Tiến triển từ từ và tiến trình đột ngột.
Trong loạt thơ đáp ứng về những đề tài thảo luận, Achema nhận được một bức thư có câu hỏi khá hay như sau: “Ông đã không trả lời thẳng vào câu hỏi đầu tiên của tôi. Thay vào đó ông đã cố ý đánh trống lảng. Điểm tôi muốn nói là nhiều người nằm trong danh sách là những con người bình dân có những cảm giác nhân bản, họ có thể bị tổn thương nếu ông phản chiếu những cảm giác đó ngược trở lại cho họ. Người ta đã đau khổ đủ rồi không còn cần ai bồi đắp thêm vào nữa.”
Đây là một nhận xét, một lời phát biểu rất hay vì phần lớn ai cũng đã đồng ý một trăm phần trăm về những gì ông ta nói. Có lẽ vì đa số con người không ai có thể thực sự chấp nhận cái cảm giác tiêu cực của chính họ.
Khi thấy một người bị tổn thương, ngay lập tức người ấy sẽ đổ thừa là ta đã sát thêm muối vào vết thương làm cho họ đau thêm. Đây là phản ứng tự nhiên của họ. Một số người khác không phàn nàn vì họ tin muối có tính cách khử trùng. Không biết cái tin tưởng này là đúng hay sai. Dầu sao..... ta hãy tìm xem cái gì đang diễn tiến trong tâm trí con người.......
Những người theo Đạo Phật thường tin rằng con đường đi tìm giác ngộ là một tiến trình thăng tiến chậm rải. Chỉ một thiểu số tin là có thể giác ngộ cấp tốc, bất chợt. Đây là lý do tại sao đã có quá nhiều luật lệ và nguyên tắc đạo đức bắt buộc phải tuân hành. Điều này chủ đích dành cho người tin tưởng rằng giác ngộ là một tiến trình thăng tiến từ từ.
Nếu nhìn qua câu nói này: “Con người đã có quá đủ đau khổ rồi không cần ai bồi đắp thêm vào nữa.”, thì chắc ta cũng đồng ý 100 phần trăm. Nhưng trong con mắt của Thiền (Zen).....đây lại là một cơ hội để thức tỉnh.........
Con người tin tưởng vào tiến trình thăng tiến chậm rãi của sự giác ngộ sẽ đồng ý 100 phần trăm với lời nói ở trên. Cái mà ta gọi là....”giác ngộ từ từ”. Hiểu một cách khác, nó có nghĩa là phát triển thăng tiến dần tới giác ngộ. Và ta hiểu cái ngôn ngữ của sự dần dần/ chầm chậm. Ta có thể hiểu một đồng bạc có thể phát triển lên thành hai và hai thành ba đồng, cứ tiếp tục như thế. Thế nhưng khi một người nghèo khó đột ngột trở nên giầu có thì là chuyện không ai có thể hiểu nổi.
Nhưng một thiền sư nói: “Tại sao phải qua một tiến trình dai dẳng và không cần thiết như vậy?” Ta nghèo khi ta có một đồng bạc, và ta cũng vẫn còn nghèo khi có 30 đồng. Ta cũng sẽ vẫn còn nghèo ngay khi có một triệu đồng vì có những người có tới cả tỉ bạc cơ mà. Vì thế, hãy bỏ ngang đi cái cách tính toán của một người nghèo. Ta sẽ làm họ trở thành một ông Vua ngay lập tức.
Đường lối của Thiền là nhắc nhở cho một người là ai. Đây không phải là cái gì để thực tập, mà chỉ là một cách ghi nhớ. Nhưng trong một khoảnh khắc của sự ghi nhớ này mọi thứ được chuyển hoá.
Thí dụ như:
Một ông vua nọ trục xuất đứa con trai độc nhất còn nhỏ tuổi- chỉ vì vài lỗi lầm ngu ngốc của đứa con- ra khỏi vương quốc. Anh ta không có một tài năng hay nghề ngỗng gì. Con vua có thể biết làm việc gì? Đã không được học hành, vì vậy anh ta không thể làm việc gì để sống đàng hoàng được. Tuy nhiên, vì sở thích, khi còn nhỏ tuổi anh ta đã học được một chút ít về ca hát và nhảy muá. Cho nên anh ta đi ca hát và nhảy múa kiếm sống trên đường phố của một tỉnh rất nóng nực trong quốc gia láng giềng cũng là nơi anh ta trú ẩn.
Anh con vua này sống cuộc đời của kẻ ăn xin vô gia cư trong suốt 10 năm. Sống với quần áo bẩn thỉu, rách nát tả tơi. Cho nên anh ta hoàn toàn quên bẵng đi mình đã từng là một hoàng tử. Đúng lý ra, trong mười năm đó, anh ta đã dần dần trưởng thành ở địa vị để nắm vương quyền, vì anh là con trai độc nhất của một ông vua mà càng ngày ông ta càng già nua hơn. Nhưng trong lúc này, anh ta chỉ là một người không ai biết mặt mũi với cái bát của người ăn xin trong tay đi từ cửa nhà này sang cửa nhà khác.
