Tuesday, January 10, 2012

Quyển sách cho Nhân Loại - 1 - Hoang Phong

Tóm lược Đạo Pháp của Đức Phật

Buddhadasa Bhikkhu
(Hoang Phong, chuyển ngữ)

Lời giới thiệu của người dịch

          Đại sư Ajahn Buddhadasa Bhikkhu (1906-1993) - tên gọi có nghĩa là "người tỳ kheo phục vụ cho Đức Phật" - xuất gia khi vừa hai mươi tuổi và tu học trong một ngôi chùa tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Thế nhưng không lâu ngay sau đó ông đã nhận thấy sự sinh hoạt trong chùa cũng như bối cảnh nơi đô thị không thích hợp với ông nên bèn trở về quê ở miền nam Thái Lan. Tìm được một ngôi chùa hoang phế, ông chỉnh trang lại ngôi chùa này và tự tu tập một mình.

          Năm 1956, ông mở một khóa học dành riêng cho một số luật gia người Thái đang được đào tạo để chuẩn bị trở thành các quan tòa. Các buổi thuyết giảng của ông được ghi chép và lưu lại. Hai năm sau thì có một người Thái tên là Pun Chongprasoed gom các bản ghi chép này thành một tập sách nhỏ. Đến năm 1961 thì có một vị tỳ kheo người Úc tu học tại Thái Lan tên là Roderick S. Bucknell (Rod Bucknell), pháp danh Ariyananda Bhikkhu, dịch sang tiếng Anh và lấy tựa đề là The Handbook for Mankind. Hiện ông là giáo sư giảng dạy về khoa tôn giáo tại đại học Queensland (Úc Châu). Gần đây hơn thì có một nữ đệ tử thân cận của nhà sư quá cố Ajahn Chah (1918-1992) là bà Jeanne Schut dịch sang tiếng Pháp với tựa đề là Manuel pour l'Humanité. Hiện nay bà là một người tham gia rất tích cực vào việc hoằng Pháp và là một nhà dịch thuật rất hăng say các kinh sách của Phật Giáo Nguyên Thủy.

          Quyển sách của Ajahn Buddhadasa chỉ là một tập sách nhỏ thế nhưng lại được các người khác gán cho một cái tựa thật khá quan trọng là "Quyển Sách cho Nhân Loại". Thế nhưng sau khi đọc xong thì chắc hẳn chúng ta cũng sẽ đồng ý rằng quyển sách này rất xứng đáng để mang cái tựa đề ấy.  Cách nay nhiều năm mà ấn bản tiếng Thái cũng đã được phát hành trên 100.000 cuốn và đã trở thành quyển sách "gối đầu giường" cho nhiều người dân trên quê hương đó. Đồng thời quyển sách này cũng đã được dịch sang rất nhiều thứ tiếng và đặc biệt rất được ưa chuộng tại các nước Tây Phương. Thật vậy những lời thuyết giảng của đại sư Buddhadasa thật đơn giản và minh bạch, cô đọng và chính xác, vượt thoát khỏi một số thuật ngữ cũng như một vài khái niệm quen thuộc của Phật Giáo. Những lời thuyết giảng thật thâm sâu và trong sáng của ông đôi khi có thể khiến chúng ta phải bàng hoàng.

          Quyển sách không nhằm vào chủ đích phân tích những gì trong kinh điển mà đúng hơn là để nhắc nhở chúng ta hãy nên nhìn thẳng vào bản chất của chính mình và của mọi vật thể chung quanh hầu giúp chúng ta biết ứng xử thích nghi hơn với cái bản chất ấy của chúng và để giúp chúng ta trở thành những con người sáng suốt, hoàn hảo và an vui hơn. Bản dịch sang tiếng Việt này được dựa vào ấn bản tiếng Anh của Rod Bucknell và tiếng Pháp của Jeanne Schut trên đây.

Đại sư Buddhada
(1906 - 1993)
   Tan Ajarn with cane

Chương I
TÌM  HIỂU  PHẬT  GIÁO
         
          Các học giả ngày nay đều công nhận rằng tất cả các tôn giáo trên thế giới đều phát sinh từ sự sợ hãi. Vào những thời kỳ xa xưa, con người rất khiếp sợ sấm sét, bóng tối và các hiện tượng mà họ không đủ sức để hiểu hoặc khắc phục được. Nhằm mục đích mong cầu tránh được hiểm nguy, họ tìm mọi cách để biểu lộ thân phận nhỏ bé và sự ngoan ngoãn của họ và đồng thời tôn vinh những thứ ấy. Sau đó, khi kiến thức và sự hiểu biết của con người phát triển hơn, sự sợ hãi trước đây đối với các hiện tượng thiên nhiên lại chuyển thành một thứ sợ hãi khác khó nhận biết hơn. Các tôn giáo đã được phát sinh bằng sự sùng bái các hiện tượng thiên nhiên, thần linh và các nhân vật trên trời ngày càng trở nên khôi hài, vì sự sợ hãi đã trở thành tinh tế hơn nhiều: đấy là sự sợ hãi trước những khổ đau, và đối với sự sợ hãi này thì lại không có một phương tiện vật chất nào có thể làm cho nó giảm bớt đi được. Con người bắt đầu cảm thấy sợ hãi trước sinh, lão, bệnh, tử, kể cả những mối thất vọng và lo buồn khác bắt nguồn từ sự thèm muốn, giận dữ và vô minh - và đấy là những thứ mà không một quyền lực hay một sự giàu có nào có thể làm cho nguôi ngoai được.  

