Tâm của một tu sĩ, cái tâm trí mà cho đến bây giờ vẫn luôn bị cho là chỉ có tính cách tôn giáo mà thôi, có những sự khó khăn riêng của chính nó. Thông thường cái tâm trí đó sống trong sự đối chọi; vì nó phân chia mọi chuyện ra thành phần tốt và phần xấu. Một người có đạo đức thật thích thú khi lên án kẻ có tội; họ cảm thấy họ vĩ đại và tốt đẹp. Sự quan tâm của họ về lòng tốt là tiêu cực; nó xuất phát từ việc lên án điều ác đức. Một vị thánh đạt được thích thú nhờ sự kết án những người phạm tội; nếu không họ không có cách nào làm cho chính họ hài lòng được.
Toàn thể nỗi vui mừng được lên thiên đàng lệ thuộc vào sự khổ sở và đau đớn của những kẻ bị đày xuống điạ ngục. Nếu những người trên thiên đàng phát giác được biết là không hề có địa ngục thì tất cả niềm vui sướng của họ sẽ đột nhiên tan biến; họ sẽ khổ sở như bất cứ chuyện khổ sở nào khác. Tất cả những nỗ lực và công lao của họ sẽ bị đổ xuống cống rãnh nếu họ biết địa ngục không hiện hữu. Nếu không có địa ngục, kẻ phạm tội, tội nhân cũng sẽ ở tại thiên đàng. Sau đó các thánh nhân sẽ đi đâu? Sự vui sướng của người có đạo đức lệ thuộc vào nỗi khổ đau của kẻ có tội; sự vui sướng của một phú hộ thực sự nẩy mầm từ sự bất hạnh của người nghèo khó. Không phải từ chính sự giầu sang. Hạnh phúc của một người có đạo đức thực ra là từ việc kết án những kẻ có tội, nó không xuất phát từ chính sự tốt lành. Một thánh nhân sẽ mất hết sự ngưỡng mộ và lời ca tụng khi mọi người trở nên tốt; vị này ngay lập tức trở thành không đáng kể nữa.
“Một buổi tối nọ Thiền Sư Shichiri Kejun đang ngồi tụng kinh, một kẻ trộm với thanh kiếm sắc bén vào đòi thầy hoặc đưa tiền cho anh ta hay bị giết. Shichiri nói: “Đừng làm phiền ta. Anh có thể lấy tiền ở trong ngăn kéo kia.” Rồi thầy tiếp tục tụng kinh.”
Không buộc tội, không phán đoán. Chỉ giản dị chấp nhận........thầy coi mọi việc như một làn gió nhẹ thoảng qua, chứ không phải là một kẻ ăn cướp. Ngay cả ánh mắt của thầy cũng không hề đổi khác......thầy coi như một người bạn vừa tới chơi, chứ không phải một người ăn cướp. Thái độ không hề thay đổi.
Thầy nói, “Đừng làm rầy ta. Anh có thể thấy tiền trong ngăn kéo kia. Không thấy ta đang tụng kinh hay sao? Ít nhất anh cũng nên tỏ vẻ kính trọng, không quấy rầy một người đang tụng kinh, chỉ vì chút ít tiền bạc như vậy sao. Anh tự đi kiếm và lấy tiền đi. Đừng làm phiền tôi.”
Thấy chưa.........thầy không chống đối kẻ cướp vì hắn tới chỉ để lấy tiền. Thầy không chống lại người ăn cướp vì hắn chỉ muốn tìm tiền, mê tiền.....không, không phải cách chống cự như thế. Điều giản dị là chấp nhận; anh ta là như vậy. Và có ai biết được? Đây là đường lối anh ta phải làm. Và tại sao ta phải kết án hắn? Ta là ai? Nếu hắn có lòng tử tế không làm phiền ta, cũng là đủ rồi, như thế còn đủ hơn là mong mỏi từ người khác. Vậy thì, đừng làm phiền ta.
“Một thoáng sau thầy ngừng tụng kinh, gọi vọng ra: “Đừng lấy hết tiền trong đó, Ta cần có một ít để dùng cho ngày mai.”
Thấy điểm đó chưa....thật là thân mật. Câu nói không chứa một ác cảm nào. Và vì không có ác cảm, câu nói không có sự sợ hãi. Vì không có sự kết tội, chỉ có một sự kính trọng sâu đậm, thầy tin là hắn sẽ bỏ đi. Khi ta thực lòng cho đi là ta có tin cậy..........ngay với người thật tệ bạc, it nhất họ sẽ kính nể ta vì ta coi trọng họ. Người đó sẽ nể nang, vì ta tin cậy họ. Khi ta tin cậy ai, khi ta không xét đoán và không kết tội, ta có thể tin là họ sẽ tin tưởng lại ta.
