Tuesday, June 12, 2012

Achema – Reject Happiness 2


Chối bỏ hạnh phúc 2

Chúng ta nên bàn luận tiếp tục đề tài về hạnh phúc.

Tại sao con người không thể quăng bỏ những đau khổ của họ đi được? Làm thế nào cho con người có thể cảm thấy có hạnh phúc?  Sự đau khổ có thể mang tới cho nhiều thứ mà hạnh phúc không thể làm được. Sự Thật ngược lại, hạnh phúc sẽ lấy đi mất quá nhiều thứ; nó sẽ lấy đi bất cứ những gì ta làm chủ được từ trước; hạnh phúc còn giết chết cả cái “Ta” hay cái “Ngã” nữa. Đau khổ đề cao ý tưởng về “Ngã’, trong khi hạnh phúc sẽ mang người ta tới trạng thái của “Vô Ngã”.  Vấn đề chính là ở chỗ này, và đây là cái lý do làm cho con người khó có thể tìm thấy hạnh phúc. Vì con người không bao giờ tin vào sự “buông bỏ”.

Sự đau khổ sẽ mang ra toàn bộ hình ảnh của cái “Ta”.  Nó đề cao ý tưởng về “Ngã”. Bất cứ khi nào bị đau khổ, cái “Ta” trở nên sẵn sàng hiện diện.  Khi có hạnh phúc, cái ta  tan biến mất. “Ta” bị hạnh phúc “hấp thụ”. Khổ đau sẽ làm “Ta” trở nên đặc biệt, hạnh phúc sẽ làm cho “ta” thành bình thường, không còn gì đặc biệt.  Cây cỏ, hoa lá luôn luôn là bình thường cho nên nó vui tươi. Súc vật hạnh phúc, chim chóc cũng hạnh phúc, chỉ có loài người là không hạnh phúc. Khi thấy một con hươu bị con sư tử săn đuổi; nếu con sư tử ngừng đuổi, con hươu cũng sẽ ngừng chạy; có thể chỉ cách xa nhau khoảng 10 mét và nó lại ung dung tiếp tục ăn cỏ.  Nhưng khó mà thấy một người nào đó bị con chó rượt đuổi; rồi khi con chó ngừng lại, người phụ nữ đó bất chợt cũng ngừng chạy tuy chỗ đứng lại chỉ cách xa con chó đó có 10 mét và lên tiếng nói “Hi” chào một người bạn trên đường phố và bắt đầu chuyện trò với người bạn ấy như thường lệ? Chuyện này không dễ xảy ra cho loài người vì con người luôn luôn sống trong trí nhớ của quá khứ. Tất cả những vật hiện hữu đúng ra phải được hạnh phúc chứ. Chỉ riêng sự khổ đau làm cho con người trở thành đặc biệt.

Sự khổ đau có thể làm cho người ta được những người khác chú ý tới một cách dễ dàng hơn. Bất cứ khi nào cảm thấy đau khổ, thì sẽ được người khác chú ý đến, săn sóc, thương yêu và thương hại. Mọi người hình như muốn săn sóc nhiều cho người bị khổ sở. Có ai muốn làm cho người đang đau khổ bị khổ thêm không? Có ai ganh ghét với người đang khổ sở không? Có ai thù hận người đang đau khổ không?

Sự đau khổ cần có người khác săn sóc và thương yêu. Khổ đau là sự “đầu tư” lớn lao. Nếu người vợ không buồn khổ, ông chồng có thể quên bẵng là vợ đang có mặt ở bên cạnh. Nếu bà vợ bị khổ sở, người chồng sẽ không bỏ bà ta một mình và quên bẵng bà ta đi. Nếu người chồng đau khổ, chắc chắn cả gia đình sẽ quây quần bên cạnh và tỏ vẻ lo lắng cho ông ta. Điều này sẽ mang tới cái gì mà ông ta cần, ông ta sẽ không cảm thấy cô đơn, tin là mình có gia đình thân quyến và bạn bè. Nhưng nếu ông ta có hạnh phúc, cũng những người bạn và bà con thân thuộc này sẽ hoạ hoằn lắm mới đến thăm viếng. Có lẽ họ ghen tị với ông ta.  Khi có được hạnh phúc, người ta có thể nhận thức được rất nhiều người khác sẽ nhìn họ như là “kẻ thù”.

