Đức Phật thuyết giảng về Vô Ngã
Kinh Anattalakkhana-sutta và Kinh Samyuktagamasutra
Vô ngã là một khái niệm chủ yếu của Phật giáo và cũng là một trong
những khái niệm khó nắm bắt nhất. Đức Phật không hề chủ trương và cũng không
tham gia tranh biện về các vấn đề siêu hình, thế nhưng ngay sau bài thuyết
giảng đầu tiên làm nòng cốt cho toàn bộ Đạo Pháp là Tứ Diệu Đế, Ngài đã không
do dự chút nào khi nêu lên khái niệm về Vô Ngã.
Thật vậy, lúc đó ngoài năm người đệ tử đầu tiên vừa được nghe
giảng về Tứ Diệu Đế thì chưa có ai biết đến Đạo Pháp của Đức Phật là gì. Trong
bối cảnh tín ngưỡng thời bấy giờ hầu hết mọi người đều tin vào một thứ linh hồn
trường tồn và bất biến (jiva, atman...) hiện hữu bên trong mỗi cá thể và một
thứ đại linh hồn hay cái Ngã Tối Thượng (Paramatman, Brahma...) bên ngoài nhân
dạng con người và thuộc một nơi nào đó trong vũ trụ.
Đối với Đức Phật thì tất cả mọi hiện tượng đều không ngừng hình
thành, không có một ngoại lệ nào cả, vì thế chúng không hàm chứa bất cứ một
thực thể cố định hay bất biến nào. Đức Phật chỉ chấp nhận một cái tôi như là
một ảo giác do tâm thức tạo dựng, cái tôi đó chỉ có giá trị trên phương diện
quy ước. Ngài giảng rằng sự nắm bắt một cái tôi hay cái ngã chỉ là cách đồng
hóa những cấu hợp (ngũ uẩn) tạm thời tạo ra một cá thể, như là một "cái
tôi" vững bền để bám víu vào đấy. Sự bám víu đó chính là nguyên nhân mang
lại khổ đau và buộc chặt chúng ta trong cõi luân hồi.
Đức Phật thuyết giảng về vô ngã trong rất nhiều bản kinh khác
nhau. Thế nhưng tựu trung thì có hai cách giảng chính : cách thứ nhất là đả phá
các ý nghĩ sai lầm cho rằng "cái ấy của Tôi", "Tôi là cái
ấy", "cái ấy là cái Ngã của Tôi"..., cách thứ hai là bác bỏ ý
nghĩ cho rằng một cấu hợp hay một tổng thể gồm nhiều cấu hợp là cái Ngã. Đối
với cách giảng thứ nhất Đức Phật liên kết vô ngã với khái niệm về năm thứ cấu
hợp tạo ra cá thể con người gọi là ngũ uẩn ; khi thuyết giảng theo cách thứ hai
thì Đức Phật liên kết vô ngã với khái niệm về mười hai mối dây kết nối gọi là
thập nhị nhân duyên.
Một cách tổng quát, khi muốn tìm hiểu một khái niệm nào đó thì nên
đặt nó vào bối cảnh toàn bộ của Đạo Pháp, đấy là cách giúp chúng ta nhìn thấy
chính xác hơn vị trí và vai trò của khái niệm ấy liên hệ với các khái niệm khác
trong giáo lý như thế nào. Hơn nữa một tầm nhìn bao quát sẽ giúp chúng ta quán
nhận được toàn bộ các khái niệm trong Đạo Pháp một cách mạch lạc hơn, và khi đã
quen với cách quán nhận ấy thì sự hiểu biết cũng sẽ trở nên trực tiếp hơn,
không cần mỗi lần phải nhờ đến lý luận và sự phân tích. Thật vậy một sự hiểu
biết rời rạc có thể mang lại sự hoang mang, hời hợt hoặc gượng ép.
Sau đây là hai bản Kinh ngắn ghi lại những lời thuyết giảng của
Đức Phật tiêu biểu cho hai cách thuyết giảng trên đây.
