Thursday, March 1, 2012

Achema – Tao or Dao


Lão hay Đạo giáo

Trên thế gian này có 3 loại người. Loại có số đông nhất là những người bình thường, tin tưởng vào làm việc để nhận được hay sở hữu càng ngày càng nhiều thứ hơn cho có hạnh phúc. Nhóm người này ở khắp nơi chung quanh chúng ta, họ làm việc khó nhọc để kiếm tiền, để tích luỹ vật chất v... v... như tài sản, vàng bạc, tiền nong, kiến thức, sự kính trọng, có địa vị, tiếng tăm, quyền thế và nhiều hơn nữa. Nhóm người này tin tưởng mạnh mẽ là tất cả các thứ vật chất đó mới có thể mang đến hạnh phúc trong cuộc đời.

Nhóm thứ hai nhỏ hơn nhưng trái ngược hẳn với nhóm trước. Họ tin tưởng vào sự buông bỏ, trở thành tu sĩ hoặc ở ẩn để cho tâm linh phát triển và cho đó là hạnh phúc.

Nhìn vào hai nhóm người này, có thấy sự tương đồng nào không? Điểm tương đồng là cả hai đều tìm kiếm hạnh phúc theo như tâm suy luận của họ tin tưởng. Nhưng có thể tin cậy vào những gì tâm suy luận tin tưởng hay không?

Tâm suy luận là nguồn gốc trở ngại chính giữ cho chúng ta không hòa nhập lại được với Phật tính tự nhiên. Khi tâm suy luận hoạt động, nó luôn luôn muốn tìm kiếm cho ra câu trả lời về cuộc sống là thế nào? Nhưng không thể dùng tâm suy luận để hiểu cuộc sống là gì. Như vậy chắc chắn không thể có được câu trả lời đúng. Ý nghĩa của cuộc sống vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Nó vượt ra khỏi cái thân và tâm của ta, cho nên làm thế nào dùng tâm trí để hiểu một cái gì nằm ở ngoài tầm tay được?

Một tôn giáo nào đó có thể cho biết cuộc sống là gì. Nhưng tất cả đang chỉ là sự hiểu lầm, chỉ là sự lừa đảo của tâm suy luận. Nếu cứ cố gắng dùng tâm suy luận để tìm hiểu về sự hiện hữu, chắc chắn sẽ không có được câu trả lời nào chính xác. Cái mà ta thu thập được sẽ chỉ là những hiểu lầm về cuộc sống này. Không thể giải thích cuộc đời bằng phương cách lý luận được, vì lý luận không phải là nhịp cầu nối tiếp, mà chỉ là một chướng ngại.

Chúng ta cần phải hiểu vấn đề nêu ở trên, nếu không, không thể đạt được tới Chân Lý. Cần phải biết bản thực đơn của nhà hàng không phải là thức ăn. Có thể cứ tiếp tục tìm hiểu cái thực đơn mãi nhưng nó vẫn không giúp thêm được gì nhiều hơn. Cần phải ăn món ăn, nhai thức ăn mới biết ngon hay dở, và nuốt vào để cho dạ dầy tiêu hoá hoàn toàn. Cần thâu nhận thức ăn vào, cho nó thấm vào thân thể. Thức ăn này trở thành một thành phần của sự hiện hữu của ta. Chỉ tìm hiểu cái thực đơn không thôi là vô ích. Người được gọi là học giả là loại người này, họ là người luôn luôn nghiên cứu cái thực đơn, càng nghiên cứu, tìm tòi, họ càng cảm thấy đói bụng, và họ sẽ vẫn cố gắng dồn thêm cố gắng vào việc nghiên cứu và tìm tòi. Rốt cuộc họ luôn luôn ở trong trạng thái đói khát. Sự hiện hữu của họ sẽ đầy sự đói khát.

Vì vậy tại sao các học giả không bao giờ hiểu biết được đời sống tâm linh. Họ không bao giờ thám hiểm về cuộc sống, không thay đổi, không bao giờ nhẩy múa và ăn mừng sự hiện hữu. Họ chỉ biết liên tục suy nghĩ và suy nghĩ. Họ cũng sẽ không bao giờ bắt đầu thay đổi trước khi họ có thể hiểu cuộc đời một cách thấu đáo. Và sau cùng họ hoàn toàn thất bại không hiểu được Sự Thật; chỉ vì đáng lẽ ra họ cần phải thay đổi trước để sau đó mới có thể hiểu được Chân Lý.

Điều này cũng tương tự như cần phải hiểu yêu thương là gì trước, rồi sau đó sẽ bắt đầu yêu. Làm thế nào để biết về Tình Yêu? Muốn hiểu biết về Yêu chỉ cần lao đầu vào tình Yêu. Không có cách nào khác cách đó. Có thể đọc nhiều về tình yêu từ sách vở trong thư viện, có thể ghi nhớ tất cả những chuyện tình và những khúc mắc đính kèm, nhưng đó vẫn không phải là Tình Yêu. Cũng có thể tồn trữ tất cả những kiến thức về tình yêu, nhưng chưa chắc sẽ hiểu một cách đầy đủ tình yêu là gì? Kiến thức không có nghĩa là hiểu biết. Kiến thức có thể lừa ta, nhưng kiến thức không thể nói dối về cuộc đời. Theo đúng ý nghĩa của sự hiện hữu, và nếu chỉ sống ở vùng sa mạc cằn cỗi thì bông hoa không thể nào nở và toả ra hương thơm được.

