Buddhadasa Bhikkhu
(Hoang Phong, chuyển ngữ)
Chương IV
SỰ HAM MUỐN VÀ
BÁM VÍU
Phải làm thế nào để không
bám víu vào các vật thể mà bản chất của chúng chỉ là phù du, bất toại nguyện và
không hàm chứa một cái ngã nào cả, hầu giúp cho ta tìm thấy sự tự do, thoát ra
khỏi mọi sự trói buộc của chúng? Câu trả lời là phải khám phá ra nguyên nhân khiến cho ta thèm muốn và bám
víu vào các vật thể ấy. Khi đã thấy được nguyên nhân thì ta cũng sẽ loại trừ hoàn
toàn được tác động của nó. Đối với Phật Giáo sự ham muốn và bám víu gồm có bốn
thể loại như sau:
1) Sự bám víu của giác cảm (kâmûpâdâna)
Đấy là các đối tượng nhận
biết của giác cảm có tính cách lôi cuốn và gây ra sự ham muốn. Một cách thật tự
nhiên là mọi chúng ta đều có khuynh hướng muốn bám víu vào các vật thể mà mình ưa
thích, đấy là các vật thể mang màu sắc, hình dạng, âm thanh, mùi, vị, hoặc các
vật thể sờ mó được, hoặc là các hình ảnh tâm thần, chúng tạo ra một sự lôi cuốn
nào đó đối với ta - các vật thể ấy có thể thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai
và hiển hiện ra trong tâm thức của ta, đồng thời tương quan với các vật thể thuộc
thế giới vật chất bên ngoài, chúng có thể thuộc thân xác hay trí tưởng tượng của
mình. Ta biểu lộ một sự thích thú phát sinh từ bản năng đối với chúng, ta cảm
thấy vui thích khi tiếp xúc với các đối tượng giác cảm ấy. Chúng tạo ra trong tâm
thức ta những niềm vui sướng tuyệt vời khi tâm thức cảm nhận được chúng.
Lúc vừa mới sinh, một cá
thể đã bắt đầu nhận biết được sự thích thú do sáu thứ giác cảm (ngũ giác và tri thức) mang lại và bám víu vào những sự thích thú ấy, sau đó càng lớn khôn thì
sự bám víu ấy càng trở nên mạnh hơn. Phần đông không mấy ai có thể tránh khỏi
được sự bám víu đó, và đấy chính là một nguyên nhân mang lại những khó khăn nghiêm
trọng. Quả thật là hết sức hệ trọng là phải nắm vững và thấu triệt được các đối
tượng giác cảm ấy là gì, hầu giúp ta tìm lấy cách ứng xử thích nghi với chúng,
nếu không thì sự bám víu ấy sẽ tạo ra cho ta một tình trạng hoàn toàn mất định
hướng. Nếu quan sát cẩn thận tình trạng mất hết định hướng của một người nào đó,
thì nhất định ta sẽ khám phá ra là người ấy trước đây đã từng bám víu thật mạnh
vào một đối tượng thích thú của giác cảm (thí
dụ như trạng thái thất tình của một người nào đó sẽ cho ta biết là trước đây
người ấy đã từng bám víu vào một nhân dạng mang hình tướng, màu sắc, âm thanh,
mùi, vị và các đặc tính tinh thần... "có thể mang lại" trên nguyên tắc
sự thỏa mãn giác cảm cho người ấy). Thực tế phải nói là
tất cả hành động của con người đều liên hệ mật thiết với giác cảm. Dù đấy là sự
yêu thích, giận dữ, ghét bỏ, ghen tuông, sát sinh hay tự tử, thì nguồn gốc sâu
xa gây ra những thứ ấy đều không lọt ra ngoài các nguyên nhân phát sinh từ một
đối tượng của giác cảm. Nếu quan sát thật kỹ để tìm hiểu tại sao con người lúc
nào cũng phải lo toan, phải bơ phờ chạy ngược chạy xuôi như thế, thì chúng ta sẽ
nhận thấy ngay đấy là vì họ bị thúc đẩy bởi sự ham muốn, ham muốn muốn được có
một cái gì đó, bất kể đấy là thứ gì. Họ hăng say tìm mọi cách kiếm thêm tiền, nhiều
chừng nào tốt chừng nấy, và sau đó thì quay sang việc tìm kiếm sự thích thú mang
lại từ các thứ màu sắc, hình tướng, âm thanh, mùi, vị, hoặc các vật thể sờ mó
được. Đấy là những gì thúc dục họ phải tiếp tục tiến tới. Ngay cả trường hợp mà
họ cố thực hiện những hành động xứng đáng để ước mong được lên thiên đường thì
đấy cũng chỉ là một hình thức phát lộ sự ham muốn đối với các hình thức thích
thú thuộc giác cảm ("hạnh phúc" của
cõi Thiên Đường hay "cực lạc" - tức có nghĩa là sướng vô cùng - của
cõi Tây Phương cũng có thể không khác biệt nhau nhiều, bởi vì đấy là những
phóng tưởng rất công thức và quy ước của con người phát sinh từ sự ham muốn và
bám víu). Tất cả các khó khăn và xáo trộn phát sinh trong thế
giới này đều bắt nguồn từ sự ham muốn những thích thú giác cảm (chiến tranh tôn giáo để bảo vệ Thiên Đường hay cái cõi
Cực Lạc của mình chẳng hạn).
