Friday, November 11, 2011

Dưới Chân Đức Thầy


Học Đạo
Dưới  Chân  Đức  Thầy
Dịch theo quyển “AUX PIEDS DU MAITRE”
Của Tác-giả:
CHƠN-SƯ  KUTHUMI
SOẠN GIẢ
ALCYONE  KRISHNAMURTI
Xin dâng cho những bạn
Tầm  Sư  Học  Đạo
Quyển sách nhỏ này sẽ dẫn dắt quí bạn:
“Từ cõi giả đến cõi chơn,
Từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt
Từ cửa tử đến cõi trường sanh bất tử.”
Lời của Bà Bác-Sĩ ANNIE BESANT, Cố Hội Trưởng
Hội Thông-Thiên-Học Thế Giới, Adyar Madras 20, Ấn Độ

Nội trong năm tiếng đồng hồ, sau khi quí bạn đọc xong
quyển sách nhỏ này, quí bạn sẽ thấy rõ con đường vạch
sẵn cho quí bạn, đưa quí bạn đến nơi giải-thoát để trở thành
 MỘT SIÊU NHƠN, MỘT THÁNH – NHƠN.
(Lời của dịch giả)
Ông Bà Nguyễn-Văn-Lượng
Và Vĩnh – Xuân
Được Đức Di-Lặc Bồ-Tát chứng nhận và bảo đưa ra đời, để
cưú nhân độ thế. Hữu phước thay ai đọc được quyển sách này.
------o0o-----

Lời  Nói  Đầu
Của Bà Bác-Sĩ Annie Besant
____

                Như một người chị cả, tôi (Annie Besant) được đặc ân viết đôi lời giới thiệu quyển sách nhỏ này, là tác phẩm đầu tiên của một cậu em còn trẻ..., thật trẻ về thể xác, chớ chẳng phải trẻ về linh hồn.
               Những lời dạy trong đó do Tôn-Sư của em chỉ bảo lúc Ngài chuẩn bị cho em được Điểm Đạo, và sau đó, do em thuộc lòng viết ra từ từ và khó nhọc, vì lẽ Anh-văn của em năm rồi không được trôi chảy như hiện nay.  (1911)
              Phần lớn tác-phẩm này ghi lại những lời của Đức Thầy đã nói; những điều gì chẳng phải Ngài nói cũng vẫn là tư-tưởng của Ngài diễn ra bằng lời của em.  Có hai câu bỏ sót được Đức- Thầy sửa lại.  Trong hai trường hợp khác, em có quên một chữ được Ngài thêm vào.  Ngoài mấy điều đó ra, tác phẩm này hòan-toàn của Alcyone, là món quà đầu tiên của em, đem hiến cho đời.
-----o0-----

LỜI  TỰA
___

              Những lời (trong quyển sách nhỏ nàykhông phải của tôi, mà chính của Đức Tôn-Sư đã dạy tôi.  Không có Ngài, tôi chẳng làm nên việc gì cả.  Nhờ Ngài giúp tôi, tôi được bước vào đường đạo.  Anh cũng như tôi, nếu anh muốn bước vào đường Đạo, thì những lời Sư-Phụ dạy tôi cũng sẽ hữu ích cho anh, nếu anh muốn bước vào đường đạo, thì những lời Sư-Phụ dạy tôi cũng sẽ hữu ích cho anh, nếu anh chịu tuân theo.  Bảo rằng đó là những lời hay lẽ đẹp, đúng chơn-lý thì chưa đủ: người nào muốn thành công đắc quả, phải làm đúng theo lời chỉ dạy.  Kẻ đói nhìn món ăn và khen ngon, thì chưa đủ; và phải với tay bốc lấy mà ăn.  Y như thế, nghe suông lời dạy của Đức Thầy, thì chưa đủ, phải thi hành những điều Ngài nói, chú ý từng tiếng, từng cử chỉ của Ngài.  Một cử chỉ mà ta không quan tâm đến, một lời mà ta bỏ qua là mất biệt, vì Đức Thầy không nói hai lần.
          Muốn bước vào Đường Đạo, phải có 4 Đức Hạnh này:
          Một là:  Tánh phân-biện (le discernement)
          Hai là:   Chí dứt bỏ  đoạn tuyệt (le detachement)
          Ba là:     Hạnh kiểm tốt  (la bonne conduite)
          Bốn là:    Lòng từ-ái ( l’Amour)
        
 Tôi sẽ cố gắng nói lại với quí bạn những gì Đức Thầy đã dạy tôi về mỗi đức hạnh ấy.
                                                                                          ALCYONE
                                                                                    (J . Krishnamurti)
    
          Lời của Ngài Annie Besant

          Mong rằng tác-phẩm này giúp cho nhiều người khác cũng như lời khẩu truyền của Đức Thầy đã giúp ích em vậy.  Chính với niềm hy-vọng ấy mà em hiến cho chúng ta.  Những lời dạy của Đức Thầy chỉ có hiệu- qủa là khi nào người ta ăn ở đúng theo đó, như Alcyone đã thực hành kể từ lúc lãnh giáo, do nơi miệng Đức Thầy thốt ra.  Nếu noi gương này và nếu lời dạy của Đức Thầy được tuân theo đứng đắn, thì cửa Điểm Đạo sẽ mở rộng để cho hành giả bước vào Thánh Đạo, y như Alcyone đã bước vào.

BÀ ANNIE BESANT
Người nước Anh.  Một vĩ-nhơn được 550 triệu dân Ấn Độ tôn sùng.  Bà giới thiệu             quyển sách này cho nhơn loại.
Bà là đệ tử của Đức Thầy MORYA “Đại-Tiên”.  Bà tu hành được đắc qủa La-Hán mở được Huệ-nhãn, biết được quá khứ, vị-lai.