Thầy nói một cách giản dị, “Đừng lấy hết tiền, ta cần một chút ít để dùng cho ngày mai.”
Kẻ lạ thu thập gần hết số tiền và sửa soạn ra đi. “Hãy cám ơn người đã tặng quà......” Thầy nói thêm.
Bây giờ, thấy một người có lòng vị tha chưa. Thiền sư này không cho đó là ăn cướp, “Hãy cám ơn người cho khi nhận được món quà tặng”. Thầy đang chuyển hoá; cái nhìn của thầy hoàn toàn khác biệt. Thầy không muốn hắn cảm thấy tội lỗi. Chắc hẳn hắn đã tự cảm thấy tội lỗi rồi......từ việc ăn cướp của một thầy tu nghèo nàn, một người khất thực già nua, từ một người chẳng có gì ngay từ lúc đầu... từ việc ăn cắp của một người đã sẵn sàng cho đi tất cả. Một người đã chấp nhận hắn hoàn toàn......hắn sẽ cảm thấy tội lỗi, hắn sẽ bắt đầu hối lỗi. Khi về nhà hắn sẽ không thể ngủ được. Có thể sáng mai hắn sẽ phải quay trở lại để xin tha thứ.
Nhưng không...........như vậy sẽ không tốt. Thiền không tạo nên mặc cảm tội lỗi bằng bất cứ cách nào. Thiền chính là như thế đó, là một tôn giáo không tạo dựng lên tội lỗi nào. Một tôn giáo có thể được tạo dựng lên một cách dễ dàng với tội lỗi, những tôn giáo khác đã làm như vậy. Nhưng khi ta đã tạo dựng lên tội lỗi ta đã tạo nên những gì tệ hại hơn những gì ta đang chữa trị. Thiền không tạo dựng lên tội lỗi, thiền thận trọng không làm cho bất cứ ngưòi nào thấy có tội. Thiền sư nói:” Hãy cám ơn người ta khi nhận được quà. Đó là quà tặng. Anh không biết điều đó hay sao? Ta cho anh đó..... anh không cướp của ta đâu” Khác biệt ở chỗ nào? Chỉ cùng là một.
Thiền nói như thế này: Hãy cho đi.......thay vì nó bị cuỗm mất. Và đây là cái nhìn sâu rộng về cuộc sống. Trước khi cái chết xẩy đến hãy cho đi tất cả để sự chết không cảm thấy tội lỗi. Cho thần chết cuộc đời của ta như món quà tặng. Đây là sự từ bỏ của thiền. Nó hoàn toàn khác sự từ bỏ của đạo Thiên Chúa.....họ cho đi để rồi lấy lại sau. Thiền cho đi để tội lỗi không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới; và không có tội lỗi nào bị bỏ xót lại sau lưng.
Kẻ lạ cám ơn Thầy và bỏ đi. Vài ngày sau anh ta bị bắt và nhận tội, chung đám với những can phạm khác. Khi Thầy Shichiri được gọi ra làm nhân chứng, thầy nói: “Người này không phải là kẻ cắp, tôi biết như vậy. Tôi đã cho anh ấy ít tiền và anh ấy đã cám ơn tôi.”
Thấy điểm này không? Thật kính trọng thay! Thật là một sự kính trọng vô vàn. Thật là một sự kính trọng vô điều kiện cho vị thiền sư ...... về việc ông đối xử với một người ăn cướp? Nếu thầy Shichiri là một ông thánh Công giáo, chắc thầy đã doạ là hắn sẽ bị đầy đọa khổ sở dưới địa ngục.....và ở trong địa ngục muôn đời. Nếu thầy là một ông thánh Ấn Độ giáo, chắc thầy sẽ giảng cho một bài học thật dài về việc không được trộm cắp, và chắc thầy sẽ làm cho hắn phải kinh sợ vì sẽ bị vứt vào lửa địa nguc. Thầy sẽ bắt hắn tự vẽ một bức tranh thật kinh hoàng về cảnh địa ngục, và thầy cũng sẽ giảng cho hắn nghe về sự vô dụng của tiền bạc.
Thấy không: Một thiền sư không hề đả động đến sự vô dụng của tiền bạc. Thực tế, thay vào đó thầy nói, “Hãy để lại cho ta một ít tiền; ta sẽ cần dùng sáng mai.” Tiền có một dụng ích. Người ta không cần lệ thuộc vào nó, bằng cách này hay cách khác, chạy theo hay chống lại nó. Tiền bạc là một công cụ. Ta không cần chỉ sống vì tiền, và ta không cần phải không có nó. Nó chỉ là một công cụ. Thiền có một cách đối phó căn bản hoàn toàn khác biệt, một vị thầy không cho tiền là thấp kém và không nên nhòm ngó vào tiền của người khác. Tiền có gì liên hệ với con người? Tiền không là của riêng ai. Vì thế khi nói với người khác, “Anh là một kẻ ăn cắp tiền,” là ta đã tin rằng tiền là tài sản riêng. Là tin rằng người này có tiền một cách hợp lý và người khác lại không; người này có quyền có sở hữu tiền bạc, và kẻ khác thì không.