Mọi thứ nguy hiểm đều
phát sinh từ sức mạnh của sự bám víu hướng vào giác cảm. Chính vì thế mà Đức Phật
xem sự ham muốn các thứ thích thú giác cảm là một thể dạng bám víu đứng vào hàng
đầu. Thật thế đấy là những khó khănmang tính cách toàn cầu. Những gì xảy ra cho
thế giới này trong tương lai, dù đấy là sự hủy diệt hay là sự cứu rỗi, thì nhất
thiết cũng đều phát sinh từ sự bám víu vào giác cảm. Trọng trách của mỗi người
trong chúng ta là phải nhìn lại xem sức bám víu của chính mình mạnh đến đâu, và
khả năng để có thể giúp mình loại bỏ được sức mạnh bám víu ấy có cân xứng hay
không?
Nhìn dưới con mắt thường
tình thì sự bám víu vào tình dục là một điều rất tốt vì nó giúp mang lại tình
thương trong gia đình, nghị lực và sự tích cực trong việc tạo ra của cải và
mang lại sự vẻ vang, v.v... (cứ nhìn vào các đám cưới
được tổ chức linh đình thì sẽ hiểu được ý nghĩa của câu này). Thế nhưng, trên phương diện tâm linh, thì hiển nhiên đấy
là một cửa ngõ kín đáo dẫn đến khổ nhọc và đau buồn (khi
nghe thấy tiếng la hét ở nhà bên cạnh và chén đĩa bay ra cửa sổ thì sẽ hiểu được
ý nghĩa của câu này. Thật ra đại sư Buddhadasa chỉ nêu lên trường hợp bám víu
"lương thiện" vào tình dục, vì còn rất nhiều những hình thức bám víu
khác mang tính cách bạo lực, cưỡng bức, lường gạt, mua bán, lợi dụng... mang lại
những khổ đau lộ liễu và lớn lao hơn nhiều). Trên lãnh vực
tâm linh ta phải luôn chủ động được sự bám víu vào tình dục, bởi vì nếu muốn
cho tất cả khổ đau phải tan biến hết thì phải loại bỏ hoàn toàn được mọi sự bám
víu vào giác cảm.
2) Sự bám víu vào các quan điểm (ditthûpâdâna)
Chỉ cần sử dụng tối thiểu
phép nội quán thì ta cũng có thể nhận thấy dễ dàng sự bám víu vào các quan điểm
và các ý nghĩ của mình. Từ lúc mới sinh, ta được hưởng ngay một sự giáo dục và
dạy dỗ mang lại cho ta một số ý nghĩ và quan điểm nào đó. Theo tôi thì
"quan điểm" là một số ý nghĩ mà ta khư khư giữ lấy và nhất định không
chịu từ bỏ chúng. Xét cho cùng, bảo vệ quan điểm của mình là một việc khá tự nhiên,
và cũng chẳng mấy khi có người lên tiếng để kết án hay chỉ trích thái độ bướng
bỉnh ấy cả. Tuy nhiên trên thực tế thì nó lại tượng trưng cho một thứ nguy hiểm
thật trầm trọng không thua kém gì sự bám víu vào các đối tượng của giác cảm. Có
phải đúng là những ý nghĩ mà ta bám víu khư khư vẫn thường hay bị đánh đổ bởi các
sự kiện xảy ra trên thực tế hay không? Vì thế cũng nên nhân các cơ hội ấy để ý
thức và thay đổi cách nhìn của ta hầu giúp cho nó một dịp để tiến hóa, để dần dần
cải thiện nó, nâng nó lên cao hơn, giúp biến một quan điểm sai lầm của mình trước
đây trở thành một quan điểm khác khá hơn, ngày càng đến gần hơn với sự thật, để
rồi đến một lúc nào đó thì các ý nghĩ của mình sẽ đủ sức để tiếp nhận Bốn Sự Thật
Cao Quý.