                                                                                (Li của dịch giả)
             
HỌC  ĐẠO
“DƯỚI  CHÂN  ĐỨC  THẦY”
THIÊN THỨ NHẤT
 ____
TÁNH  PHÂN  BIỆN
(Le Discernement)
        
          Đứng đầu trong bốn đức-hạnh là tánh phân biện:  thường thường người ta hiểu nghĩa phân biện đây là phân biện giữa sự Chơn và sự Giả, để dắt dẫn con người vào Đường Đạo.  Hiểu như thế thật đúng, nhưng còn hơn thế nữa, là phải phân biện chẳng những lúc mới bước vào Đường Đạo mà luôn luôn từng bước một và mỗi ngày, maĩ mãi như vậy.  Con bước vào Đường Đạo vì lẽ con đã nhận biết rằng chỉ nơi đây mới tìm ra được những điều (chơn chánh) đáng học hỏi và thâu thập.  Những người chưa hiểu biết thì làm lụng để được giàu sang và có quyền thế; nhưng của cải và quyền thế có lâu lắm cũng chỉ trải qua một kiếp mà thôi, nên toàn là phù du mộng ảo cả.  Có nhiều việc lớn lao đáng tìm lấy hơn sự giàu sang và quyền thế, những việc ấy thiết thực và không hề hư hoại, một khi đã nhận thấy được rồi, thì không còn ham muốn điều gì khác nữa.
       
          Trên thế gian này chỉ có hai hạng người:  hạng sáng suốt và hạng không sáng suốt;
và duy có sự sáng suốt là quan trọng mà thôi.
        
           Con người giữ Đạo nào, hay thuộc dân tộc nào là điều không quan-trọng; điều quan- trong thiết thật chính là sự sáng suốt của y, sự hiểu rõ Cơ Trời đối với con người.  Vì Thượng-Đế có một Thiên-Cơ, mà Thiên-Cơ chính là sự tiến hoá.  Chừng nào con người hiểu rõ rồi, thì y chỉ còn có một nước là cộng tác để thực hiện Thiên-Cơ và hoà mình vào đó, ấy là điều vinh quang và đẹp đẽ nhất của con người vậy.  Vì lẽ, con người có sáng suốt mới thuận theo lẽ Trời, quyết tâm làm lành, chống lại điều ác, làm việc là để giúp cho sự tiến hoá của nhân loại và vạn vật chớ chẳng phải vì lợi riiêng cho mình.
     
          Nếu người nào đó thuận theo lẽ Trời, thì y là một phe với chúng ta, dầu y thuộc về Ấn-Độ-Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo hay là Hồi Giáo, hoặc y là người Ấn, người Anh, người Tầu hay là người Nga, thì cũng không sao cả.  Những người thuận theo lẽ Trời đều biết tại sao họ ở trong Tôn-Giáo của họ và sanh vào chủng tộc của họ; họ hiểu rõ bổn phận và cố gắng để hoàn thành bổn phận ấy.  Những người khác vẫn chưa biết họ sống để làm gì; thế nên họ thường hoạt động như kẻ ngông cuồng và đeo đuổi các lối thỏa thích riêng tư, chớ không chịu hiểu rằng vạn vật đồng nhứt thể, do đó, chỉ có điều gì thuận lẽ Trời là Đấng Duy Nhứt, thì mới làm đẹp lòng được tất cả mọi người.  Họ đeo đuổi theo những điều phù du mộng ảo chớ không phải điều chơn thật; và bao giờ họ chưa học phân biệt được hai điều chơn giả ấy thì họ chưa thuận theo lẽ Trời được.  Do lẽ đó mà trí phân biện là bước đầu tiên phải thực hành trên Đường Đạo. 

Tuy vậy dầu đã (phân biện và) chọn lưạ xong giữa hai điều đó, con nên nhớ ràng điều thật và điều giả có muôn hình vạn trạng; con còn phải biết phân biện điều lành với điều dữ, điều quan trọng với điều không quan trọng, điều hữu ich với điều vô ích , điều ich kỷ với điều vô tư lợi.

Lưạ chọn giưã hai điều:  lành và dữ, tưởng chừng như kông khó, vì những ai muốn theo Đức Thầy chỉ quyết một lòng làm lành mà thôi.  Nhưng tâm hồn và thể xác của con người là hai vật khác nhau, và ý chí cuả con người lại luôn luôn không hòa hợp với sự đòi hỏi của xác thân.  Khi xác phàm của con khao khát một vật gì, con hãy bình tâm suy nghĩ lại, có phải thật là con khao khát cái đó chăng?  Bởi vì con chính là Thượng-Đế và con chỉ muốn điều gì Thượng-Đế muốn mà thôi; nhưng mà con phải đi sâu vào nội tâm mới tìm được Thượng-Đế nơi con và hãy nghe lời Ngài, đó là lời của con đấy.  Chớ tưởng rằng các Thể của con ...Thể-xác, Thể-vía và Thể-trí không phải là con (là con người thật của con.)  Nhưng mỗi thể đều tự xưng là con, để thâu đạt những điều nó khao khát, nhưng con phải biết rõ chúng nó và tự biết rằng con là chủ của chúng nó.

XÁC  THÂN
(Le Corps Physique)

Khi có một công việc phải làm thì xác thân viện lẽ rằng nó cần nghỉ ngơi, đi dạo chơi và ăn uống; người không sáng suốt chiều theo nó thì bảo rằng:  “Tôi cần phải làm mấy việc này (nghỉ ngơi, dạo chơiăn uống) và tôi phải làm mới được.”  Còn người sáng suốt thì nói như vầy:  “Chính xác thân tôi đòi hỏi, chớ  có phải tôi đâu; vậy nó phải nén lòng chờ đợi.”  Thường khi có dịp giúp đỡ ai, thì xác thân nói rằng:  “Việc đó làm tôi bực mình quá, thôi để người khác làm thế cho tôi.”  Nhưng con người trả lời với xác thân như vầy:  “Mi không cản ta làm việc tốt được.”

Xác thân của con, vốn là con thú của con, là con ngựa để con cỡi.  Vậy con phải đối-đãi với nó cho tử tế, phải săn-sóc nó cho kỹ, đừng bắt nó làm việc quá sức; phải nuôi dưỡng nó châu đáo; cho nó ăn uống tinh khiết, chăm nom nó cho sạch sẽ, không một mảy may dơ bẩn.  Vì nếu thể xác con không hoàn-toàn tinh-khiết và tráng-kiện, thì không thế nào con lo nổi những công việc khó khăn trong lúc tập luyện.  Con sẽ không chịu nổi những cố gắng dồn dập do sự tập luyện đòi hỏi để bước vào đường Đạo.  Thế thì xác thân con phải tuân theo mạng lịnh của con luôn luôn, chớ không phải con ở dưới quyền của nó.
-------
CÁI  VÍA
(Le Corps Astral)

Cái Vía của con có dục vọng riêng, kể hơn cả chục thứ.  Nó muốn con nổi giận, nghe con nói lời nặng nề, muốn con ganh tị, tham lam, chiếm đoạt của thiên hạ, nó muốn thấy con nản chí ngã lòng.  Nó thich tất cả mấy điều đó và còn biết bao nhiêu thứ khác nữa...chẳng phải nó cố ý hại con, nhưng lại nó ưa những rung động thô bạo và những thay đổi liên tiếp không ngừng.  Nhưng con thì lại chẳng thích một thứ nào trong các việc đó; vậy con phải phân biện ý muốn nào của con, và ý muốn nào của cái Vía con.