I- Kinh Anattalakkhana-sutta
(Kinh Vô Ngã Tướng)
(Bản Việt dịch dưới đây dựa vào bản tiếng Pháp do Môhan
Wijayaratna dịch từ tiếng Pali (Sermons du Bouddha, Cerf, 1988, tr.123-126).
Bản gốc trong Tương Ưng Bộ Kinh - Samyutta-nikaya, ed. PTS, 1888-1902, III,
66-67 ; Vinayapitaka, ed. PTS, 1879-1883, I, 13-14). Bản kinh này được xem là
bản Kinh thứ hai sau Tứ Diệu Đế, được Đức Phật thuyết giảng cho những đệ tử đầu
tiên là năm anh em Kiều Trần Như.
"Tôi từng được nghe như thế này.
Một lần Đấng Thế Tôn ngụ tại vườn Lộc Uyển (Mrgadava), trong khu
rừng Tiên Uyển (Isipatana), gần thành Ba-la-nại (Benares) [...]. Đấng Thế Tôn
cất lời và nói với năm vị tỳ kheo như sau :
"Này các tỳ kheo, hình tướng (thân xác) không phải là cái Ngã
(theo định nghĩa thông thường thì cái ngã hay atman có thể hiểu như là 'linh
hồn'). Nếu như hình tướng đúng thật là cái Ngã, này các tỳ kheo, thì hình tướng
đâu phải gánh chịu bệnh tật (cái ngã được định nghĩa như một thứ gì bất biến và
trường tồn, thế nhưng thân xác phải gánh chịu bệnh tật, thân xác vì thế không
phải là cái ngã), và đối với thân xác thì người ta có thể bảo rằng : "Đối
với tôi thì thân xác của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể như thế khác
được" (nếu thân xác đúng là cái ngã thì nó không thể biến đổi để trở thành
khác hơn). Trong khi đó, bởi vì thân xác không phải là cái Ngã [cho nên] thân
xác phải gánh chịu bệnh tật (vô thường) và người ta sẽ không thể nào có thể bảo
rằng : "Đối với tôi thì thân xác của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không
thể là như thế khác được".
"Này các tỳ kheo, giác cảm không phải là cái Ngã. Nếu như
giác cảm đúng là cái Ngã, này các tỳ kheo, thì giác cảm đâu có phải gánh chịu
bệnh tật (tức là các giác cảm làm phát sinh sự đau đớn, thích thú hay trung
hòa), và [như thế] đối với giác cảm người ta sẽ có thể bảo rằng : "Đối với
tôi thì giác cảm của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể như là thế khác
được". Trong khi đó, bởi vì giác cảm không phải là cái Ngã [cho nên] giác
cảm phải gánh chịu bệnh tật và người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng :
"Đối với tôi thì giác cảm của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là
như thế khác được".
"Này các tỳ kheo, sự nhận thức không phải là cái Ngã. Nếu như
sự nhận thức, này các tỳ kheo, đúng là cái Ngã thì sự nhận thức đâu có phải
gánh chịu bệnh tật (sự lầm lẫn), và [như thế] đối với sự nhận thức người ta sẽ
có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì sự nhận thức của tôi [chỉ có thể] như
thế này mà không thể như thế khác được". Trong khi đó, bởi vì sự nhận thức
không phải là cái Ngã [cho nên] sự nhận thức phải gánh chịu bệnh tật và đối với
sự nhận thức thì người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi
thì sự nhận thức của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác
được".
"Này các tỳ kheo, thói quen thường nhật không phải là cái Ngã.
Nếu như thói quen thường nhật, này các tỳ kheo, đúng là cái Ngã thì thói quen
thường nhật đâu phải gánh chịu mọi thứ bệnh tật (tức là sự bám víu biểu hiện
của vô minh và sai lầm), và [như thế] đối với thói quen thường nhật người ta sẽ
có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì thói quen thường nhật của tôi [chỉ có
thể] như thế này mà không thể như thế khác được". Trong khi đó, bởi vì
thói quen thường nhật không phải là cái Ngã [cho nên] thói quen thường nhật
phải gánh chịu bệnh tật, và đối với thói quen thường nhật thì người ta sẽ không
thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì thói quen thường nhật của tôi
[chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác được".