Có rất nhiều nguyên nhân
tạo ra sự bám víu bướng bỉnh vào các quan điểm của mình. Thật thế, đấy là cách
hành xử nhất thiết liên quan đến tập quán, truyền thống, nghi lễ và các giáo điều
tôn giáo. Sự cả tin bướng bỉnh mang tính cách cá nhân thường không gây ra tác hại
quá lớn lao và cũng không lan tràn rộng lớn như là sự cả tin bướng bỉnh vào các
truyền thống lâu đời và các thứ lễ lạc dân gian. Bám vào quan điểm này hay quan
điểm nọ chỉ là một hình thức vô minh. Chỉ vì kém hiểu biết nên ta mới tạo ra cho
mình một cách nhìn hoàn toàn mang tính cách cá nhân về mọi sự vật, chi phối bởi
sự vô minh của chính mình. Thí dụ ta nhất quyết tin rằng các vật thể đều đáng
cho ta thèm muốn và bám víu, và nghĩ rằng ta sẽ giữ được chúng lâu dài, quả quyết
là chúng hàm chứa một giá trị nào đó và hiện hữu một cách tự tại, thế nhưng
trên thực tế thì đấy chỉ là ảo giác, lừa phỉnh và biến động, không hàm chứa một
giá trị gì và cũng không có một sự hiện hữu nội tại nào cả. Khi đã hình dung ra
trong trí một ý nghĩ nhất định nào đó về một vật để rồi sau đấy nếu phải chấp
nhận cái ý nghĩ ấy là sai thì quả thật đấy sẽ là một chuyện không thích thú gì
cho lắm đối với mình, dù cho đôi khi ta cũng không tránh khỏi phải chấp nhận là
mình đã từng phạm vào những sai lầm đại loại như thế. Chính sự bướng bỉnh đó đã
tạo ra một chướng ngại thật lớn ngăn chận mọi sự tiến bộ và khiến cho ta không còn
có thể tự biến cải lấy mình được nữa, tức không còn thay đổi gì được nữa đối với
các thứ đức tin sai lầm về tôn giáo và những thứ tín ngưỡng lâu đời của mình.
Điều này có thể tạo ra nhiều khó khăn cho những người bám chặt vào các thứ giáo
điều quá ư ngây thơ, bởi vì ngay cả trường hợp một ngày nào đó dù cho người ấy có
nhận thấy mình quá đỗi ngây thơ đi nữa thế nhưng họ vẫn cứ tiếp tục không chịu
thay đổi đức tin của mình, viện cớ là cha mẹ mình, ông bà mình, tổ tiên mình tin
tưởng vào các giáo điều ấy. Hoặc đấy cũng biết đâu có thể là vì họ không thật sự
muốn sửa đổi và cải thiện, cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những luận cứ đi ngược
lại với những ý nghĩ lâu đời của mình, và hơn nữa họ còn phản kháng lại rằng đấy
là những gì mà họ đã đặt hết lòng tin vào đó. Vì những lý do như vừa kể, nên sự
bám víu vào các quan điểm phải được xem như là một thứ nọc độc giết người, một
mối nguy hiểm lớn lao mà ta phải vận dụng tất cả sức mạnh của mình để loại trừ,
nếu thật sự ta muốn biến cải lấy chính mình.
3) Sự bám víu vào nghi thức và lễ
lạc (sîlabbatûpâdâna)
Đây là sự bám víu vào các
nghi thức truyền thống không hàm chứa một ý nghĩa gì cả và được lưu truyền
không vì một lý do chính đáng nào cả, đấy chỉ là những nghi thức mà nhiều người
xem như là mang tính cách thiêng liêng và họ bám víu vào chúng với bất cứ giá
nào. Tại Thái Lan cũng như ở bất cứ nơi đâu: người ta tin vào bùa chú, các vật
mang tính cách mầu nhiệm và đủ mọi thứ nghi lễ bí truyền. Thí dụ người ta tin rằng
khi vừa thức giấc thì phải đến bên cạnh một chậu nước đọc nhẩm một câu thần chú
và sau đó thì mới lấy nước ấy mà rửa mặt; trước khi đại hay tiểu tiện thì phải
quay mặt về một hướng nhất định nào đó; hoặc trước khi ăn hay trước khi lên giường
để ngủ thì phải thực thi một số nghi thức nào đó. Người ta tin vào ma quỷ, các
vị thiên nhân trên trời, các gốc cây thiêng liêng, và đủ mọi thứ thần bí khác.