Phần lớn con người không ưa thích bất cứ ai có hạnh phúc. Có thể là vì hạnh phúc của người kia làm tổn hại cái “Ngã” của họ. Họ ghen tị vì họ vẫn còn bị ở trong bóng tối của cuộc đời họ. Họ đang sống trong địa ngục mà sao người khác dám cả gan vui sống như ở trên thiên đàng?

Xã hội này đã được một nhóm những người bất hạnh phát triển và khai thác. Không một ai trong nhóm có đủ can đảm đi ngược lại cái xã hội này, vì quá nguy hiểm, quá nhiều bất trắc, cho nên con đường tốt nhất là cứ bám vào những khổ đau và sống hòa theo với xã hội. Hạnh phúc sẽ làm cho người ta trở thành độc lập và khổ đau lại làm cho người ta trở lại thành một phần tử của xã hội.

Khi nhìn xã hội này với đầy đủ mọi chi tiết, người ta sẽ nhận thấy nó có cơ cấu kiến trúc căn bản như sau:  Con người sẽ được kính trọng khi họ đau khổ, mọi người sẽ đối xử chân thành hơn, sẽ thương hại họ nhiều hơn; người bị khổ sở sẽ có nhiều bạn bè hơn. Xã hội này thật là tức cười. Đúng ra sự vui sướng hạnh phúc phải lôi cuốn nhiều bạn bè hơn nhưng đôi khi chính cái hạnh phúc đó chỉ có thể lôi cuốn theo những người ganh ghét. Những người ganh ghét đó không lo lắng không chân tình. Những người đó chỉ cảm thấy bị lừa đảo vì tại sao người khác có được cái mà chính họ không thể có được.

Trong cái “”Xã hội điên loạn” đau khổ là chuyện quá bình thường, và hạnh phúc là bất thường.  Nếu không tin, người ta có thể làm thử một chuyện như sau... Nếu đọc tới đây, một người nào đó hiểu ý và cười trước màn hình của máy vi tính. Các bạn đồng nghiệp sẽ hỏi tại sao cười?  Người ấy chỉ cần trả lời: “Không biết tại sao, nhưng tự nhiên tôi cảm thấy vui sướng.” Câu trả lời chắc chắn sẽ làm cho các người bạn đồng nghiệp nghĩ người đó là lập dị, hoặc là điên hay khùng. Có thể nào một người cười và vui sướng mà không cần có lý do?

Nếu làm như vậy... chắc chắn xã hội sẽ cho là đầu óc của chúng ta có cái gì sai lạc, chắc phải là “Điên”! Thấy chưa, cái thử nghiệm cho thấy xã hội này đã không những không cổ võ cho “hạnh phúc”... mà còn ưa thích những người bị đau khổ hơn! Sự đau khổ là bình thường và có thể được mọi người chấp nhận, trong khi sự vui sướng lại là bất bình thường và bị chối bỏ. Hệ thống tin tưởng sai lạc này đã mọc rễ một cách sâu sa trong xã hội hiện tại của chúng ta. Nếu có ai chống trả lại chắc chắn người đó sẽ trở thành kẻ xa lạ với xã hội.

Hạnh phúc thì bị cấm đoán và đau khổ thì lại được cổ võ. Đây là hệ thống mà xã hội dậy dỗ chúng ta, hệ thống này từ từ sẽ đi xâu vào trong máu,  vào trong xương tuỷ của người ta. Nó là đối nghịch với cái chân tính hiện hữu tự nhiên của con người, là lý do tại sao con người phải đối diện với sự phân chia lý lịch. Con người bị lôi ra và bắt phải bước đi xa khỏi cái bản tính tự nhiên. Làm cho con người mất đi cái Phật tính tự nhiên. Nó biến người ta thành khuôn đúc của một người nào khác, một bác sĩ, một kỹ sư bắt buộc, là một người hiện tại mà chính chúng ta không ưa thích, không muốn là.