CÁI  TRÍ
(Le Corps Mental)

Cái Trí của con ưa thích những tư tưởng tự tồn kiêu căng phách lối và ưa chia rẽ, trọng mình khinh người.  Dầu khi con đã xa lánh trần tục, trí con cũng vẫn cố gắng xúi dục con tự đắc (ngã mạn) chỉ nghĩ về sự tiến hoá riêng của con mà thôi, thay vì tưởng đến công việc của Đức Thầy và giúp đỡ kẻ khác.  Khi con tham thiền, nó xui khiến con tưởng đủ mọi điều mà nó thích, bất chấp điều cần yếu duy nhứt mà con đương lo giải-quyết đây.  Con đâu phải là cái Trí đó, mà nó chính là một Thể để cho con dùng; thế nên sự phân biện vẫn còn cần-thiết ở điểm này; con hãy luôn luôn đề phòng, bằng không con sẽ thất bại, vì nghe theo nó.

ĐIỀU  LÀNH VÀ ĐIỀU DỮ
(Le Bien et Le Mal)

Giữa điều thiện và điều ác, Huyền môn không chấp nhận sự thỏa-hiệp.  Điều lành con phải làm cho kỳ được; điều ác con chớ làm, mặc dầu kẻ vô minh tưởng gì hoặc nói chi cũng mặc, không nên quan tâm đến.  Con nên nghiên cứu thâm sâu những luật bí ẩn của Tạo Hóa, và khi được toả ngộ, con hãy xếp đặt đời con thuận theo luật trời, hợp với lý trí và lẽ phải.

Phải phân biện điều quan trọng với điều không quan trọng.  Đối với sự lành và sự dữ, lòng con phải vững như khối đá, con hãy luôn luôn nhường nhịn kẻ khác về mọi việc nhỏ nhen.  Bởi vì con phải luôn luôn dễ thương, tử tế, biết điều và nhu hoà, và để cho mọi người được tự do y như con đang được tự do vậy.  Con hãy cố tìm công việc xứng đáng để làm và con hãy nhớ rằng:  chẳng nên đánh giá mọi việc theo bề ngoài.  Thà làm một việc nhỏ và hữu ích ngay cho công việc của đức Thầy còn hơn là làm một việc lớn mà Thế gian gọi là tốt.

Phân biện điều hưũ ích cũng chưa đủ, còn phải phân biện điều hữu ích nhiều với điều hữu ích kém hơn.  Nuôi một người nghèo là làm một việc lành, cao quí và hữu ích:  nhưng mà nuôi linh hồn họ còn cao quí và hữu ích hơn.  Mọi người giầu đều nuôi được xác thân kẻ khác, nhưng chỉ có người sáng suốt mới nuôi dưỡng được linh hồn họ mà thôi.

Chừng nào con được làm đệ tử chánh thức của Thầy, con sẽ có thể nhận thấy tư-tưởng của con chơn chánh hay không chơn chánh, bằng cách so sánh tư-tưởng của con với tư-tưởng của Thầy.  Vì lẽ đệ tử đã hợp nhứt với Tôn-Sư của người, nên chỉ cần đặt tư tưởng mình kề bên tư tưởng của Ngài, là nhận thấy ngay rằng đôi bên có phù hợp với nhau chăng?  Néu không phù hợp, tất nhiên là tư-tưởng của đệ tử đã sai lầm, phải sửa đổi lập tức, vì tư-tưởng của Tôn-Sư, Đức Thầy vốn trọn lành, bởi Ngài đã thông hết mọi việc.  Những người chưa được Ngài thâu nhận vào hàng đệ tử chánh thức thi không nên làm như vậy:  Đức Thầy nghĩ sao về việc này?  Ngài sẽ nói và sẽ làm thế nào trong những trường hợp này?  Bởi vì con không nên làm hay nói, hay tưởng điều gì mà theo ý con, Đức Thầy không thể làm, không nói hay không tưởng như thế được. 

Lời nói con phải chơn thật, chín chắn và không thái quá.  Tuyệt nhiên, con chớ nên nghĩ rằng kẻ khác có ý xấu.  Chỉ Sư-Phụ của y mới hiểu rõ tâm ý của y thôi, và có thể rằng y hành động như thế với những lý do hoàn toàn chẳng quan hệ tới con chút nào cả.

Khi con nghe một câu chuyện nói xấu ai đó, con chớ nên thuật lại câu chuyện ấy có lẽ không đúng sự thật, dầu có đúng sự thật đi nữa, con đừng nói đến mới là nhơn từ.  Con hãy suy nghĩ trước khi nói, vì e nói ra không đúng sự thật.

Con phải thành thật trong việc làm, chớ nên tỏ vẻ khoe khoang điều gì mà con không có, vì mọi sự giả trá đều ngăn cản ánh sáng trong sạch của chơn-lý, không cho nó soi thấu lòng con, như tia sáng mặt trời xuyên qua một mảnh kiến trong vậy.

LÒNG  VỊ  THA
VÀ ĐỜI SỐNG LINH THIÊNG
(L’altruisme et la vie divine)

Phải phân biện cho được điều íck kỷ với điều không íck kỷ.  Vì lòng ích kỷ có nhiều hình trạng lắm, mỗi khi con trừ được một hình trạng nào đó, nó lại chổi dạy dưới một hình trạng khác còn mạnh mẽ hơn trước.  Nhưng lần lần tư tưởng lo giúp kể khác choán cả tâm trí con, không còn một chỗ hở nào, một phút nào, để con nhớ đến bản thân con nữa.

