Sunday, January 29, 2012

Achema – Peace with no Saint

Achema - This world only can be in peace when there is no saint!!

Chân lý tuyệt đối có lẽ hoàn toàn không giống như ta nghĩ. Trước khi thảo luận về vấn đề này hãy xem câu nói dưới đây:

“Thế giới này chỉ có thể được bình an khi không có thánh nhân.”

Câu nói trên hình như có điều gì sai, nhưng nếu nhìn vào thật sâu hơn ta có thể hiểu được câu nói đó một cách khác biệt hơn. Và cũng thấy một trong những nguyên nhân đã tạo nên sự hiểu lầm và lý do tại sao những lời nói của những người hiểu biết khôn ngoan đã bị cái tâm ô nhiễm của ta làm cho hư hỏng. Tâm ô nhiễm không thể nhìn sự việc một cách rõ ràng và sâu rộng nên phần lớn con người đã mất đi cơ hội tự chứng kiến những ý nghĩa chân thực và rồi ngược lại họ cứ tiếp tục đổ lỗi sai lầm cho các bực khôn ngoan. 

Bất cứ nơi đâu có thánh nhân thì lập tức chỗ đó có hiện diện cả những người xấu. Thánh nhân không thể hiện hữu nếu không có những kẻ xấu xa. Khi cả hai phe đều có mặt cùng lúc và xen kẽ vào với nhau; sự kiện đó mới chính là thành phần của thực tại. Làm cho một bên biến đi; và bên kia sẽ tự động biến đi theo. Cũng giống như nóng và lạnh. Làm mất cái nóng đi và cái lạnh cũng tự động mất đi ngay, bởi vì lạnh chẳng có gì khác hơn là cường độ của sức nóng. Làm cho lạnh biến mất thì nóng cũng sẽ không còn nữa. Đây chỉ là sự khác biệt về cường độ, trong khi phẩm chất hay bản chất vẫn giống như nhau. Thánh nhân hay tội nhân cũng giống như nóng và lạnh. Họ là những cường độ trên cùng một nhiệt kế. Bỏ cái này đi thì cái kia cũng lập tức mất theo ngay.... cả hai tồn tại vì “có điều kiện” hay chỉ là “những phân cực”

Nếu Thương đế là tốt, thì tại sao thế giới này lại có quỷ dữ? Thượng Đế không thể hiện hữu khi không có quỷ dữ; hay ngược lại, ta có thể nói có quỷ dữ vì có Thượng Đế. Cùng một đường lối như vậy, khi một người nào tìm thấy sự giác ngộ, thì đồng thời phải có kẻ không giác ngộ. Cho nên khi một người chủ tâm tìm kiếm sự Giác Ngộ thì sẽ không bao giờ tìm thấy được Giác ngộ vì người ấy cũng chỉ là một người có đầy ảo tưởng như người khác mà thôi. Người ấy không thể nhìn thấy tất cả chỉ là một, không thể chấp nhận ảo tưởng, không chấp nhận sự ngu muội và cũng không thể chấp nhận sự ghét bỏ. Vấn đề là con người không thể nhìn thấy thế giới này phát triển được là nhờ “những phân cực”

Suy tư trong tâm của con người, một tiến trình không ngừng nghỉ của tư tưởng, làm cho con người thành tối tăm không thấy được Chân Lý. Tâm trí như là một bức tường, bức tường này ngăn chận không cho thấy cái thế giới thực sự. Phật tính tự nhiên là không có ranh giới và không có bức tường nào ngăn chận. Khi đang ở trong một căn phòng, ta biết và luôn nghĩ là ta đang ở trong căn phòng đó. Rồi bắt đầu tự ngăn cách, tự tách biệt ra khỏi thế giới ở bên ngoài. Đây là tệ trạng của riêng ta, luôn luôn giam hãm trong cái tâm trí của chính ta. Vì tự ràng buộc mình vào cái tệ hại hay cái hoàn mỹ, cái đúng hay cái sai, đẹp hay xấu, nên số đông con người tự gây ra sự chia cách, phân cực. Phần lớn những người này vì bị giam hãm trong sự “phân chia” đó, họ trở nên bị riêng rẽ cho nên không thể nhìn thấy thế giới này chỉ như là Một.

Những người chủ tâm chỉ làm việc công đức cũng giống như những người đang làm việc thất đức. Nghe có vẻ ngụy biện nhưng sự thật là công đức không thể có được nếu không có việc thất đức hỗ trợ. Đồng ý không... khi đọc tới đây, trong đầu ta có ý nghĩ gì? Có lẽ ta phải cảm thấy quá là lầm lẫn, có lẽ cái tâm sinh hoạt của ta đang bị khựng lại như phải đối diện một câu hỏi về toán học mà không trả lời được chỉ vì ta không nắm được một đầu mối nào cả. Có thể hình như ta hiểu được một phần nào nhưng lại gặp khó khăn diễn tả bằng từ ngữ, hoặc có lẽ ta cảm thấy mọi nỗ lực dùng trong việc làm công đức chỉ là một trò đùa của vũ trụ. 

Tốt và xấu.....rất là khó nhận thức....vì tâm trí không thể nào hoạt động đúng cách.....Làm thế nào để có thể nghĩ rằng xấu cũng là tốt; và tốt cũng là xấu?............ tại khoảnh khắc này, nên hít vào một hơi thở thật sâu và xét lại........ ngay tại lúc này cố gắng nhìn thật sâu vào cái thực tại không phân chia của sự vật. Ai có thể nghĩ, nhận ra được một người thực hoàn hảo nào đó nếu không có người nào khác là xấu không?

Một người khôn ngoan là một người đã mất dạng. Trong cái nhìn sâu sắc của người đó, không có gì là tốt và xấu, không có gì là đúng hay sai. Họ không thấy cần phải ghép sự tốt và xấu hay đúng và sai vào với nhau; vì những điều này không bao giờ tách rời nhau. Thế giới này hiện hữu như biểu hiệu của Tao hay Dao. Cái rắc rối độc nhất là tâm trí của ta không chấp nhận những gì ngoài nguyên tắc nhị nguyên. Tại sao vậy? Vì cái tâm trí này chỉ hiện hữu trong nguyên lý của sự phân chia, của nhị nguyên, và vì đây lại là phương cách độc nhất làm vinh danh cái Tôi và Niềm Tự Hào lên cao. Cái Tôi và Niềm Tự Hào chỉ có được khi có sự “so sánh”. Sự so sánh chỉ có được khi ta ở trong nguyên lý của sự phân chia và phân biệt; cho nên người ta không thể nhìn thấy thế giới này như là Một.

Sự khó chịu, sự giận dữ, sự phiền hà, thất vọng của người ta là hậu quả của sự thất bại khi không nhìn thấy thế giới này như là Một. Người ta tự giam hãm một cách ngu muội trong cái “tâm phân chia” của họ. Và đây là phương cách tự tạo ra sự đau khổ cho chính họ.

Achema – Malaysia 2009 
Kim Morris lược dịch January 2012

No comments:

Post a Comment