Có thể ngày của mẹ này bắt nguồn đầu tiên từ Phật giáo. Do chuyện một học trò của Phật Thích Ca Mâu Ni, người có thần thông giỏi nhất Mục kiền Liên (Moggallana). Vì thương nhớ mẹ (bà Thanh Đề) đã chết hoặc vì tò mò, sau khi đắc đạo dùng thần thông đi tìm và thấy mẹ đang chịu đọa đầy khổ sở dưới địa ngục rồi sau đó cầu xin được Phật chỉ cách giải thoát cho mẹ. Lễ làm công quả bố thí hằng năm để xin xá tội cho người đã chết vào ngày rầm tháng bẩy bắt đầu từ đó… Bây giờ hầu như quốc gia nào trên mặt đất cũng có đặt ra riêng một ngày để tưởng nhớ hoặc tán thán công đức của mẹ như vậy.
Tôi được mời đến chứng kiến ngày của mẹ do Hội Ái Hữu Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm / Hải Ngoại tổ chức tại Santa Ana. Họ gọi đó là Lễ Hội Hoa Hồng.
Quả thật đây là một cơ duyên may mắn của tôi. Vài tuần lễ trước, chị Tâm Diệu Kim Mỹ chủ biên đặc san của hội, đột nhiên mời tôi gia nhập diễn đàn và dự lễ hội hoa hồng đó. Rồi tiếp đến anh Khiết, đại diện hội và cũng là anh họ của tôi, lên diễn đàn cổ võ khen ngợi cái quyết định “hay” của chị Mỹ thì tôi không thể đứng ở ngoài lề được nữa. Lại nhằm đúng vào dịp đã dự trù đi chơi rông dài, lái xe hơn một tiếng rưỡi từ San Diego lên thăm bạn bè ở gần đó, tôi phải đến để gặp mặt và cám ơn chị Mỹ đã đến từ Raleigh/ NC.
Và chưa bao giờ tôi được chứng kiến một ngày của mẹ đầy đủ như ngày hôm đó. Tuy chỉ tổ chức nội bộ nhưng chương trình thật kỹ lưỡng. Kỹ thuật máy điện toán tân tiến giúp cho việc trưng bầy liên tục hình ảnh của các bà mẹ trên màn vải trắng kèm với những câu ca dao tục ngữ ca tụng mang ảnh hưởng luân lý cổ điển dễ đọc và xúc tích..
“Mẹ già như chuối ba hương,
Như sôi nếp một như đường mía lau.“Phước gì bằng phước mẹ còn,
Họa gì xánh họa tuổi non mất người.
“Ai rằng công mẹ bằng non,
Thực ra công mẹ lại còn cao hơn.
“Ví mà tôi đổi thời gian được,
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Những gì trưng bầy tuy không có một lời nói giới thiệu nhưng làm tôi thật xúc động.
Người mẹ Việt Nam, hình ảnh người mẹ của thế hệ của tôi, người mẹ chỉ biết trung thành, nhẫn nhục, thương yêu chồng con và hy sinh đã được nhắc đến. Để ngưỡng mộ và tôn thờ. Để gián tiếp dùng làm mẫu mực căn bản. Để nhắn nhủ dìu dắt… Chắc đó là chủ ý của người tổ chức? Tôi đã đọc được trong những hình ảnh đó những ý nghĩ chân thành của mẹ. Mẹ đã nghĩ nhẫn nhục không là chịu thua thiệt nhu nhược. Mẹ cũng đã nghĩ hy sinh không là chịu thua kém thiếu thốn. Ý nghĩ và hành động của mẹ phát xuất từ tình thương yêu. Từ tình thương yêu không bờ bến, không điều kiện, không giả dối và không ích kỷ.
Tình yêu đó của mẹ không có tham sân si…
Tôi ao ước, hy vọng các em bé trẻ đọc được, hiểu và cảm thông những hình ảnh với những câu nhắn nhủ đó.
Điều tôi ao ước đổi dần thành hãnh diện và tin tưởng mãnh liệt theo biến chuyển của chương trình. Khi nghe và thấy các em bé mang gói quà, khoanh tay thỏ thẻ xin biếu ông bà; lên sân khấu đọc số tiếng Việt, hát những bài hát tiếng Việt, hát những câu thương yêu mộc mạc tôi không còn mảy may nghi ngờ. Tôi thầm cám ơn cha mẹ các em. Chắc chắn họ cũng có những ao ước như tôi… Họ đã đổi những ao ước đó thành việc làm và mang chia xẻ cho mọi người cùng nhìn thấy…
“ Ai bỏ cha mẹ cô hàn,
Ngày sau trời phạt đứng đàng ăn xin.“ Cha mẹ ngoảnh đi thì con dại,
Cha mẹ nhìn lại thì con khôn.