Tất cả những thứ ấy thật phi lý. Người ta không suy nghĩ bằng lý trí, mà chỉ nhắm
mắt bám vào những sơ đồ đã có sẵn. Vì khăng khăng hành xử như thế nên họ không
thể nào còn thay đổi được nữa. Nhiều người tự nhận mình là người Phật Giáo thế
nhưng đồng thời vẫn cứ tiếp tục tin vào các chuyện đại loại như vừa kể, đấy là cái
trò đi hàng hai! Trong số họ có cả vài người còn tự nhận mình là một vị tỳ kheo
nữa, tức là một đệ tử đích thật của Đức Phật!
Tu tập Đạo Pháp và nếu hiểu
được mục tiêu của Đạo Pháp là gì và ý thức được bổn phận của mình trước sự tồn
vong của Đạo Pháp thì phải loại bỏ ngay các thứ tin tưởng dị đoan đó, nếu không
thì việc tu tập của mình cũng sẽ chẳng khác gì một thái độ hành xử ngây thơ xem
Đạo Pháp như là một thứ nghi lễ mầu nhiệm. Vì thế cũng không lạ gì khi nhìn thấy
nhiều người xin quy y hay ra sức tu tập Đạo Pháp nhằm mục đích duy nhất là để hòa
nhập với một phong trào xã hội đang thịnh hành, hoặc thực thi các nghi lễ theo truyền
thống và nhắm mắt bước theo những người đi trước. Họ cũng chẳng cần biết những thứ
mình đang làm có ý nghĩa gì hay không, mà chỉ biết nhắm mắt thực thi mọi chuyện
theo đúng với các thói quen sẵn có. Những hành vi như thế thật khó để có thể sửa
đổi được. Đấy là những gì mà chúng tôi gọi là "sự bám víu vô ý thức vào
các nghi lễ truyền thống". Phép thiền định sâu xa và phép thiền định tĩnh
lặng như người ta thường thực thi hiện nay, nếu không được áp dụng đúng cách, hợp
lý và dựa vào một sự hiểu biết tường tận thì cũng có thể lâm vào tình trạng biến
thành một hình thức ham muốn hay bám víu nào đó. Nếu các phép thiền định đó không
được hướng dẫn một cách đúng đắn thì chúng cũng sẽ trở thành một hình thức vô
minh mà thôi. Đối với việc quy y cũng thế, nếu tuân thủ năm, tám hoặc mười giới
luật, hay hơn nữa với mục đích nuôi hy vọng trở thành một thánh nhân hàm chứa một
sức mạnh mầu nhiệm, siêu nhiên, thần bí hay bất cứ thứ gì, thì việc quy y ấy
cũng sẽ trở thành một thứ nghi thức sai lầm, thúc đẩy bởi sự bám víu đơn thuần,
một cách đánh mất thì giờ vô ích.
Vì thế mà chúng ta phải
thật hết sức cảnh giác. Muốn tu tập Đạo Pháp thì phải tạo được cho mình một sự
quyết tâm vững chắc, đấy là sự hiểu biết và lòng ước mong tẩy uế mọi thứ ô nhiễm
làm cho tâm thức bị u mê. Nếu không thì sự tu tập của mình cũng chỉ là một hành
động lầm lẫn và phi lý, một cách phí phạm thì giờ thật đáng tiếc.
4) Sự bám víu vào ý nghĩ về một
cái tôi (attavâdûpâdâna)
Sự tin tưởng vào một cái
ngã cá nhân là một điều sai lầm thật vô cùng hệ trọng và đồng thời cũng hết sức
tinh tế. Tất cả mọi sinh vật hàm chứa sự sống đều không tránh khỏi một thứ cảm
tính sai lầm về "cái tôi" và "cái của tôi"; đấy là một thứ
bản năng nguyên thủy hàm chứa trong bất cứ một sự sống nào, và đấy cũng là cái
gốc làm phát sinh ra các thứ bản năng khác. Bản năng tìm kiếm thức ăn, hấp thụ
thức ăn, lẫn tránh hiểm nguy, sinh con đẻ cái và các thứ bản năng khác nữa..., tất
cả đều phát sinh từ sự cảm nhận bằng trực giác của tất mọi sinh vật cho rằng mình
đang hiện hữu và mang một thực thể riêng biệt, tức là một "cái ngã".