Con phải phân biện một cách khác nữa.  Phải tập phân biện Đức Thượng Đế ngự nơi mọi loài sanh vật và vạn vật, dầu bề ngoài nó thật xấu xa đến đâu.  Luôn luôn con có thể giúp đỡ đàn em (vạn loại) của con , bởi vì con với chúng đồng nhứt thể, nghĩa là cùng chung một mầm giống Thiêng Liêng tạo ra.  Con hãy học cách đánh thức Chơn Linh của Đức Thượng- Đế ngự nơi chúng, như vậy con sẽ cứu chúng khỏi bị tai hại.

THIÊN  THỨ  NHÌ
CHÍ  DỨT  BỎ
(Le detachement)

Đối với nhiều người, hạnh dứt bỏ là một đức tánh tốt khó tập được vì họ tưởng rằng dục-vọng cấu-tạo ra bản thể của họ, họ e rằng những điều ham muốn riêng, cùng những điều gì họ thích và những cái gì không ưa của họ mà dứt bỏ hết, thì còn gì là họ nữa.  Nhưng các người ấy chưa được gặp Đức Thầy, chờ một khi đứng trước Thánh Dung, với hào quang sáng rực rỡ của Ngài, thì các sự ham muốn dục vọng đều tan đi như mây khói, trừ ra ham muốn giống được như Ngài mà thôi.  Nhưng trước khi được diễm phúc đối diện với Ngài, nếu con muốn, con có thể tập hạnh dứt bỏ được.  Trí phân biện đã chỉ dạy rằng, những tham vọng của phần đông con người như giàu sang và quyền thế không đáng nhọc công chiếm lấy, vả lại khi hiểu biết thực rồi, chớ không phải chỉ nói suông mà thôi, thì không còn ham muốn mấy điều ây nữa.

Nguyện  Lành  Duy  Nhứt
(Le seul bon desir)

Tới đây mọi sự đều đễ, chỉ hiểu biết là đủ rồi.  Nhưng có vài người vội bỏ đời theo đạo hầu được sớm về Thiên-Đàng hoặc để riêng mình được giải thoát khỏi luân-hồi sinh tử; con chớ nên phạm lỗi đó.

Nếu con trọn vẹn quên mình vì đạo, con không thể nghĩ ngợi băn khoăn và tự hỏi chừng nào “linh-hồn” con sẽ được giải thoát, hoặc con sẽ lên được cõi Trời nào.  Con nên nhớ rằng mọi dục vọng đều íck kỷ – dầu dục vọng cao thượng đến đâu – đều là một sự trói buộc, và bao giờ con chưa loại trừ được dục-vọng, thì con chưa hòan toàn được rảnh rang để hiến mình làm công việc của Đức Thầy.
(Công vic củĐức Thy là luôn luôn lo phụng s Thiên cơ, tc là phụng s nhơn loại, giúp nhơn loại mau tiến hóa, li của dịch giả)

Khi mà tất cả dục-vọng thuộc về phàm nhơn con đã tiêu tan rồi, có thể con sẽ còn lại cái dục vọng muốn thấy công quả của con.  Nếu con giúp đỡ ai đó, con sẽ thích xem người ấy được nên thân đến mức nào; cũng có thể con sẽ muốn người ấy biết con giúp và nhớ ơn con.  Như thế cũng vẫn còn là một dục vọng, và đồng thời lại còn là một sự thiếu đức tin.  Khi con ra sức giúp đỡ, dầu con thấy hay không thấy, tất nhiên cũng sẽ có một kết qủa ; hiểu luật nhân qủa, con biết hẳn là phải có kết quả như thế.  Vậy hãy làm lành vì ưa mến việc lành, chớ chẳng gì mà con cho là phải:  vậy con phải để kẻ khác tự do như con, và nếu người ta dùng quyền tự do cuả người ta, thì con không được phép kích bác.

Nếu con ghĩ rằng y hành động sai lầm, và gặp dịp, con nói riêng với y một cách rất lễ phép, tại sao con không đồng ý với y thì, may ra, con thuyết phục được y; nhưng có nhiều trường hợp mà sự can thiệp như thế lại còn không phải cách nưã.  Dầu sao, cũng không nên đem chuyện riêng của y mà nói với một người khác đó; đó là một hành động rất xấu xa.

Nếu con thấy ai hung ác với trẻ em hay là một con thú, bổn phận của con là phải ngăn cản.  Nếu con thấy ai làm nghịch với phép nước, thì con phải cho nhà cầm quyền hay.

Nếu con lãnh trách nhiệm giáo hoá một người, bổn phận con phải lo chỉ cho y biết lỗi của y một cách êm ái.  Ngoài các trường hợp đó, con hãy lo việc riêng của con và tập tánh làm thinh.

THIÊN  THỨ  BA
HẠNH – KIỂM  TỐT
(La Bonne conduite)

Sáu điểm về hạnh kiểm tốt do Đức Thầy bắt buộc phải có như dưới đây:
Một là:  Tự chủ về cái trí  (La maitrise de soi quant au mental)
Hai là:   Tự chủ trong hành-động (La maitrise de soi dans l’action)
Ba là:    Đức khoan dung (La tolerance)
Bốn là:  An phận (Le contentement)
Năm là: Nhứt tâm tiến thẳng một đường tới mục đích (L’unite de direction vers le but)
Sáu là:  Lòng tin tưởng (La confiance)
(Tôi vẫn biết có vài điểm trong số các điểm trên đây được dịch nhiều cách khác nhau, cũng như tên các đức tánh cần yếu vậynhưng riêng tôi, tôi luôn luôn dùng các danh từ mà chính Đức Thầy đã dùng, trong lúc Ngài giải thích các điểm đó cho tôi nghe)

I - Tự  Chủ  Về  Cái Trí
(La maitrise de soi quant au mental)

Hạnh dứt bỏ dạy phải làm chủ cái Vía; điểm một trên đây lại bắt buộc ta phài làm chủ cái Trí nưã.  Làm chủ cái Vía có nghĩa là chủ trị cho được tánh hay nổi giận và nóng nẩy; còn làm chủ cái Trí là để cho tư tưởng được an tịnh và điềm tĩnh mãi mãi; và nhờ cái Trí trấn áp những dây thần kinh, ít bị khích động chừng nào tốt chừng nấy.  Điểm nầy khó lắm, vì trong lúc con đang cố gắng chuẩn bị để bước vào Đường Đạo, con không thể ngăn cản bản thân con, không cho nó cảm giác hơn lúc trước được, thành thử thần kinh con dễ bị dao động bởi một âm thanh hoặc một sự đụng chạm, dây thần kinh này xúc động thắm thía, nhức nhối vô cùng khi bị chạm đến, dù hết sức nhẹ nhàng.  Nhưng con phải cố gắng hết sức con để chịu đựng.

