gì chúng không ưa thích
thì lại thành đúng.
Tại trường học, cảnh một con chim đang ca hót líu lo trên cành
cây bên ngoài cửa sổ sẽ lôi cuốn những đứa trẻ con hơn là những lời giảng dậy
của thầy cô trước tấm bảng đen. Nhưng con cái của chúng ta phải giả vờ chú tâm
vào tấm bảng đen. Đây là sự dạy dỗ của xã hội của chúng ta. Thầy cô có nhiều
quyền hạn hơn con chim ngoài cửa sổ. Con cái của chúng ta cần phải học về những
vấn đề chúng nó không thích và chúng cũng không thể thưởng thức được cái đẹp tự
nhiên của con chim ca hót.
Hạnh phúc là sai lầm, bất cứ khi nào đứa bé cảm thấy vui thích,
lúc đó nó cũng gián tiếp cảm thấy có “Tội”. Đây là đường lối xã hội đóng góp
cho con em chúng ta. Ngay cả khi đứa bé chơi với bộ phận phía dưới thân thể của
nó và cảm nhận được khoái cảm cũng bị cấm đoán. Đây là lúc vui thích duy nhất
đứa bé có thể tự học hỏi về cái hiện hữu sẵn có của cơ thể và cũng bị cho là
không phải. Đứa trẻ chỉ chơi với cái gì của riêng nó và khám phá ra một khoái
cảm ngắn ngủi cũng bị cho là làm quấy.
Như vậy xã hội này đã thực sự cung cấp cho chúng ta những gì để
hiểu biết về bản chất của sự hiện hữu?
Cần phải ngừng tại đây, nếu không sẽ không bao giờ chấm dứt
được.
Achema – Malaysia 2008
Kim Morris lược dịch June
No comments:
Post a Comment