"Này các tỳ kheo, tri thức (consciousness) không phải là cái
Ngã. Nếu như tri thức đúng là cái Ngã, này các tỳ kheo, thì tri thức đâu có
phải gánh chịu bệnh tật (những sự diễn đạt sai lầm), và [như thế] đối với tri
thức người ta sẽ có thể bảo rằng : "Đối với tôi thì tri thức của tôi [chỉ
có thể] như thế này mà không thể như thế khác được". Trong khi đó, bởi vì
tri thức không phải là cái Ngã [cho nên] tri thức phải gánh chịu bệnh tật và
đối với tri thức người ta sẽ không thể nào có thể bảo rằng : "Đối với tôi
thì tri thức của tôi [chỉ có thể] như thế này mà không thể là như thế khác
được".
- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Hình tướng trường tồn hay vô
thường?
- Bạch Thế tôn, hình tướng là vô thường.
- Nếu một sự vật là vô thường thì nó là những gì khổ đau hay hạnh
phúc?
- Bạch Thế tôn, là những gì khổ đau.
- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự
biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái
của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?
- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.
- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Giác cảm trường tồn hay vô
thường?
- Bạch Thế Tôn, giác cảm là vô thường.
- Nếu một sự vật là vô thường thì nó là những gì khổ đau hay hạnh
phúc?
- Bạch Thế Tôn, là những gì khổ đau.
- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự
biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái
của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?
- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.
- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Sự nhận thức trường tồn hay vô
thường?
- Bạch Thế Tôn, sự nhận thức là vô thường.
- Nếu một sự vật là vô thường thì đấy là khổ đau hay hạnh phúc?
- Bạch Thế Tôn, đấy là khổ đau.
- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự
biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái
của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?
- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.
- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Thói quen thường nhật trường tồn hay
vô thường?
- Bạch Thế Tôn, thói quen thường nhật là vô thường.
- Nếu một sự vật là vô thường thì đấy là khổ đau hay hạnh phúc ?
- Bạch Thế Tôn, đấy là khổ đau.
- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự
biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái
của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?
- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.
- Này, các tỳ kheo nghĩ thế nào? Tri thức trường tồn hay vô thường
?
- Bạch Thế Tôn, tri thức là vô thường.
- Nếu một sự vật là vô thường thì đấy là khổ đau hay hạnh phúc ?
- Bạch Thế Tôn, đấy là khổ đau.
- Vậy thì, nếu những gì vô thường là khổ đau, phải gánh chịu sự
biến đổi, thì đối với những thứ ấy người ta có thể bảo rằng : "Đấy là cái
của tôi, đấy chính là tôi, đấy là cái Ngã của tôi" hay không ?
- Bạch Thế Tôn, nhất định là không.
"Tóm lại, này các tỳ kheo, đối với bất cứ những gì là thân
xác, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, thuộc nội tâm hay bên ngoài,
thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh, thì
phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng :
"Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải
là cái Ngã của tôi".
"Tóm lại, này các tỳ kheo, đối với bất cứ những gì là giác
cảm, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, thuộc nội tâm hay ngoại
cảnh, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh,
thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng
: "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không
phải là cái Ngã của tôi".
"Tóm lại, này các tỳ kheo, đối với bất cứ gì thuộc vào sự
nhận thức, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, nội tâm hay ngoại
cảnh, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh,
thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng
: "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không
phải là cái Ngã của tôi".
"Tóm lại, này các tỳ kheo, bất cứ những gì là thói quen
thường nhật, dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, nội tâm hay ngoại
cảnh, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh,
thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng
: "Đấy không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không
phải là cái Ngã của tôi".
"Tóm lại, này các tỳ kheo, bất cứ những gì là tri thức, dù
thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, nội tâm hay ngoại cảnh, thô thiển
hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa hay bên cạnh, thì phải nhìn
chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ không sai lầm để tự nhủ rằng : "Đấy
không phải là của tôi, tôi không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái
Ngã của tôi".