Nhà vua trở nên quá già nua, càng ngày ông càng lo lắng cho tương lai của ngai vàng. Ai sẽ là người nối nghiệp và điều hành vương quốc sau khi vua băng hà đây? Vì vậy vua ra lệnh cho ông thủ tướng đi tìm người con độc nhất của mình. Cỗ xe ngựa của ông thủ tướng dừng lại trước cửa một khách sạn, ông ta đã tìm thấy con của vua. Dưới sức nóng của mặt trời giữa trưa thiêu đốt, người thanh niên đang xin người quản lý khách sạn ít tiền để mua một đôi dép. Anh ta đang chỉ vào đôi chân trần trụi đang nhuốm máu vì có đầy vết thương rách nát. Ông thủ tướng xuống xe tiến đến gần người ăn mày trẻ này. Dù đã qua 10 năm nhưng ông ấy cũng vẫn nhận diện dễ dàng ngay được anh ta trong y phục rách nát, thân hình tiều tụy, mặt mày héo hắt và cháy nắng. Ông cúi lạy và nói: “Nhà vua đã tha tội cho hoàng tử và muốn hoàng tử trở về vương quốc.”
Chỉ trong một giây, một giây thật ngắn ngủi vẻ mặt của người thanh niên biến đổi ngay và anh ta quăng cái bát ăn xin đi. Ngay lập tức, anh ta không còn là một kẻ ăn xin nữa mà đã trở thành một ông vua. Anh bảo ông thủ tướng: “Ngươi hãy đi ra chợ mang về cho ta một đôi giầy tốt và ít quần áo mới.” Và với phong cách của một hoàng tử, anh ta tiến đến cỗ xe ngựa và bước lên. Mọi người, trong và ngoài khách sạn, vài phút trước đã xua đuổi, từ chối không bố thí cho anh ta, bây giờ vội vã, ùn ùn chạy tới vây quanh cổ xe. Và họ nhận thấy anh ta đã hoàn toàn khác hẳn lúc trước, bây giờ anh ta không cả nhìn tới họ nữa. Người ta hỏi anh, “Sao anh quên chúng tôi nhanh chóng thế?” Người hoàng tử trả lời, “Ta đã nhớ tới các ngươi cũng lâu như ta đã quên ta là ai. Ngay lúc này ta đã có nhớ ta là ai, nên đã quên ta là kẻ ăn xin.” Khi đám đông nhắc lại cho anh ta nhớ trong khoảnh khắc trước đây anh ta đã là ai, anh ta nói: “Giờ đây ta nhớ ra rồi. Bây giờ ta biết ta là vua. Ta đã luôn luôn là một ông vua.”
Việc trở thành một ông vua là một biến cố bất chợt. Đây là sự thức tỉnh bất chợt. Và hãy nhớ ở đây một người chỉ trở thành ông vua một cách đột ngột. Một người nào đó có thể trở thành kẻ ăn xin một cách chậm rải, từng giai đoạn một, cao nhất là trở thành kẻ ăn xin khá hơn, một kẻ xin tiền, và không là gì khác.
Cho nên trong Thiền, không hề có loại kỷ luật về tâm linh nào hết; mà chỉ là một bước nhảy vọt trực tiếp đến sự thức tỉnh, vào giác ngộ. Nhưng “con người bình thường “đã không có can đảm chấp nhận bước nhảy vọt như vậy cho nên họ bào chữa nói đây không phải là một tách nước trà của họ. Và chúng tôi chỉ muốn tiến một cách thận trọng, chậm rãi, từng bước một thôi.
Nhưng hãy ghi nhớ.....nếu ta di chuyển theo phương cách này.....ta sẽ cứu vãn cái “bản ngã” của ta theo từng bước đi. Chính vì thực sự muốn cứu vãn cái bản ngã mà ta không chịu nhảy vọt. Tốt hơn nên giữ cho tất cả những cảm giác không bị những người khác động chạm tới nhưng nếu có ai chạm tới, khuấy động lên, phản ảnh lại hay làm khuếch đại cảm giác đó lên .....ta nhất định sẽ đổ thừa cho người đó là tại sao còn làm cho người đã khổ sở bị đau khổ thêm......Bước nhảy vọt chắc chắn là nguy hiểm cho cái bản ngã; cái ngã có thể không sống sót sau cái nhảy vọt đó.
Bước đi chậm rãi để cứu vớt cho chính bản thân, nhưng những gì giữ lại được tại mỗi bước đi sẽ vẫn còn được an toàn ngay cả tại bước đi sau cùng của cuộc hành trình. Rồi cái bản ngã sẽ bảo là cứ tiếp tục đi vào Niết Bàn hay giải thoát và ta cũng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng không thể nào vẫn giữ cái ta nguyên vẹn mà vào với niết bàn được. Chuyện này không bao giờ xảy ra. Chỉ có thể nhập niết bàn được sau khi cái bản ngã đã hoàn toàn bị huỷ diệt. Sự chết của bản ngã là cái giá của sự giải thoát.
Đây là một rắc rối mà ta phải đương đầu vào lúc cuối cùng, tuy luôn tránh né. Không thể nào thoát đi được. Vì vậy tốt hơn hết ta nên trực diện cái rắc rối đó ngay từ lúc khởi đầu hơn là trì hoãn cho tới lúc sau cùng. Tại sao lại phung phí quá nhiều năng lực và thời giờ? Cứ cố cất dấu rác rưởi dưới tấm thảm và không chịu nghe lời của bất cứ người nào bảo cho biết phía dưới tấm thảm có rác rưởi dơ bẩn. Rồi lại đổ thừa cho họ là làm ta tổn thương nếu họ dám nhắc đến rác rưới dưới tấm thảm. Đây là những gì xảy ra sâu tận trong tâm trí con người.
Achema – 2009 Kim Morris lược dịch October 2011
No comments:
Post a Comment