Cái Trí được an tịnh mới có lòng can đảm để có thể đương đầu không nao núng với những sự thử thách và gian nan trên Đường Đạo; mới bền lòng chịu đựng dễ dàng những sự buồn phiền hằng ngày và những lo âu không ngớt về những việc nhỏ mọn, làm cho nhiều người mất gần hết ngày giờ.  Đức-Tôn dạy rằng mỗi người nên xem mọi việc xảy ra ở đời, như là:  những sầu não, khó khăn, bệnh hoạn và những hao tổn mất mát hay là tử biệt, sanh ly, đều không quan hệ, phải xem chúng như không, và đừng  để chúng làm rối trí mình.  Chúng là nghiệp quả tiền khiên, ta nên vui lòng lãnh lấy, khi chúng xảy đến; con nên nhớ rằng tất cả vật sự ở thế gian đều là giả tạm trong một lúc mà thôi, bổn phận của con phải luôn luôn vui vẻ và điềm nhiên mãi mãi.   Bao nhiêu nỗi niềm đó thuộc về nhiều kiếp trước, do con gây nên, chớ không phải kiếp này; con không thể sửa đổi gì được, thế thì lo rầu cũng vô ích.  Tốt hơn là con nên nghĩ đến những hành động trong kiếp này, chúng định đoạt những sự xảy ra trong kiếp tới của con, con có thể sưả đổi được ngay bây giờ.

Tuyệt nhiên con không nên sầu não và nản chí.  Sự nản chí là điều tai hại, bởi vì nó truyền nhiễm, lây đến người khác, làm cho đời sống người khác trở nên rất khó khăn; con không cho phép làm điều đó.  Mồi khi thấy sự nản chí đưa đến, con phải xô đuổi nó cho xa.  Con phải làm chủ tư-tưởng một cách khác nữa:  con cũng phải chú ý, để làm cho được hòan ảo.  Chẳng nên để trí con ở không; luôn luôn con phải có sẵn nhiều tư- tưởng  tốt đẹp, sẵn sàng xuất hiện trong lúc cái trí ở không.  Hằng ngày hãy dùng trí lực của con để trù liệu của con để trù liệu điều lành; con phải là một động lực mạnh mẽ hướng về sự tiến hoá.  Mỗi ngày hãy nhớ tưởng một người nào đó mà con biết đang ở trong cơn sầu não hoặc đau khổ, hay cần được giúp đỡ con hãy ban rãi cho y những tư tưởng yêu đương.

Hãy tránh tư tưởng kiêu căng phách lối, tự đắc, tự cao, tự tôn, tự đại, vì kiêu căng luôn luôn do sự dốt nát sanh ra.  Người không sáng suốt tưởng mình là cao cả, lập được công cao nghiệp cả; bực hiền-nhơn hay là Thánh-nhơn hiểu rằng chỉ có Trời là cao cả mà thôi, và mọi việc lành đều do Trời.

II - TỰ CHỦ TRONG HÀNH ĐỘNG
(La maitrise de soi dans l’action)

Khi nào tư tưởng của con được đúng đắn rồi thì con sẽ hành động rất dễ dàng.  Nhưng con nên nhớ rằng muốn giúp đời thì tư tưởng  lành phải biểu lộ thành hành động tốt.  Không làm biếng, phải hoạt động không ngừng để làm công việc hữu ích.  Phải lo tròn bổn phận của con, chớ xen vào bổn phận của người khác, trừ khi họ cho phép con giúp đỡ họ.  Hãy để mọi người làm việc theo cách thức riêng của họ, nếu họ cần đến con, con sẵn lòng giúp đỡ, nhưng tuyệt nhiên con chớ nên xen vào việc của người khác.  Đối với nhiều người, điều khó trên đời là lo tròn công việc riêng của mình; mà thật vậy, đó chính là điều mà con phải làm.  Chớ vì lẽ cố tu-tập làm thử một việc cao thượng mà khinh thường bổn phận hằng ngày của con, nếu mấy chuyện bổn phận hằng ngày này con lo không xong, thì con có rảnh đâu để lo chuyện khác.  Đối với đời, con đừng lãnh thêm những nghĩa vụ nào mới cả mà hãy hoàn thành trách nhiệm con đang gánh vác.  Thầy muốn nói những nhiệm vụ chính chắn và hữu-lý mà chính con đã nhìn nhận, chứ không phải nhiệm vụ tưởng tượng mà kẻ khác kiếm thế buộc con thi-hành.  Để có thể nhập vào hàng đệ tử của Thầy một ngày kia, con phải làm công việc thường ngày giỏi hơn kẻ khác, chớ đừng tệ hơn, bởi vì nhơn danh Thầy nên con phải làm như thế.

III - ĐỨC KHOAN DUNG
(La tolerance)

Con hãy có lượng khoan dung hoàn toàn đối với tất cả mọi người và hãy thật tình kính trọng tín ngưỡng của người khác như tín ngưỡng của con vậy.  Bởi vì Tôn-giáo của họ, cũng như Tôn-giáo của con là một con đường đưa đến Đức Thượng Đế.  Và muốn giúp tất cả chúng sanh, thì phải thông cảm với tất cả.

Nhưng muốn đạt được lượng khoan dung hoàn toàn, trước hết con hãy cởi bỏ cho được thói mê tín và dị đoan.  Phải hiểu rằng không có sự lễ bái nào là cần thiết cả; nếu không hiểu thế, con sẽ lầm tưởng rằng nhờ hành lễ chín chắn mà con cao siêu hơn những người không biết hành lễ.  Trái lại, cũng đừng chỉ trích những ai còn ưa thich lễ bái.  Hãy để cho họ làm theo sở thích của họ:  song họ cũng phải để con tự do, vì con là người đã hiểu chơn lý; họ không được cưỡng ép con lùi lại mức cũ mà con đã vượt qua.  Con hãy bao dung và tử tế trong mọi việc.