"Này các tỳ kheo, nếu biết nhìn mọi sự vật bằng cách như thế
thì một người đệ tử hiểu biết sẽ không còn bám víu vào thân xác, không con bám
víu vào giác cảm, không còn bám víu vào sự nhận thức, không còn bám víu vào
thói quen thường nhật, không còn bám víu vào tri thức. Khi loại bỏ được chúng
thì sẽ không còn thèm khát nữa. Khi nào không còn bám víu nữa thì người đệ tử
ấy cũng sẽ tự giải thoát cho mình khỏi mọi dục vọng. Khi đã tự giải thoát khỏi
mọi dục vọng thì người đệ tử ấy cũng sẽ chợt nhận ra rằng : "[Thế ra] sự
giải thoát cũng chính là như thế đấy !", và người đệ tử ấy cũng sẽ hiểu
được là : "Tất cả mọi sự tái sinh đã bị hủy diệt, chỉ có Con đường Đạo
hạnh tinh khiết là tồn tại, những gì phải chấm dứt đã chấm dứt, không còn bất
cứ gì lưu lại để chờ đợi được thực hiện, không còn lại gì nữa để mà hình
thành".
Đấng Thế Tôn thuyết giảng như trên đây. Năm vị tỳ kheo đều thỏa dạ
và hân hoan đón nhận những lời giáo huấn của Ngài. Hơn thế nữa ngay trong khi
mà họ còn đang nghe giảng thì mọi ô nhiễm trong tâm thức đã lần lượt được tẩy
uế. Vào thời điểm ấy hiển hiện lên trong thế gian này sáu vị A-la-hán.
II- Trích trong Samyuktagamasutra
(Tương Ưng Bộ kinh)
(Bản Việt dịch dưới đây dựa vào bản tiếng Pháp do Jean Eracle dịch
từ tiếng Hán (Paroles du Bouddha, tirées de la tradition primitive, Ed. du
Seuil, coll. Sagesse, 1991, tr. 142-144). Bản kinh gốc trong Đại Tạng kinh Nhật
Bản (Taishô shinshu daizôkyô, ấn bản Taishô Issaikyô Kankô Kai, Tokyô,
1924-1932, II, 100,195, tr. 444c)
"Tôi từng được nghe như thế này.
Một lần Đức Phật ngụ tại thành Vương Xá (Râjagriha), trên đỉnh
Linh Thứu (Grdhrakuta) trong khu vườn tre Ka-lan-đà (Karanda)
Có một người tu tập Bà-la-môn tên là Bạt-sa (Vasta) tìm đến nơi
Đức Phật đang nghỉ ngơi. Sau khi thốt lên những lời thăm hỏi Đức Phật [theo
nghi thức lễ phép] liền ngồi sang một bên.
Anh ta cất lời hỏi Đức Phật như sau :
- "Thưa Ngài Cồ-đàm ! Trong tất cả chúng sinh có cái ngã hay
không ?"
Đức Phật giữ yên lặng và không trả lời.
Bạt-sa lại hỏi :
- "Vậy thì không có cái ngã ?"
Thêm một lần nữa Đức Phật không trả lời gì cả.
Và rồi Bạt-sa tự nghĩ thầm như thế này :
- "Ta đã hỏi nhà tu hành Cồ-đàm nhiều lần về chủ đề này, thế
nhưng Vị ấy vẫn giữ yên lặng và không biết phải trả lời thế nào".
Đang lúc ấy, người hầu cận là A-nan-đà đang bên cạnh đấng Như Lai
để quạt hầu. A-nan-đà nghe được những lời ấy bèn nói với Đức Phật như sau :
- "Thưa Đấng Thế Tôn ! Vì sao Đấng Thế Tôn lại không trả lời
câu hỏi của Vatsa ? Nếu Thế Tôn không trả lời thì hắn sẽ nói rằng : "Ta
hỏi Đấng Như Lai, thế nhưng Đấng Như Lai không biết phải trả lời thế nào
?", và như thế chỉ làm cho hắn vững tin hơn vào những quan điểm sai lầm
của hắn mà thôi ?
Đức Phật nói với A-nan-đà như thế này :
- "Trước đây hắn đã từng nêu lên câu hỏi như thế này :
"Tất cả mọi hiện tượng có cái ngã hay không ?", và [hỏi] như thế
không phải [là cách] làm cho hắn vững tin vào những quan điểm sai lầm của hắn
hay sao ?