Càng tách xa ra khỏi cái bản tính tự nhiên, con người sẽ càng đi xa hơn và sẽ hoàn toàn bị lạc lối. Khi đứng tại một chỗ mà đáng lẽ không nên ở đó, họ trở nên những người có cái “cá tính” như của một cái mặt nạ... cái mặt nạ mà mọi người khác đã qui định và gán ép cho ngay từ khi vừa chào đời. Con người hoàn toàn lạc mất lối về nhà, dù cho có đi vào bất cứ con đường nào, vì họ luôn luôn nghĩ nhà họ đang ở vào hướng đó... Sự đau khổ là nhà, đau khổ tinh thần trở thành “thiên tính”.  Đau khổ được công nhận là “mạnh khỏe” chứ không phải là một “căn bệnh” trong xã hội của chúng ta. Những người tự nhiên cười lên thích thú và vui sướng mà không có lý do sẽ bị coi như bị bệnh tâm thần.

Những người đang đi tìm hạnh phúc hay cố gắng thoát ra khỏi đau khổ chắc chắn sẽ không thể hóa giải được vấn đề của họ. Vấn đề thực sự trước tiên là sự “mong muốn” và thứ hai là “không có sự đau khổ thật sự” nào hiện hữu cả. Đau khổ là do ảo tưởng của tâm trí tạo ra. Làm sao hóa giải một rắc rối nếu rắc rối đó chỉ là một “ảo tưởng”?  Rắc rối đó không hiện hữu; nên không có gì để giải toả. Để thấu hiểu vấn đề này, hãy xem thí dụ sau: Khổ đau giống như cái bóng tối, không ai có thể dùng bóng tối làm gì được, nhưng nếu mang được chút “ánh sáng” đến thì bóng tối tự nó sẽ biến mất.

Cũng cùng một phương cách như vậy....con người sinh ra để được hạnh phúc nhưng không ai biết điều đó, con người chỉ biết dùng sự cố gắng làm việc nhiều, khó nhọc hơn để giải tỏa sự khổ sở, như vậy là chỉ lo đối phó với cái gì không hiện hữu. Bản tính tự nhiên của con người là vui sướng nhưng họ lại đi đối phó với ảo tường của khổ đau. Không có cái gì có thể được gọi là đau khổ cả; con người tự làm cho nó xuất hiện và nó trở thành thật sự. Đau khổ chỉ là một ảo tưởng. Không hơn không kém.

Hãy cất tiếng cười lớn lên.  Hãy cười vì ta thật là “ĐIÊN”.  Thật là “KHÙNG”.  Không có sự đau khổ đâu. Sự đau khổ không hiện hữu. Con người dùng một bàn tay tạo ra nó và lại cố gắng dùng bàn tay kia để xóa bỏ nó đi.  Lý lịch cá nhân của con người bị phân chia từ chỗ đó.

Cách dễ nhất để trở về với bản tính tự nhiên, là không cần phải làm thêm một nỗ lực nào như vậy. Con người đã sinh ra với bản tính thiên nhiên như vậy, và nó ở luôn với ta suốt đời. Tất cả những việc làm để cố trở thành một người nào khác chỉ là sự Lừa đảo của tâm trí. Không liên quan gì tới cái Phật tính tự nhiên. Ngay trong khoảnh khắc này, nếu có thể hiểu thấu được, là ta đã thấy được Giác Ngộ.  Người ta thực sự đang ở trong Phúc lạc, Thanh bình và Yên tịnh nhưng lại nghĩ là chỉ đang đứng trong thế giới ảo tưởng ngoài ngưỡng cửa.  Làm ơn hãy tự tạo cho chính mình cơ hội bước thêm một bước nữa qua cái ngưỡng cửa này. Mọi người đang chào đón bạn quay trở về với hai cánh tay mở rộng. Và reo hò: “Con của ta...con về nhà rồi....;-)
                                                                               
Hai tay Achema chắp lại.... để thân hỏi và chúc lành cho tất cả các bạn.

Achema - Malaysia 2008
Kim Morris lược dịch June 2012

No comments:

Post a Comment