Bây giờ mắt con đã sáng, con có thể cho rằng một vài tín ngưỡng, lễ bái ngày xưa dường như phi lý có lẽ là phi lý thật sự đấy.  Tuy nhiên dầu con không thể dự lễ nữa, con vẫn phải kính trọng các lễ bái đó, để tỏ lòng từ bi với những tâm hồn thật thà chất-phác, họ còn cho những lễ bái là thực quan trọng.  Các nghi lễ ấy có chỗ đúng và cũng hứu ích; nó giống như những gạch hàng đôi của một tập đồ đã giúp con hồi thuở bé để viết ngay hàng, đều khỏang, cho đến khi con viết giỏi và dễ dàng, không cần gạch hàng đôi đó nữa.  Vào một thời buổi trước kia, con đã cần đến nghi lễ nhưng bây giờ thời ấy đã qua rồi.

Một đấng đại giáo chủ có viết câu này:  “Thuở bé, tôi nói năng như một trẻ con, nghĩ ngợi như một trẻ con, lý luận như một trẻ con, nhưng lúc thành người lớn, tôi bỏ tư cách trẻ con.”  Nhưng mà ai đã quên buổi thơ ấu của mình, và mất thiện cảm với trẻ con, thì sẽ không thể dạy dỗ và giúp đỡ trẻ con được.  Vậy hãy nhìn người đời với tấm lòng hiền lành nhơn đức dịu dàng bao dung, và hãy xem tất cả mọi người y như nhau, dầu họ thuộc về Phật-giáo, Ấn Độ giáo (Bà-la-môn giáo), Doanh giáo (Djainisme), Do Thái giáo, Cơ-Đốc giáo (Thiên-Chúa giáo) hay là Hồi-giáo cũng vậy.
IV -  AN  PHẬN
(Le contentement)

Con phải vui lòng trả quả dù nghiệp quả của con ra sao; phải nhận lãnh nỗi đau khổ như một điều vinh-hạnh, vì lẽ nó chứng-minh rằng các Đấng Cầm Cân Nhân Qủa biết con xứng đáng, mới giúp con trả qủa đã tạo trong kiếp trước.  Dầu nghiệp qủa con nặng đến đâu, con cũng phải biết ơn các Ngài đã không bắt con trả nhiều hơn, qúa sức con.  Nên nhớ rằng con không giúp ích cho Thầy được nhiều (tức là phụng sự Thiên Cơ), khi mà căn qủa xu của con chưa dt và con chưđược rảnh rang v nghip qủa.  Lúc con hiến thân để phụng sự Thầy, con đã cầu xin nhồi qủa cho con, đặng làm sao trong một hai kiếp, con trả sạch nghiệp qủa của con, không vậy thì cả trăm kiếp con trả mới dứt.  Nếu muốn lợi dụng cách trả quả báu ấy, con phải vui vẻ, bằng lòng nhận lãnh sự trả qủa ấy.

Còn một điều nữa:  hãy diệt tất cả ý muốn có của sở hữu.  Có thể nghiệp qủa làm cho con mất những vật con quí chuộng hơn hết...,có thể mất những người mà con yêu quí nhất; dầu vậy đi nữa con hãy sẵn sàng và vui lòng xa lìa bất cứ vật gì hay người nào quí nhất của con.

Đức Thầy thường dùng đệ-tử làm trung-gian để sang thần-lực cho những người khác; Nếu đệ tử nản chí ngã lòng, thì Đức Thầy không làm việc ấy được.  Như vậy, hanh an-phận là quí luật phải tuân theo.

V -  NHỨT TÂM TIẾN THẲNG
MỘT ĐƯỜNG TỚI MỤC ĐÍCH
(Unité de direction vers le but)

Điều thứ nhứt mà con phải nhắm là làm công việc của Đức Thầy; dầu gặp việc nào khác, con cũng không được quên việc đó.  Thật ra, còn có việc gì khác nữa đâu, vì mọi công việc hữu ích và vô tư lợi đều là công việc của Đức Thầy, và con phải làm thế cho Đức Thầy.

Con phải chú tâm vào phần việc của con làm, để làm hết sức mình.  Đức Đại Giáo-Chủ nói trên cũng đã viết câu này:  “Dầu làm việc gì, con cũng phải hết lòng như làm cho Đức Thượng-Đế, chớ chẳng phải làm cho người thế gian.”  Con hãy tự hỏi con phải làm công việc thế nào, nếu con biết rằng Thầy sẽ đến xem xét công việc ấy; vậy con phải nghĩ như thế để làm tròn công việc của con.  Những người khôn ngoan sáng suốt sẽ hiểu rõ ý nghĩa của lời nói trên.  Còn một câu khác cùng một nghĩa nhưng xưa hơn:  Dầu tay con làm gì, con phải biết hết sức chú ý vào đó.

Nhứt tâm tiến thẳng một đường tới mục đích cũng có nghĩa là khi con bước vào đường Đạo rồi, thì không có việc chi làm cho con giây phút nào bỏ đạo được.  Chớ để những cám dỗ, những lạc thú ở đời, những luyến ái phàm tục làm cho con lầm đường lạc lối.  Bởi vì con phải nhập một với Đạo; đã đến mức mà đạo thành ra bản thể của con, con tiến bước trên đường Đạo không cần nghĩ ngợi gì khác và con cũng không thể nào bỏ Đạo được.

Con là Chơn Thần (một Thành phần của Đức Thượng-Đế), con đã chí nguyện rằng:  nếu con bỏ Đạo tức là con tự lìa bỏ con vậy.

IV – LÒNG  TIN  TƯỞNG
(La confiance)

Con phải có lòng tin-tưởng Tôn-Sư con; mà phải tự tin nơi con nữa.  Nếu con được thấy hay gặp Đức Thầy rồi, thì dầu đầu thai bao nhiêu kiếp con cũng tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài luôn luôn.  Nếu con chưa được thấy Đức Thầy thì con hãy cố gắng tưởng niệm Ngài, bằng không vậy, dầu là Thượng-Đế cũng không thể nào giúp con được.  Không tin cậy hoàn toàn thì từ ái của Ngài, thần lực của Ngài không thể truyền sang đầy đủ cho con được.