Khi đã tin chắc vào đấy thì một sinh vật sẽ đương nhiên muốn tránh khỏi cái chết,
tìm được thực phẩm để nuôi thân xác, tránh được hiểm nguy và tìm được cơ may để
truyền giống. Chúng ta có khuynh hướng tin rằng sự cảm nhận về cái tôi ấy hiện
hữu nơi tất cả chúng sinh và mang một giá trị toàn cầu, chúng ta thường có xu
hướng nghĩ rằng nếu như tình trạng đó trở nên khác đi thì chúng sinh sẽ không
thể nào còn có thể tồn tại được. Thế nhưng sự tin tưởng ấy (về một cái ngã) đồng thời cũng
là nguyên nhân của khổ đau phát sinh từ các bản năng chẳng hạn như tìm kiếm thực
phẩm, tìm một chỗ dung thân, tìm được cơ may truyền giống và thực hiện tất cả các
thứ sinh hoạt khác nữa. Đấy chính là một trong nhiều lý do khiến Đức Phật phải
giảng dạy cho chúng ta thấy rằng sự bám víu vào ý nghĩ về một "cái
ngã" là căn nguyên của tất cả mọi khổ đau. Đức Phật tóm lược điều ấy bằng vài
chữ thật ngắn gọn như sau: "Nếu bám víu
vào các vật thể thì chúng sẽ trở thành khổ đau, hoặc sẽ trở thành nguyên nhân của
khổ đau". Sự bám víu ấy là nguồn gốc và nền tảng của sự sống, đồng thời
nó cũng là nguồn gốc và nền móng của khổ đau dưới tất cả mọi hình thức. Chính đấy
là những gì mà Đức Phật muốn nhắc đến khi Ngài bảo rằng "sự sống là khổ đau và khổ đau là sự sống". Điều đó có
nghĩa là thân xác và tâm thức (năm thứ cấu hợp - ngũ uẩn) mà chúng ta đang bám víu vào đấy chỉ là khổ đau. Thấu hiểu được nguồn gốc
và nền tảng của sự sống là gì thì cũng có thể xem như đã đạt được một sự hiểu biết
sâu xa nhất và sắc bén nhất giúp ta loại bỏ được khổ đau từ căn nguyên.
Phương pháp hữu hiệu nhất
để loại bỏ sự bám víu là phải nhận diện được nó ngay khi nó vừa mới lộ diện. Phương
pháp này tỏ ra khá hiệu quả để loại bỏ sự bám víu vào ý nghĩ về một cái ngã làm
nền tảng cho sự sống. Sự bám víu vào cái ngã hiện ra một cách bất thần và chiếm
hữu sự suy nghĩ của ta mà không cần phải có ai nhét nó vào đầu ta cả. Cái bản
năng ấy hiện hữu nơi trẻ con cũng như nơi các súc vật khác khi chúng mới vừa sinh
ra đời. Thí dụ như trường hợp các con mèo con mới sinh chẳng hạn, khi ta bước đến
gần chúng thì chúng sẽ có những phản ứng tự vệ ngay! Mỗi khi có "cái gì
đó" hiện ra trong tâm thức, thì đấy chính là "cái tôi", và tức
thời một sự bám víu sẽ theo đó mà phát lộ ra, không sao tránh khỏi được. Những
gì mà ta có thể làm là phải khống chế nó ngay trong khi chờ đợi phát động cho
mình một cấp bậc tâm linh cao hơn; nói cách khác là phải sử dụng các kỹ thuật trong
Đạo Pháp để giúp chế ngự nó và chờ đến lúc ta có đủ khả năng để chủ động được
nó và sau cùng thì loại bỏ được nó (nên hiểu là "cái
tôi" lúc nào cũng hiển hiện ra với ta, khi cấp bậc tu tập của ta còn thấp thì
phải luôn cố gắng ý thức được sự hiện diện của nó, theo dõi và canh chừng nó,
không cho nó xui khiến ta phạm vào những hành động sai lầm tức là sự thèm muốn,
sau này khi đã đạt được các cấp bậc tu tập cao hơn thì ta sẽ có thể dần dần loại
bỏ được nó). Nếu không thực hiện được như thế, thì một người bình
thường trong thế giới này sẽ khó lòng mà ra thoát khỏi được sự kiềm tỏa của nó.