Ăn cắp bị kết án là do ý nghĩ của giới tư bản trên thế giới; đó là một phần của tâm tư bản. Tâm tư bản cho rằng tiền là sở hữu của một người nào đó....... có một chủ nhân chính đáng, và không ai được lấy đi mất. Nhưng Thiền nói không có gì là sở hữu của bất cứ ai cả; không ai là chủ nhân chính đáng. Sao ta có thể là chủ nhân thế giới này? Không ai sở hữu nó cả; ta xử dụng nó. Và tất cả chúng ta đều cùng xử dụng nó. Đây chính là lời nhắn nhủ: “ Cứ lấy tiền đi. Nhưng để lại cho ta một it, ta cần nó để tiêu dùng, cũng giống hệt như anh cần nó để tiêu dùng vậy.”
Thật thực tế, thật là một thái độ chứng nghiệm. Không bị lệ thuộc vào tiền bạc! Và tại toà án thiền sư nói, “Người này không phải là kẻ ăn cắp......tôi biết. Tôi không biết gì về những người kia......sao tôi có thể biết họ được? Tôi chỉ biết là: Tôi đã cho người này ít tiền và anh ta đã cám ơn tôi. Chuyện đã xong rồi, sự tính toán không còn nữa. Anh ta không thiếu tiền tôi. Anh ta đã cám ơn về việc đó.....anh ta đâu cần phải làm gì hơn nữa?”.
Nhiều lắm ta chỉ có thể nói lời cám ơn. Ta có thể nghĩ sự hiện hữu của tất cả mọi thứ là quà tặng cho chúng ta.....ta có thể làm gì khác hơn được?
Sau khi hết hạn tù, người ăn cướp đó đến gặp thiền sư Shichiri và trở thành môn đệ của thầy.
Ta có thể làm gì hơn khi gặp một người như thầy Shichiri? Ta chỉ có thể trở thành môn đệ. Thầy đã cải hoá một người ăn cướp thành một nhà tu hành. Đây là đường lối cải hóa, biến đổi của một vị thầy, thầy không hề bỏ lỡ một cơ hội nào. Tới gặp một vị thầy là để được chuyển hoá. Ta có thể tới vì một vấn đề nào khác, tựu trung ta có thể không cần đến với thầy........người ăn cướp không tới vì thầy. Thật ra, nếu anh ta đã biết có vị thiền sư đang cư ngụ tại túp lều tranh này, anh ta đã không dám tới. Anh ta đến chỉ vì muốn lấy tiền; rủi ro là hắn ta ngẫu nhiên gặp được thầy. Ngay cả khi ta rủi ro gặp một vị Phật, việc đó sẽ làm cho ta thay đổi tận gốc rễ. Ta sẽ không còn là ta như trước nữa.
Một bực Thầy không giảng
pháp, không bao giờ bảo phải làm như thế nào. Phật pháp nói: “ Thiền không có
gì để nói, nhưng Thiền có nhiều cách biểu lộ.” Thầy đã chỉ đường cho anh ăn
trộm. Thầy làm anh ta thay đổi một cách thật tài tình. Thầy phải là một nhà
giải phẫu lão luyện.....Thầy mổ ngay trái tim của anh ta ra.....không gây nên
một tiếng động nào. Thầy hoàn toàn thủ tiêu hắn rồi lại mang hắn trở lại thành
người. Ngay cả hắn cũng không hề hay biết những gì đã xảy đến cho chính mình.
Đây mới đúng là sự mầu nhiệm, là phép lạ của một bực Thầy. Một Thiền sư nói: “
Một người hiểu biết không chối bỏ sai lầm”. “Sự Thật không cần phải được tìm hiểu
trước tiên, vì nó có ở khắp mọi nơi, ngay cả trong sự sai lầm nữa. Vì thế ai chối
bỏ sự sai lầm cũng là chối bỏ cả sự Thật.”
Thầy chấp nhận cái lầm lỗi đó để đón nhận sự thật. Một khi sự thật xuất hiện, được chấp nhận, nó lan rộng ra, thì rồi sự lầm lẫn tự nó sẽ biến mất theo chiều ý riêng của nó. Ta không cần phải chống chỏi với bóng tối.... ý chính là như thế. Chỉ cần thắp lên một ngọn nến và bóng tối sẽ biến mất. Thầy đã thắp một ngọn nến trong tâm kẻ trộm này.
