Sunday, January 29, 2012

Achema - Lack of Love

  
                     
Thiếu tình Yêu. 

Có rất nhiều người đang đi “Tìm kiếm” hạnh phúc trong đời. Nhưng nếu ta cứ tiếp tục tìm kiếm, sẽ không tìm được nó. 

Từ khi ra đời, cha mẹ, họ hàng, xã hội chung quanh ảnh hưởng vào cuộc đời của ta. Sự kiện này làm ta phải đi tìm “sự trợ giúp ở bên ngoài” để làm đầy sự “thiếu tình yêu” ở bên trong của ta. 

Sự thiếu vắng tình yêu này cũng giống như một trái bóng tròn có quá nhiều lỗ thủng. Những gì ta đang làm trong đời là...... chăm chỉ học hành để có được bằng cấp, rồi làm việc tận lực để kiếm tiền; ta bận rộn với việc kiếm tiền trong thế giới đầy cạnh tranh để cố tìm cho được cái gọi là “thành công” trong đời. Tới một ngày nào đó ta có được chiếc xe lớn với căn nhà to và đất đai đồ sộ nhưng ta cũng lại phải lo trả nợ cho các cơ quan tài trợ gần cả nửa cuộc đời của ta. 

Những tiến triển này làm ta nghĩ rằng ta có thể lấp kín được những lỗ hổng đó, nhưng trên thực tế, bất cứ những gì mà ta gặt hái bên ngoài vẫn không thể lấp đầy những lỗ hổng to lớn đó. Nó như cái “hố đen” của vũ trụ (black hole) và nuốt chửng bất cứ những gì ta dùng để cố lấp đầy nó. Ngay cả danh vọng hay tên tuổi và sự kính nể của xã hội cũng không thể lấp đầy cái lỗ đen này. 

Nhiều người khổ công tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài nhưng thực tế họ chỉ gặp toàn rắc rối và đau khổ tinh thần. Vài quốc gia nào đó khẳng định rằng ta có quyền theo đuổi hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không thể nhờ vào “Bản Nhân Quyền” (Bill of Rights). Không ai có thể thực sự có hạnh phúc khi họ cứ tiếp tục tìm kiếm nó. Không một tòa án nào có thể bắt buộc bất cứ người nào phải vui vẻ, hay ra lệnh cho hạnh phúc phải đến với ta. Không một chính quyền nào có thể ép buộc người dân phải có hạnh phúc. Không một động lực bên ngoài nào có thể làm cho người ta thật sự hạnh phúc. Ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nó đến với ta. Tự nó phát triển một cách cởi mở tự nhiên mà không có áp lực ép buộc hay cố công tìm kiếm. 

Định luật của thiên nhiên thật là giản dị, ta không thể bắt ta phải ngủ đi trừ phi ta để thả lỏng và không làm gì cả. Cứ nằm xuống giường.....chờ và tiếp tục chờ.....rồi chỉ vài phút sau đôi mắt sẽ trở thành nặng chĩu và xụp xuống một cách tự nhiên....ta sẽ hiểu được sự biến chuyển từ “sự kiểm soát của tâm trí” sang vô tâm thức. Đi ngủ là như vậy đó. 

Nhiều phương thức và lời giảng dậy về thiền bảo nên làm thế này, hay làm như thế kia, và ai cũng cố sức tập luyện nhưng ít người thực sự đạt tới kinh nghiệm của “Chính Thiền” (Samadhi). Tại sao vậy? Là vì ta ép buộc chính ta quá nhiều và cũng vì ta cố gắng tìm kiếm nó. Ý nghĩa của “bắt buộc” và “tìm kiếm” phát xuất từ “tâm suy luận”. Đó chỉ là sự “đánh lừa” của “tâm suy luận”. Nó luôn kiểm soát chặt chẽ và không cho ta có cơ hội nào thiếu vắng nó được. 

Nhiều người sống như một “mũi tên” đang lao đến cái hồng tâm của mục tiêu. Ai nấy bận rộn tìm kiếm chạy theo mục tiêu của cuộc đời, nhưng họ không nhận ra rằng cuộc đời không phải là một mũi tên chạy đuổi theo cái chấm đỏ ....vì không có một chấm đỏ mục tiêu nào hết. “Cuộc sống tự nó là hồng tâm rồi ”. Cho nên ta không thể tìm kiếm và chạy theo nó được. Nếu tìm kiếm nó, ta sẽ tự chạy xa ra, và đó là lý do tại sao ta không thể tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời này. Cái mũi tên của ta hướng ra bên ngoài và ta lại không thể tìm thấy cái chấm đỏ mục tiêu ở ngoài đó. Đây gọi là “ngu muội” hay “không tỉnh thức”. 

Cuộc đời như một “vòng tròn” và chiếc mũi tên chỉ bay độc nhất một đường thẳng hướng tới trước. Với tốc độ chậm dần mũi tên sẽ chọn con đường ngắn nhất tiến tới mục tiêu. Nhưng cuộc đời chính nó không cần tốc độ; tốc độ dính dấp với không gian và thời gian. Sự sống hiện hữu vượt ra ngoài thời gian và không gian và không cần có tốc độ. 

Bất cứ khi nào người ta cố gắng hết sức tìm kiếm hạnh phúc, họ sẽ bị căng thẳng và sự căng thẳng này sẽ “đóng cửa” cơ hội lại. Khi càng tìm kiếm, hạnh phúc sẽ càng trở nên nhỏ hẹp hơn và ta càng dễ mất nó. Chỉ khi nào ta biết buông thả và chờ đợi, hạnh phúc sẽ tự nhiên tới. Ta không cần phải làm gì nhiều cho hạnh phúc của cuộc đời , trong thực tế con người trở nên khổ đau vì cố làm nhiều quá. Nếu muốn khổ đau thì hãy bắt đầu ráng hết sức đi tìm hạnh phúc đi.