Chỉ có các vị cao thâm nhất trong số các vị thánh nhân (aryan) và các vị A-la-hán (Arahan)
mới có thể loại trừ nó được mà thôi (tức là hoàn toàn loại bỏ
được sự thèm muốn do cái ngã tạo ra). Chúng ta không nên quên
là trở ngại đó (tức cái ngã) là một thứ trở ngại cam go nhất mà tất cả chúng sinh
phải đối đầu. Tránh khỏi được trở ngại sai lầm ấy thì chúng ta mới tận hưởng được
toàn vẹn căn bản giáo huấn của Đức Phật (tức
có nghĩa là thực hiện được những gì cao thâm hơn giúp mình cảm nhận được cảnh
giới của Niết-bàn). Nếu chủ động được cái ngã thì khổ đau do nó mang lại
cũng sẽ giảm dần tương xứng với nỗ lực của minh.
Nếu quán nhận được sự thật
về những gì đang chi phối cuộc sống của mình thì đấy sẽ là một sự lợi ích lớn
lao, chứng tỏ một thiên tư khác thường của mình. Hãy luôn nghĩ đến bốn thứ bám
víu ấy (tìm kiếm thực phẩm, hấp thụ thực phẩm, sợ
chết và truyền giống), đồng thời
cũng đừng quên là không có gì, tuyệt đối không có một thứ gì, đáng để cho ta
bám víu, và ngoài cái bản chất của mọi vật thể ra (tức
là tính cách vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của mọi sự vật mà ta phải
quán thấy) thì cũng tuyệt nhiên không có thứ gì khác đáng để ta "có
nó" hoặc để "trở thành như thế". Sở dĩ các vật thể hoàn toàn khống
chế được ta ấy là do nơi bốn thứ bám víu trên đây mà ra cả. Quả thật hết sức
quan trọng phải nắm vững được bản chất cực kỳ nguy hiểm của các vật thể để ứng
xử với chúng. Vấn đề mấu chốt là cái bản chất đó không hiển hiện ra trước mắt
ta một cách lộ liễu, chẳng hạn như một trận hỏa hoạn, một phát súng nào đó hay một
chén thuốc độc, mà trái lại mọi thứ trong cuộc sống này có vẻ như hiện ra thật êm
đềm, đầy hương vị, hấp dẫn, xinh đẹp, êm tai, và cũng chính vì thế nên rất khó
nhận biết được chúng hầu giúp ta ứng xử một cách thích nghi hơn với chúng. Để đối
phó với hiện trạng đó ta phải cần đến sự hiểu biết mà Đức Phật đã truyền lại
qua những lời giáo huấn của Ngài: tức phải kiểm soát được sự bám víu mang tính
cách bản năng của mình và thay vào đó bằng sức mạnh của sự quán thấy sâu xa. Đấy
là cách giúp ta tổ chức lại cuộc sống của mình như thế nào để có thể giúp mình
tránh được mọi thứ khổ đau, kể cả các vướng mắc thật nhỏ nhoi của khổ đau. Nhờ
đó ta có thể hành động và sinh sống một cách an bình giữa thế giới này, tránh
được mọi thứ ô nhiễm cho tâm thức, giúp cho ta trở nên sáng suốt và minh mẫn
hơn.
Tóm lại, bốn thứ bám víu
đó tượng trưng cho những khó khăn duy nhất mà người Phật tử hay bất cứ một người
nào hằng quan tâm đến Phật Giáo phải tìm hiểu. Mục đích của cuộc sống xuất gia
(brahmacariya) là tạo điều kiện giúp
cho tâm thức cởi bỏ được mọi sự thèm muốn bản năng. Quý vị sẽ tìm thấy những lời
giảng ấy trong tất cả các kinh sách giải thích về các giai đoạn tu tập hướng
vào thể dạng A-la-hán; thành ngữ được sử dụng để chỉ định sự tu tập ấy là
"giải thoát khỏi mọi sự bám víu": và thật ra thì đấy cũng là giai đoạn
cuối cùng. Khi tâm thức đã được giải thoát khỏi mọi bám víu, thì cũng sẽ không
còn có bất cứ thứ gì có thể kìm giữ hay khống chế nó trong thế gian này. Không còn
có gì có thể bắt buộc nó phải quay mãi với cái vòng tròn sinh tử nữa. Loại bỏ
được sự bám víu bản năng chính là chìa khóa của sự tu tập Phật Giáo.
Xin xem tiếp
Xin xem tiếp
No comments:
Post a Comment