Khi thoạt bước vào cửa, bên ngoài trời nóng bức êm ả nhưng trong phòng lại mát rượi nhộn nhịp vui vẻ, tôi được một số anh chị đến rối rít chào đón và đòi gắn cho một bông hồng lên ngực áo Họ nói hoa đỏ dành cho những người có mẹ còn sống, hoa trắng cho ai đã mất mẹ. Tôi đòi bông hồng vàng. Với tôi mầu vàng biểu hiện việc tôi đã mất cả cha lẫn mẹ. Với riêng tôi ngày này không phải chỉ để riêng cho mẹ mà là cho cả hai. Tuy việc làm và bổn phận của mỗi người khác nhau nhưng công lao, trách nhiệm và tình thương của cả hai đều bằng nhau. Mẹ mang nặng đẻ đau, cư xử dịu dàng, lo lắng giữ gìn sức khỏe cho con cái và gia đình. Cha đổi trí óc sức lực, đôi khi cả mạng sống, mang đến sự an toàn vật chất tinh thần cho gia đình, có khi cho cả quê hương, với ý chí bảo vệ đấu tranh nam tính.
Thực tế, ngoài những bà mẹ một thân một mình nuôi con, tôi cũng đã thấy rất nhiều người cha đơn độc dậy bảo nuôi nấng con cái, trai có gái có, thành người. Những người cha đó cũng có những đứa con tàn tật đau ốm. Những người cha phải đóng cả hai vai trò cùng một lúc Những người cha khi còn khỏe mạnh thì được tâng bốc nhưng khi yếu đuối, xa cơ thì bị coi rẻ, bị ruồng rẫy…
Một người bạn gái nửa đùa nửa thật đã ví người cha như một con bò. Bà nói: Công việc của con bò rất là giản dị. Ban ngày đi kéo cầy kéo xe, chiều về được cho ăn mớ cỏ, rơm khô (không thích cũng phải ăn) rồi lại bị vắt sữa. Nếu không làm được một trong những việc đó thì thành vô dụng vô ích.
Nhìn quanh không thấy ai có bông hồng vàng.
Ngoài sự tích Mục kiền Liên cứu mẹ và nhiều chuyện khác đề cập đến việc cầu nguyện cứu khổ cho mẹ, sách Phật không đề cập đến ai khác đã cứu cha cho được bớt quả nghiệp như vậy. (Chuyện “lu đá cuội và lu bơ” trong kinh Asibandhakaputta Sutta / một phần của Tương Ứng kinh chỉ chứng tỏ lòng thương xót cho cha thôi). *
Như vậy Phật giáo không có ngày của cha ?
Chuyện Phật Thích Ca Mâu Ni bầy vẽ cho học trò của ngài cứu được mẹ ra khỏi địa ngục (quả), kết quả của những việc làm ác độc từ trước (nhân) làm tôi phân vân lầm lẫn. Không lẽ ngài đã có cách hóa giải luật nhân quả (cây nào cho quả nấy hoặc làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác) quan trọng của chính ngài dậy chăng? Nhưng sách Phật lại luôn luôn nhắc nhở phật tử không được cố chấp vào kinh sách, vào những gì nghe được, thấy được, cho nên ngày của mẹ đối với tôi cũng phải là ngày của cha.
Hôm lễ hội hoa hồng đó tôi có cài một nhánh hoa trắng trên áo nhưng mầu hoa trắng đó đã biểu hiệu cho cả hai sự kiện cùng một lúc: tôi đã tưởng nhớ cả cha lẫn mẹ..
“ Cây xanh thời lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.“ Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Tháng 8 / năm 2006
* Một người con vì thương cha vừa chết, trong khi làm lễ hỏa táng trên bờ sông Hằng (Ấn Độ), đã xin Phật giúp làm cho cha bớt đi những quả nghiệp nặng nề. Phật bảo phải đập vỡ hai cái lu sành (một cái đựng những hòn đá cuội nặng nề ám chỉ quả xấu, và cái kia đựng bơ ám chỉ cho quả nhẹ) trong khi thả tro người chết xuống sông.
Chỉ vào hiện tượng đá cuội vì nặng nên chìm hết xuống đáy sông nhưng bơ nhẹ lại nổi lên trên mặt nước, Phật hỏi người con đó nếu biết có ai khác có thể làm hoán đổi vị trí của các vật đó hay biến đổi đá sỏi thành bơ chưa. Người con chợt tỉnh ngộ…
“Không ai khác, ngoại trừ chính cá nhân đó, có thể thay đổi được việc đó”.
=============oooooooooooooooooo==============
No comments:
Post a Comment