“Buông thả” là bí quyết của cuộc đời. Nó là chìa khoá mở cửa hạnh phúc. Khi ta thực sự buông thả, nhiều việc bắt đầu xảy ra. Thực ra những chuyện đó luôn luôn có mặt nhưng ta không hề để ý tới. Ta không nhận ra nó vì ta có quá nhiều việc phải làm cho tương lai nên ta đóng mọi cánh cửa khác lại. Ta không bao giờ nhận ra cuộc sống là “Hiện tại”, là ngay “khoảnh khắc này” chứ không phải là mục tiêu tương lai hay những hoài niệm của quá khứ. Tất cả những kỷ niệm của quá khứ và những sự việc của tương lai chỉ là sự đánh lừa của tâm suy luận. Đây là lý do những lập luận trong sách vở hay kiến thức trong kinh thánh không đề cập gì tới “Hiện tại” hay ngay cả ”Khoảnh khắc” này. Những gì ta học hỏi được lưu trữ trong “trí nhớ của tâm” và những trí nhớ của tâm đó chỉ liên hệ tới “Quá khứ”. Và tất cả những thứ này không là “Hiên tại” hay “Vô tâm”. 

Hãy xử dụng tâm tư thay cho trí óc. “Yêu thương” là cảm thông. Nếu ta yêu sự hiện hữu của chính ta, ta sẽ tuyệt đối có một sự liên kết với thiên nhiên ở chung quanh ta. Cây cối sẽ nói chuyện với ta, chim chóc sẽ tới gần ta, thú dữ sẽ không hại ta. Sự “sợ hãi” phát sinh chỉ vì cái tâm trí này. Tâm trí sẽ mang ta xa cách hiện hữu. Tình yêu thương cảm thông sẽ làm cho ta càng đến gần với hiện hữu hơn cho đến khi cả vũ trụ và ta trở thành như là “Một”. Cảm thông thương yêu có thể là một ngôn ngữ câm lặng, cái ngôn ngữ mà ta không thể diễn tả được bằng giấy mực một cách tuyệt vời. Đây là lý do tại sao kinh thánh hay sách vở không thể truyền bá thông điệp này một cách có hiệu quả. Chỉ có thơ văn, nhạc hay lời ca mới có thể gần như làm được việc đó. Hãy dùng sự cảm thông để hiểu thế giới này và sự hiện hữu của ta chứ đừng dùng tâm trí . 

Người ta kể rằng thầy thuốc thông thái Lukman (của Trung đông) tìm ra phương thuốc Yunani (một loại thảo dược) nhờ sự cảm thông. Ông ta chỉ cần đến gần, vuốt ve thân cây và hỏi nhẹ: “Làm sao áp dụng những gì của bạn để chữa được bệnh tật của loài người?“. Do sự cảm thông, ông ấy đã khám phá ra cả ngàn phương thuốc dùng bằng thảo mộc. Nghe thì có vẻ “không hợp lý” và “ Huyền bí.” Nếu mà không hợp lý thì sao ông Lukman biết được? Bởi vì những gì ông ta biết đều có thể kiểm chứng lại được trong phòng thí nghiệm khoa học hiện đại. Thuở xưa đâu có những phòng thí nghiệm phức tạp, ngay cả dụng cụ thí nghiệm cũng không có. Nếu phải chờ, có lẽ phải mất hơn mấy trăm năm nữa mới khám phá được cách xử dụng của cả ngàn cây thảo mộc. 

Làm sao ông Lukman có thể làm được chuyện đó mà không cần dụng cụ khoa học? Bên Ấn độ cũng có một chuyện tương tự về phương thuốc “Ayurveda”. Ta cần có một ngôn ngữ đặc biệt cho sự hiểu biết trực tiếp này. Cái ngôn ngữ đồng nhất này không phải là “Anh ngữ”, không phải là tiếng “Quan thoại”, cũng không phải tiếng “Ấn độ cổ xưa” hay tiếng “Phạn”. Ngôn ngữ đó không phải để dùng riêng cho loài người, mà là cho toàn thể những gì hiện hữu trên vũ trụ này dùng đàm thoại với nhau. Cái ngôn ngữ này phát xuất từ tận đáy lòng... Đó là tình yêu thương. 

Những dụng cụ khoa học tinh xảo hiện đại có thể tìm thấy dấu hiệu về cảm giác của thảo mộc. Nếu cây cảm thấy sợ, những khoa học gia đó có thể đọc được. Nếu ta mang một cái búa và cố ý chặt cho cây đổ xuống, cái cây này và những cây ở chung quanh đó cũng phát ra dấu hiệu của sự “sợ hãi”. Nếu ta có ý tốt, đem nước tới tưới cây, cây sẽ có dấu hiệu khác. 

Khoa học gia của một trong những phòng thí nghiệm tân tiến tình cờ khám phá ra khi họ giết chết các con côn trùng và sâu bọ bằng nước nóng sôi, cây cối chung quanh cũng tỏ dấu hiệu sợ hãi. Một sinh vật bị giết, cây cũng biết được. Cả một vườn cây cũng cảm thấy. Nếu năng lực thù ghét gia tăng, ta giận dữ, cây cối cảm nhận ngay được xúc động của ta. Nếu ta phát triển tính yêu thương, cả vũ trụ cũng cảm thấy điều đó. 

Truyền rằng, trong lúc Đức Phật đạt được Giác Ngộ tại vườn Jataka, tất cả các cây trong vườn trổ hoa nhưng trái mùa. Chuyện này thật hư là do ta tự quyết định. 

Achema – Malaysia - 2008 
Kim Morris lược dịch July 2011 

No comments:

Post a Comment