Con phải tự tin nữa.  Con nói rằng con quá biết con còn nhiều tật xấu nên con không có lòng tự tin.  Nếu đó là quan niệm của con, thì con chưa biết con đâu; con chỉ biết cái vỏ ngoài của con thôi, nó thường lem luốt, bợn nhơ.  Còn cái Chơn-Thần (Linh-Hồn) của con – là điểm Linh Quang của Đức Thượng-Đế mà Thượng-Đế là đấng Toàn- Năng đang ngự nơi con; vì lẽ đó, không có điều gì mà con làm không được, nếu con quyết chí con hãy tự bảo như vầy:  “Điều gì có người đã làm được rồi , thì người khác cũng sẽ làm được.  Tôi là người, mà tôi cũng là Thượng-Đế, Ngài ngự nơi tôi, tôi có thể làm được những điều mà tôi quyết chí làm”.  Bởi vậy chí quyết của con phải cứng rắng như thép đã trùi, nếu con muốn bước vào đường Đạo.

THIÊN  THỨ  TƯ
LÒNG  TỪ - ÁI
(L’amour)

Trong những đức hạnh cần phải có, lòng từ-ái quan trọng hơn hết vì khi nó nẩy nở lớn lao, mạnh mẽ, nó thâu phục tất cả đức hạnh khác, và nếu những đức hạnh khác kia mà thiếu lòng từ-ái, thì chẳng đủ vào đâu cả.  Người ta thường coi lòng từ ái như là một nguyện vọng mãnh liệt làm cho ta thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, để hợp nhứt cùng Thượng-Đế.  Nhưng nếu giải thích như thế là xen vào đó tánh ích kỷ, và đúng nghĩa chỉ có một phần thôi.  Đó không phải là nguyện vọng mà lại là một Chí nguyện, một quyết định.  Muốn có hiệu lực, chí nguyện đó phải thấm nhuần trọn vẹn lòng con, không để chỗ hở cho một tình cảm nào khác.  Nói cho đúng, đó thật là chí nguyện muốn được hợp nhứt với Thượng-Đế, chẳng phải để xa lánh mọi nỗi buồn chán và đau khổ ở đời, mà hầu để giúp con rất kính yêu Ngài.  Bởi vì Thượng-Đế vốn Từ-Bi, cho nên muốn hiệp nhứt với Ngài, con phải hoàn toàn nhơn từ và hoàn toàn vô tư lợi.

Trong đời sống hằng ngày, lòng từ ái có hai nghĩa:  một là phải cẩn thận tránh làm cho loài sanh vật đau khổ, hai là phải chờ đón một dịp để giúp đời.

Trước hết, đừng làm đau khổ ai cả.  Có ba tội gây đau khổ cho đời hơn những tội khác:  tội thứ nhứt là Nói-hành, tội thứ nhì là Hung-ác, tội thứ ba là Mê-tín dị-đoan, bởi đó là những tội trái nghịch với lòng từ-ái.  Người nào muốn thờ kính và yêu thương Đức Thượng-Đế thì phải tránh ba tội đó mãi mãi.
SỰ  NÓI-HÀNH
(La Medisance)

Thử xem sự nói nhảm, nói hành, (nói xấu) tai hại thế nào.  Nó khởi đầu bằng những ác ý, như thế là phạm một tội trọng rồi; vì mọi người mọi vật đầu có chỗ tốt và chỗ xấu, bằng cách nghĩ tưởng đến chúng; và, như thế là chúng ta có thể thúc đẩy hoặc làm chậm trễ sự tiến-hoá.  Chúng ta có thể vâng lời đức Thượng-Đế hay là chống lại Ngài.  Nếu con nghĩ tưởng tới chỗ xấu của một người khác, thì cùng một lúc con làm ba điều quấy:

Một là:  con gieo rắc quanh vùng con ở, những tư tưởng xấu chớ chẳng phải tư-tưởng lành thì con thêm điều khổ não cho đời.

Hai là:  nếu người nào đó có tật xấu như con nghĩ tưởng, thì con bồi dưỡng và tăng cường tật xấu đó:  tức là con làm cho huynh đệ của con càng thêm xấu, thay vì thêm tốt.  Nhưng thường thường không phải người đó xấu thật, tại con lầm tưởng đó thôi; trong trường hợp này, tư tưởng xấu của con xui dục và làm quấy, bởi y chưa an lành, con sẽ làm cho y giống theo ý tưởng xấu của con.

Ba là:  Con phát sanh trong tâm trí con đầy những tư tưởng xấu, chớ chẳng phải tư tưởng tốt; và do đó, con làm ngưng trệ bước tiến hoá của con, và con phơi bày trước các Đấng có cặp mắt thánh một tâm trạng xấu xa, bỉ ổi chớ chẳng tốt tươi đẹp đẽ chút nào.

Gây bao nhiêu tai hại cho mình và cho người, vì nói hành cũng chưa vưà lòng, và còn lôi cuốn nhiều người khác phạm vào tội lỗi của nó làm.  Nó hăm hở kể cho họ nghe chuyện hung ác của nó tưởng tượng để họ tin; đó rồi chúng xúm nhau phao truyền một đợt tư tưởng xấu vô trí người bị nói hành, một nạn nhơn đáng thương hại.  Và hằng ngày chẳng phải một người làm như vậy mà cả ngàn người nói hành (nói xấu) đều làm y như vậy thì tai hại biết bao nhiêu.

Bây giờ con đã bắt đầu thấy tội nói hành đê hèn, và ghê tởm đến mức nào chưa?  Tuyệt nhiên con chớ nên phạm tội đó.  Nhứt định con đừng nói xấu một người khác, và nếu nghe nói xấu ai, con nên nhỏ nhẹ hiền hoà đưa ra ý kiến:  “Việc đó có thể không đúng sự thật, mà nếu có thật đi nữa, xin nhơn từ đừng nói đến.”
ĐIỀU  HUNG  ÁC
(La cruauté)

Sự hung ác có hai cách:  cố ý hoặc vô ý.  Cố ý làm điều ác là định tâm làm cho một sanh vật đau đớn – tội này nặng nhất, hơn tất cả tội, chỉ có yêu quái mới dám làm, chớ con người không nên làm.

