Hãy tỉnh thức
Nhiều người làm việc thiện chỉ
vì họ hy vọng được tái sanh vào một nơi tốt đẹp trong kiếp sau. Nói với tính
cách thân mật thì nếu ai vẫn còn có ý nghĩ đó trong đầu, người đó vẫn còn bị mắc
trong cái bẫy tư tưởng của “Ngã”. Làm việc thiện được xã hội khắp nơi chấp thuận.
Vì xã hội chưa thức tỉnh và phần lớn những hoạt động hàng ngày của con người là
từ ý tưởng của “Ngã”. Năng lực nào thúc đẩy một người làm việc thiện? Không gì
khác hơn là cái “Ngã”.
Nếu không có tâm tỉnh thức, rất
khó nhìn thấy những việc làm tốt là phát xuất từ những cội rễ căn bản của cái
“Ngã” hay không. Thí dụ như: Nếu làm nhiều chuyện tốt cho xã hội mà không được
hoàn trả bất cứ một cái gì hay có lợi cho “Ta” thì ta còn tiếp tục làm việc đó
không? Chỉ có những người đã Giác Ngộ mới có thể làm chuyện tốt thuần túy mà
thôi. Những người này ngay cả không hề nhận thức những hành động của họ là tốt,
họ không làm việc tốt một cách có chủ đích, bản tính tự nhiên của họ sẽ chỉ
phát xuất ra việc tốt thôi. Điều này xẩy ra vì chánh niệm không bao giờ sai lầm.
Chánh niệm như là ánh sáng, khi có ánh sáng, không bao giờ đi lạc đường. Con
người bình thường khó nhận thức hay phân biệt được chi tiết của sự việc này.
Một thí dụ khác nữa: Một vị Đại
Tăng, rất thông thạo về Đại-Tạng-Kinh, chưa hề phạm một giới luật nào, và hàng
ngày thầy làm nhiều điều tốt. Đại tăng là một sư trưởng trong xứ sở của Thầy.
Thầy được khắp nơi trên thế giới công nhận, hình ảnh và danh tiếng của thầy được
mọi cộng đồng Phật giáo biết rất rõ ràng. Nhưng khi đối diện một người đã Giác
Ngộ, (người này không hẳn là một nhà sư) vị Đại Tăng này giống như một “hoàng đế
không xiêm y”. Thầy không thể dấu giếm được bất cứ cái gì, mọi hành động của Thầy
dù giả tạo hay thành thật đều bị nhận diện một cách trực tiếp. Chỉ cần nhìn vào
dáng người và ánh mắt của Thầy, người đã Giác Ngộ sẽ biết Thầy là ai. Làm thế
nào những người bình thường có thể phân biệt được điều đó? Người ta chỉ có phán
xét người khác khi đặt căn bản trên hành động họ đã làm từ trước, trên kiến thức
của họ về giáo pháp. Nhưng cũng cần phải hiểu là “việc làm tốt” và “Sự thông hiểu
giáo Pháp” có thể chỉ là bản sao, và cũng có thể là giả tạo. Có thể cách điều
chỉnh khéo léo của Thầy làm cho ta trông thấy nó rất thật. Chỉ vậy thôi.
Tâm trí con người sẽ liên tục
nhắc nhở người ta phải đọc thật nhiều kinh điển để hiểu về sự Thật. Thực sự
không đúng như vậy, càng đọc nhiều, kiến thức càng phát triển và chính cái kiến
thức này sẽ thành trở ngại trong việc tìm kiếm Chân lý thật sự. Kiến thức nằm
trong trí nhớ của con người, người ta chỉ có thể dùng tâm trí để lục lọi tìm lại
những gì của quá khứ, nhưng trong khi đó Phật tính lại ở bên ngoài cái tâm trí
và cơ thể này. Phật tính không dính dấp với sự hiểu biết.
Sống trong thời điểm hiện tại không
dính líu hay liên hệ tới bất cứ những gì ta đã làm trước đó. Mọi hành vi xấu xa
đã trôi qua hết rồi, cái gì còn sót lại chỉ được lưu giữ trong tâm thức mà
thôi, nếu moi móc lôi nó ra thì người ta sẽ phát triển cái mặc cảm “tội lỗi”.
Và “Tội lỗi” là sản phẩm của tâm trí, chỉ là ảo tưởng của tâm. Và nó sẽ trở nên
một khổ não tinh thần nếu người ta không thấu hiểu cái “tâm luận lừa đảo” này.
Hành vi trong quá khứ không
liên quan đến cuộc sống hiện tại, vì cuộc sống trong khoảnh khắc hiện tại sẽ
không đi ngược trở lại với những kỷ niệm trong tâm cũ kỹ đó, sự sống trong hiện
tại sẽ không bươi móc các thứ dơ bẩn xưa đó ra để ngửi. Sự sống trong hiện tại
là “tươi mát”, là “thức tỉnh”, là “tái sinh”, “rạng rỡ”, là “trong sạch”, “quân
bằng”, “thăng tiến”, là “phúc lạc”, “chào mừng”, “”sáng tạo”, “ tuyệt ảo”, là
“nhựa sống”, “hàn gắn”, “nhận thức”, “vui sướng”, là “yêu thương”, là “tự
nhiên”, “an bình”, “thanh thản”, “đáp ứng”, là “thiêng liêng”, “tâm linh”, là
“chuyển hoá”, là “trí tuệ”, “chứng nhận”, và là “Thiền định”.