Một buổi khuya tối khi Thầy Taigan đang ngồi viết một bức thư, một anh ăn trộm lẻn vào phòng của thầy, mang theo một thanh gươm thật to. Nhìn thẳng vào mặt kẻ trộm, thầy nói: “Anh muốn gì..... muốn lấy tiền hay mạng sống của ta đây?”
Này, đây còn hơn cả Thiền...... thầy không cho anh ăn trộm một cơ hội để nói năng điều gì cả. Shichiri ít ra còn cho kẻ ăn cướp kia một cơ hội; với thầy Shichiri anh ta còn được nói lên ý muốn của anh ta, nhưng thầy Taigan lại cao hơn nữa. Thầy không cho kẻ trộm một cơ hội nào.
Thầy nói luôn với anh ta, “ Anh muốn gì..... lấy tiền hay mạng sống của ta đây? Cả hai việc đều không đáng kể..... cứ việc lấy bất cứ cái gì anh cần đi, vì đó là sự lựa chọn của anh.”
“Tôi tới đây vì tiền,” anh ăn trộm trả lời, kèm theo một chút sợ sệt.
Hắn ta.....người chưa từng đối đầu một khủng long như thế này..... chỉ vì một câu nói, “Anh muốn gì”.....và thầy sẵn sàng cho: “Anh có thể lựa chọn.” Không phán xét, hoàn toàn không như vậy. Ngay cả việc nếu kẻ trộm này chọn lấy đi mạng sống, Thầy Taigan cũng vẫn cho cơ mà. Nếu tất cả sẽ phải bị cướp đi mất, tốt hơn cho trước hết đi. Một ngày nào đó sự sống cũng sẽ biến đi.....thì tại sao phải lo sợ làm chi? Sự chết đang tới, hãy để cho anh trộm này hưởng sự thích thú này trong một chốc lát.
“Tôi đến vì tiền,” anh ăn trộm trả lời, có một chút sợ sệt.
Thầy móc túi tiền ra, đưa cho anh ăn trộm, và nói: “Đây, tiền đây!” Nói xong Thầy quay sang tiếp tục viết thư như không có chuyện gì xảy ra. Anh ăn trộm cảm thấy ngượng nghịu và run rẩy rời khỏi căn phòng. “Khoan! Đợi một chút!” Thầy gọi anh ta lại. Anh ta đứng khựng lại, lo lắng. “Sao anh không đóng cửa phòng lại cho ta?” thầy hỏi.
Ngày hôm sau, anh ăn trộm bị cảnh sát bắt, anh ta khai: “Tôi đi ăn cướp bao nhiêu năm rồi, nhưng chưa lần nào tôi bị kinh hoàng như khi một ông Thầy tu Phật giáo gọi với theo bảo tôi, “Khoan! Đợi một chút!” Tôi vẫn còn đang run rẩy đây. Ông thầy này thật đáng sợ, và tôi không bao giờ có thể quên được ông ta. Một ngày nào đó sau khi tôi ra khỏi nhà tù, tôi sẽ đi tới gặp ông ta. Tôi chưa từng gặp ai như ông ta....thật là một người có đầy đức tính. Tôi cầm thanh gươm trần trong tay, nhưng chẳng thấm chi cả. Thầy mới chính là một thanh gươm trần.”
Chỉ vì những chữ ngắn ngủi .... “Khoan! Đợi một chút!” ……. và anh ăn trộm đã phải nói, “Tôi vẫn còn đang run sợ.” Khi ta tới gần một vị thầy, vị thầy này sẽ giết ta. Sao ta có thể giết một vị thầy được? Ngay cả khi ta cầm trong tay một thanh kiếm, ta cũng không thể nào giết được thầy; ngược lại thầy sẽ giết ta. Và sự sát hại đó đã xẩy ra một cách thật âm thầm mà ngay ta cũng không nhận biết ra được là ta đã bị giết. Ta chỉ có thể nhận thức được điều đó sau khi ta phục hồi trở lại. Nhờ gặp vị thầy vĩ đại. Một ngày nào đó bất chợt ta không còn như trước nữa. Một ngày nào đó bất chợt ta không còn là ta như ngày xưa nữa. Một ngày nào đó đột nhiên mọi sự trở nên mới mẻ và tươi mát.....những con chim cất tiếng hót, những chiếc lá non đang phát triển lớn lên trong ta. Dòng sông khô cạn lại có nước trôi chảy trở lại, và ta như đang trôi về với biển cả.
Achema – Malaysia 2009
Kim Morris lược dịch June 2011
No comments:
Post a Comment