Trở lại với loại người thứ ba, nhóm người này không bao giờ tích lũy vật chất và cũng không bao giờ giấu mặt. Họ không cần tin vào những gì có trong tâm tư của họ. Họ chỉ là những người quán sát về tư tưởng của tâm suy luận của chính họ. Họ ăn khi đói và chỉ uống khi khát. Họ sống tự nhiên như từ thuở xa xưa trước. Chỉ thực hành theo nguyên lý của Lão hay Đạo giáo. Đây mới chính là nghệ thuật sống; đây mới chính là sức mạnh của hiện tại và của thời điểm này. Thời điểm hiện tại này vượt ra khỏi không gian và thời gian, vượt qua khỏi thân và tâm... vượt ra khỏi giới hạn của ngôn ngữ và lời nói. Không ai có thể diễn tả được cái khoảnh khắc đó trừ những người đang sống hòa nhập với những biến chuyển của “ Đạo”, của “Lão”.

Đây là ý nghĩa của Lão hay Đạo trong thời Trung Hoa cổ xưa. Nhưng ngày nay, nó đã mất đi những căn bản và trở thành một cái gì khác. Người sáng lập Lão hay Đạo đã không còn trên thế gian này nữa; vì thế hương thơm của Lão cũng không còn. Chuyện của Lão hay Đạo rất sâu xa, uyên thâm và tuyệt vời. Không dễ gì cho các học giả hiểu thấu được ý nghĩa sâu đậm; ví nó không thể thẩm thấu qua cái tâm lý luận. Nó chỉ dành riêng cho những người có tư tưởng tâm linh nhìn thấy. Tri thức con người cần phải thật mạnh mẽ thì mới hiểu rõ ràng những chuyện của Lão hay Đạo. Nếu không, chỉ là đọc cái thực đơn mà thôi.

Để không bị ảnh hưởng của nhân quả tiền kiếp.....ta cần phải trở thành “người quan sát”. Thực hành Chánh Niệm hay Tỉnh thức có thể làm cho một người trở thành chứng nhân hay người quan sát. Như là: Khi đang ngủ trong sự tỉnh thức, ta có thể nghe có người đang ngáy. Thực ra tiếng ngáy đó là từ cơ thể của chính ta, nhưng ta lại hoàn toàn ở bên ngoài cơ thể đó, ta giống như một “quan sát viên” đang nghe người nào khác ngáy. Đôi khi ta cũng có thể nhìn thấy chính cơ thể ta đang nằm ngủ trên giường, vì tri thức của ta đang ở bên ngoài nhìn vào thấy là ta đang ngủ. (Điều này trong một số tôn giáo khác được gọi là kinh nghiệm xuất thần). Đây là một đặc tính chung của tất cả mọi người nhưng phần lớn đã bị mất đi khả năng này. Trở thành người quan sát thay vì người tiếp nhận là phương cách có thể mang ta thoát ra khỏi khổ đau.

Thực ra Đạo Giáo cũng giống như Phật giáo. Những câu chuyện của Đạo Giáo còn thâm sâu hơn căn bản của Phật giáo. Cho nên người nào trong những tiền kiếp không có căn hay nghiệp tốt hoặc “tri thức kém” không thể hấp thụ Đạo Giáo một cách dễ dàng được. Cùng một mẩu chuyện của Đạo giáo, khi đọc một cách bình thường ta không thể thực sự thấy được ý nghĩa thâm sâu của nó, nhưng khi tri thức đã được phát triển mạnh mẽ, ta có thể hiểu hết ý nghĩa đó một cách dễ dàng mà không gặp trở ngại gì. Và ta sẽ tìm ra Đạo Giáo và Phật giáo cũng như nhau. Thông điệp của các những người sáng tạo đều giống nhau, chỉ có phong cách và ngôn ngữ là khác nhau.

Trong mẩu chuyện của Đạo Giáo kể về việc thầy Khổng tử lên thăm viếng núi Thái Sơn đã gặp một ông lão 90 tuổi và hỏi nguyên nhân nào khiến ông lão ấy vui sướng như vậy? Qua cách hỏi và cách trả lời ta có thể biết Đạo Giáo sâu xa hơn Đạo Khổng. Trước tiên, thầy Khổng tử không có một khái niệm nào về Hạnh phúc cả. Và Khổng tử đã hiểu lầm hạnh phúc có được là phải do những nguyên nhân nào đó. Đạo Giáo đã phơi bầy cho thấy thầy Khổng tử không phải là một người đã Giác ngộ. Vì theo thầy nguyên nhân của cái hạnh phúc ông lão này có được cần phải đạt được từ sự so sánh.

Cũng như trong câu ông lão 90 tuổi này trả lời, ông ta đã có quá nhiều lý do để được hạnh phúc..... một trong những lý do là vì vào thời gian đó rất nhiều người chết trẻ trừ riêng ông ta sống tới 90 tuổi. Thấy chưa, từ câu trả lời này, ông lão đã làm một so sánh và sự so sánh đó trở thành nguyên nhân của hạnh phúc của ông ta. Và Thầy Khổng tử cũng đã đồng ý về điều đó. Chuyện này hoàn toàn phơi bầy cho thấy Thầy Khổng tử đã hoàn toàn không hiểu “Hạnh phúc là gi”!

Theo Đạo Giáo, hạnh phúc đích thực không thể có được bằng cách so sánh, vì khi nào người ta còn so đo là họ vẫn còn đang sống trong thế giới nhị nguyên. Hạnh phúc thực sự đúng ra ở ngoài thế giới nhị nguyên này. Cho nên hạnh phúc thực sự là phát xuất từ nội tâm đi ra.... không cần bất cứ nguyên nhân nào cả. Có lẽ, “Hạnh phúc chính thực không lý do” là điều khó hiểu. Nhưng một ngày nào đó khi ta biết được Thiền Định hay Chứng Ngộ, ta có thể hiểu một cách đầy đủ những điều trên đây.

Achema – Malaysia 2008
Kim Morris lược dịch March 2012

No comments:

Post a Comment