Ngày nay cái gần gũi nhất với sự
giảng dậy của Phật Cồ Đàm có thể được tìm thấy ở trong Thiền định (Zen), hay
còn gọi là Dhyana, mà không cần tới văn bản hay kinh điển. Dùng chính thân thể
và tâm trí của ta như sách vở và kinh điển riêng. Nghiên cứu kỹ càng và hiểu biết
một cách tường tận cái thân và tâm này. Phật tính ở trong sự hiện hữu của mọi
người, nhưng ta đã không biết tới và không nhận thức ra điều đó. Vì vậy cho nên
người ta cứ tiếp tục tìm kiếm trong các sách vở và kinh điển. Chân lý không có ở trong đó, ta “đào
bới” sai chỗ rồi. Cũng như bà lão nọ đi tìm cái kim dưới chân cột đèn ngoài đường.
Người đi đường hỏi bà ta đang làm gì đó. Bà ta trả lời: tôi đang tìm cái kim. Họ
hỏi thêm bà đã đánh mất nó ở đâu. Bà ta đáp lại là mất ở trong nhà. Rồi họ lại
hỏi tại sao bà không kiếm nó ở trong nhà? Bà cho biết vì trong nhà tối quá nên
tốt hơn là ra tìm dưới cột đèn sáng này. Ta có thể cười bà già điên này, nhưng
nhìn lại những hành vi của chính ta, ta có nghĩ là ta khôn ngoan hơn bà lão này
không?
Ta đã là một ông Vua, nhưng vẫn
muốn tìm tài liệu dậy cho làm thế nào để một ngày nào đó trở thành một ông Vua.
Phật Cồ Đàm và ta cùng có Phật tính giống nhau, ta có thể đạt được Giác Ngộ như
Đức Phật đã làm được. Phật tính tự nhiên của ta là một thực tại tự nhiên, hàng
ngàn các vị Phật trong vũ trụ đang chờ đợi sự tỉnh thức của ta. Khi Tỉnh thức,
ta và hàng ngàn Vị Phật trở thành Một. Giống như như một viên sỏi rơi xuống hồ
nước, nó sẽ tạo ra gợn sóng tròn chạy hướng ra ngoài xa. Một số người ở trong
vòng sóng bên trong, một số ở khoảng giữa, một số đã được phát tán ra rất xa và
rồi làn sóng sẽ biến mất một cách tự nhiên. Mọi thực tại của cuộc sống đều phát
xuất từ cùng một nguồn của sự sống, như vậy giữa Phật Cồ Đàm và ta không có gì
khác biệt. Sự khác biệt chỉ là ta còn gần với chỗ viên sỏi rơi xuống, hay ở khoảng
giữa và vân vân.
Người ta sẽ hỏi cách gì tốt nhất
để đạt tới Chân lý? Câu trả lời là: Không có “phương cách nào cả”. Thức tỉnh từ
giấc mơ hoặc ảo tưởng là sự tự nhiên của thực tại. Giống như hơi thở, thở vào
và thở ra là chuyện tự nhiên của sự sống, không có một phương pháp nào dậy cho
biết làm sao để thở vì thở xẩy ra một cách tự nhiên trong suốt cuộc đời.
“Buông thả” và “Chờ đợi”,
buông xả và không lo lắng về việc đó, cũng chẳng cần phải làm gì và nó sẽ xẩy
ra một cách tự nhiên. Như một ông Vua trong lúc ngủ mơ thấy mình là một kẻ ăn
xin, và người ăn xin trong giấc mơ này lại cố học phương cách để một ngày nào
đó được thành một ông Vua. Bất kể áp dụng tận lực phương cách nào đó ông vua
cũng sẽ không đạt được vì chính ông ta đang ở trong giấc mơ. Điều ông ta nên
làm là không làm gì cả, và chấm dứt giấc mơ. Và sự tỉnh giấc sẽ làm cho mọi
chuyện diễn tiến một cách tự nhiên.
Con người hãy còn đang mơ ngủ....không
thức tỉnh, tiếp tục sống cho tương lai và quá khứ. Do đó họ vẫn còn bị mắc kẹt
trong vòng “Sanh Tử” và “Nghiệp Báo”. Nhắc lại một lần nữa: Sanh Tử và Nghiệp
Báo chỉ có thể sắp sẵn và xuất hiện khi người ta đã không hoàn toàn sống trong
cái “Khoảnh khắc hiện tại” này.
Achema - 2008Kim Morris lược dịch April 2012
No comments:
Post a Comment