Có thể con bảo rằng:  làm người ai lại làm ác như vậy được.  Nhưng mà nhiều người đã thường làm ác và lại còn làm ác hằng ngày nữa chớ.  Nhiều quan tòa trong tòa án Công-giáo (Inquisiteursthuở xưa đã bạo ác; nhiều người có đạo đã phạm tội ác để bênh vực tôn giáo của mình; các nhà giải phẫu mổ xẻ thú vật còn sống; nhiều thầy giáo thường đánh đập học trò.  Những người này, để bào chưã tội ác của họ, nói rằng: họ y theo tục-lệ; nhưng một tội ác, chẳng vì lẽ có nhiều người y theo tục lệ mà gây ra, lại mất tánh cách tội ác được.  Luật nhơn-qủa không thể vì tục-lệ mà tránh khỏi được, mà qủa báo do sự bạo ác gây ra lại càng nặng nề hơn các tội khác.  Riêng ở xứ Ấn-Độ thói hung ác không thể tha thứ được, vì mọi người đều biết bổn phận mình không nên làm ai đau khổ cả.  Nghiệp báo của tội ác cũng không dung thứ những ai, viện lẽ thể thao (như đi săn bắn,) vui tay giết hại các loài sanh linh của Thượng-Đế tạo ra.

Thầy biết con sẽ không làm ác như vậy được,vì lòng yêu kính Đức Thượng-Đế, nên khi gặp dịp con sẽ phản kháng ngay.  Nhưng mà trong lời nói cũng có những lời hung ác như trong việc làm, người nào nói ra một lời cố ý mạ nhục, cũng phạm tội ác vậy.  Điều này con cũng sẽ không phạm; nhưng đôi khi, một lời nói vô ý cũng tai hại như một lời nói hung dữ.  Vậy con cố tránh sự vô ý làm ác.

Nghiệp ác vô ý đó thường sanh ra vì thiếu suy nghĩ.  Một người tham lam bỏn xẻn chẳng hề nghĩ tới nỗi khổ do y gây ra cho kẻ khác, bằng cách trả tiền công quá hẹp, hoặc để vợ con bữa đói bưã no.  Có kẻ chỉ nghĩ về sự vui riêng của mình, và để được thỏa mãn, y ít quan-tâm đến những linh-hồn và thể-xác bị y phá hoại (mua dâm, hiếp dâm, tà dâm.)   Lại có người vì muốn tránh vài phút bực mình, không phát tiền công thầy thợ cho đúng ngày, không nghĩ đến nỗi khổ mà y gây ra cho thầy thợ.  Có biết bao nhiêu sự đau khổ gây ra bởi tánh vô tư lự của mình, quên nghĩ đến việc của mình có quan hệ đối với kẻ khác.  Nhưng luật Nhân-quả chẳng hề quên báo ứng, dầu con người không nhớ đến nó.  Nếu con muốn bước vào Đường-Đạo thì con phải nghĩ đến hậu qủa của những việc con làm, vì sợ e vô ý phạm tội hung ác.

SỰ  MÊ  TÍN  DỊ  ĐOAN
(La superstition)
Mê-tín dị-đoan là một tai hại lớn khác, nó đã gây ra những bạo ác khủng khiếp.  Kẻ nào đã làm nô lệ cho thói dị-đoan thì khinh khi những người khôn ngoan hơn mình, và cố lôi cuốn họ làm y như mình.  Con hãy nghĩ đến cảnh sát hại thú-vật rùng rợn do sự mê-tín đòi hỏi, giết thú vật để tế lễ; và còn một thứ mê-tín khác ác hại hơn nữa, nó làm cho con người tưởng rằng cần phải ăn cá thịt mới sống được.  Con hãy nghĩ đến những nỗi đau khổ mà sự mê-tín gây ra cho các hạng dân bị áp bức ở Ấn-Độ yêu quí của chúng ta, và xét coi sự mê-tín đó nảy sanh ra biét bao điều tàn nhẫn, trong hạng người đã biết rõ bổn phận của họ là phải tôn trọng tình huynh-đệ.  

Trớ trêu là do sự mê-tín ám ảnh và xúi dục, người ta đã phạm nhiều tội ác, lại cho là họ nhơn danh Đức Thượng-Đế Đại-Từ Đại-Bi mà làm.  Vậy hãy coi chừng kỹ-lữơng đừng bỏ sót một mảy may dị-đoan nào trong tâm trí con cả.  Con phải lánh xa ba tội trọng đó, vì chúng nó là những tội trái nghịch với lòng từ ái, có thể chận đứng hết các sự tiến hoá của con.  Chẳng những lánh dữ mà còn phải tích cực làm lành.  Con phải đầy nhiệt tâm phụng-sự, đến đổi không hề bỏ qua một cơ hội nào có thể giúp đỡ mọi loài ở chung quanh con; chẳng những giúp đỡ mọi người mà luôn cả cầm thú và cỏ cêy nữa.  Phải giúp đỡ trong công việc nhỏ nhen hàng ngày cho quen tay, để sau này có cơ hội lớn lao mới không bỏ qua được.  Vì nếu con khao khát hợp nhứt với Đức Thượng Đế, đó chẳng phải là vì con, mà là để trở thành một vận hà (Canal để cho ngun từ ái của Ngài ban rải đến các đàn em của con.  Người đã nhập Đạo rồi không sống riêng cho mình mà chỉ một lòng lo cho kẻ khác; người ấy quên mình mới giúp đời được.  Người là cây bút trong bàn tay Đức Thượng-Đế, nhờ đó mà tư-tưởng của Đức Thượng-Đế được tuôn xuống phàm trần và nếu không có người làm trung-gian, thì điều ấy không thể phô diễn ra được.  Đồng thời, người cũng là một bó đuốc linh-động rọi khắp Thế-gian ánh sáng Từ-Bi của Đức Thượng-Đế, tràn ngập tâm hồn người.

Có khôn ngoan mới giúp đời được, có chí thì mới điều khiển được sự khôn ngoan, có từ-ái mới phát sanh chí khí; đó là những đức hạnh mà con phải có.  “BI-TRÍ-DŨNG” (AMOUR-SAGESSE-VOLONTÉ) là ba Trạng-thái hay là TÂM-HỒN của Đức Thượng-Đế và nếu các con muốn được làm tôi cho Đấng Chí Tôn thì bổn phận của con là phải biểu lộ ba ĐẠI HẠNH “BI-TRÍ-DŨNG" ở cõi trần.

BI:    Đại-Từ, Đại-Bi, Bác-Ái  (AMOUR)
TRÍ:  Minh-Triết, Trí-Huệ Sáng-Suốt, Quán Thông Vũ Trụ  (SAGESS)
DŨNG:  Đại-Hùng, Đại-Lực, Đại-Chí (VOLONTE)

-----o0-----
Đánh máy theo dạng MSFWords
March 2010
 km

                                  

No comments:

Post a Comment