Bởi vì không có cái ngã, [cho nên] nếu Ta trả lời câu hỏi của hắn,
Ta sẽ đi ngược lại với nguyên tắc của Con Đường.
Tại sao lại như thế ?
Bởi vì không có cái ngã trong tất cả mọi hiện tượng, vậy còn có
cái ngã nào để mà Ta có thể trả lời cho hắn ? Nếu làm như thế, Ta chỉ củng cố
thêm sự hoang mang của hắn từ trước đến nay.
Thêm một lần nữa, này A-nan-đà, nếu Ta bảo rằng có cái ngã, ta sẽ
rơi vào khái niệm trường tồn ; và nếu như Ta bảo rằng không có cái ngã, Ta sẽ
rơi vào khái niệm hư vô.
Khi Như Lai thuyết giảng Đạo Pháp, thì Như Lai gạt bỏ cả hai thái
cực ấy và giữ đúng theo con đường ở giữa. Bởi vì tất cả mọi hiện tượng đều biến
mất, chúng không lâu bền, thế nhưng lại có sự tiếp nối, [cho nên] chúng không
bị hủy diệt.
[Vậy thì] chúng không lâu bền, [thế nhưng] cũng không bị hủy diệt.
Chẳng qua chính là do nguyên nhân mà từ cái này có cái kia, chính bởi vì cái
này sinh ra mà cái kia sinh ra ; và chính vì cái này không sinh ra mà cái kia
cũng không sinh ra.
Do đó, chính vì vô minh mà có sự tạo tác [của nghiệp], vì nguyên
nhân của sự tạo tác [của nghiệp] mà có tri thức, vì nguyên nhân tri thức nên có
tổng thể thân-xác-tâm-thần, vì nguyên nhân thân-xác-tâm-thần mà có sáu cơ sở
[của sáu chức năng] (gồm năm chức năng giác cảm và chức năng tâm thần), vì
nguyên nhân sáu cơ sở [của sáu chức năng] nên có sự tiếp xúc ; vì nguyên nhân
tiếp xúc nên có giác cảm ; vì nguyên nhân giác cảm nên có sự thèm khát ; vì
nguyên nhân thèm khát nên có sự bám víu ; vì nguyên nhân vám víu nên có sự hình
thành ; vì nguyên nhân hình thành nên có sự sinh ; vì nguyên nhân của sự sinh
nên có già nua và cái chết, và cả sự lo buồn, khổ nhọc, đớn đau, hối tiếc và cả
một khối lớn khổ đau.
[Do đó] khi nguyên nhân chấm dứt, hậu quả chấm dứt, [có nghĩa là]
khi vô minh chấm dứt, sự tạo tác [của nghiệp] chấm dứt ; khi sự tạo tác [của
nghiệp] chấm dứt, tri thức chấm dứt ; khi tri thức chấm dứt, tổng thể
thân-xác-tâm-thần chấm dứt ; khi tổng thể thân-xác-tâm-thần chấm dứt, sáu cơ sở
[của sáu chức năng] chấm dứt ; khi sáu cơ sở [của sáu chức năng] chấm dứt, sự
tiếp xúc chấm dứt ; khi sự tiếp xúc chấm dứt, giác cảm chấm dứt ; khi giác cảm
chấm dứt, sự thèm khát chấm dứt ; khi sự thèm khát chấm dứt, sự bám víu chấm
dứt ; khi sự bám víu chấm dứt, sự hình thành chấm dứt ; khi sự hình thành chấm
dứt, sự sinh chấm dứt ; khi sự sinh chấm dứt, già nua và cái chết chấm dứt kể
cả những lo buồn, khổ nhọc, đớn đau, hối tiếc, và cả một khối lớn khổ
đau".
Sau khi Đức Phật thuyết giảng những điều ấy, các tỳ kheo được nghe
đều tiếp nhận những lời giảng ấy với sự hân hoan và cùng nhau mang ra thực
hành".
Bures-Sur-Yvette, 11.06.11
No comments:
Post a Comment