          Cách nay đã lâu lắm tại Ấn Độ, nơi đã cho ra đời nhiều nhà tư tưởng và học giả cao thâm, con người không còn tìm cách sùng bái các nhân vật siêu nhiên nữa mà ngược lại chỉ dồn mọi nỗ lực tìm kiếm các phương pháp giúp mình tìm hiểu thế nào là sự sinh, sự già nua, bệnh tật và cái chết, và cả các phương pháp giúp loại trừ sự thèm muốn, hận thù và vô minh. Chính những cố gắng truy tầm ấy đã đưa đến sự ra đời của Phật Giáo, một phương pháp thực dụng do Đức Phật khám phá ra nhằm loại bỏ khổ đau và chấm dứt hoàn toàn mọi sự sợ hãi của con người.

          "Phật Giáo" có nghĩa là "Giáo Huấn của một Con Người Giác Ngộ". Mỗi vị Phật là một con người "Giác Ngộ", một con người đã thấu hiểu được sự thật về các sự vật, vị ấy hiểu được một cách chính xác bản chất đích thật của tất cả mọi sự vật và nhờ đấy mà vị ấy biết ứng xử thích nghi với tất cả mọi cảnh huống xảy ra. Phật Giáo là một tôn giáo xây dựng trên trí thông minh, khoa học và sự hiểu biết. Mục đích của tôn giáo ấy là để giúp loại trừ khổ đau và các nguyên nhân mang lại khổ đau. Tất cả mọi hình thức tôn thờ hướng vào các vật thể thiêng liêng bằng lễ lạc, nghi thức cúng bái hay sự cầu xin đều chẳng có gì gọi là Phật Giáo cả. Đức Phật gạt ra ngoài các nhân vật ngụ ở trên trời mà một số giáo phái xem đấy là các vị sáng tạo ra mọi sự vật, và cũng gạt bỏ cả các vị thần linh mà người ta nghĩ rằng trú xứ của họ là các vì sao. Trái lại, người ta cho biết là Đức Phật từng khuyên rằng: "Sự hiểu biết, khôn khéo và tài năng là những gì sẽ mang lại thành công và những hậu quả lợi ích; tự chúng là những điều tốt, hoàn toàn không liên hệ gì với sự chuyển động của các vật thể trên trời. Nhờ vào những điều xứng đáng đạt được từ các phẩm tính ấy, một cá thể có thể vượt xa hơn gấp bội so với những người dại dột chỉ biết ngồi yên để lo chuyện bói toán". Đức Phật lại còn nói thêm: "Nếu nước sông, chẳng hạn như nước của con sông Hằng này, thật sự có thể rửa hết tội lỗi và tẩy xóa hết khổ đau, thì các con rùa, con cua, con cá và sò ốc sống trong các con sông thiêng liêng tất phải được tẩy xóa hết mọi tội lỗi và khổ đau chứ". Ngài cũng đã nói thêm như sau: "Nếu một người nào đó có thể loại được khổ đau của mình bằng cách cúng dường, bằng sự tôn kính và cầu nguyện, thì sẽ chẳng còn ai trong thế gian này phải gánh chịu khổ đau cả, bởi vì có ai mà lại chẳng biết bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện. Dù cho họ có tỏ ra thật ngoan ngoãn, biết tôn kính và thực thi nghi lễ đều đặn, thế nhưng trên thực tế thì họ vẫn cứ phải gánh chịu khổ đau, vì thế thật hết sức hiển nhiên là những thứ ấy nhất định không phải là giải pháp hữu hiệu giúp họ tìm thấy sự giải thoát khỏi những khổ đau của chính họ".

          Nếu muốn đạt được sự giải thoát, trước hết chúng ta phải quán xét thật cẩn thận những gì chung quanh ta, hầu quán nhận được bản chất đích thật của chúng, và sau đó thì căn cứ vào sự hiểu biết ấy mà ứng xử một cách thích nghi. Đấy chính là căn bản giáo huấn của Phật Giáo, và đấy cũng là những gì mà chúng ta phải tìm hiểu và ghi khắc trong tâm... Phật giáo không chủ trương tìm hiểu các giả thuyết hay các định đề mà ngược lại chỉ khuyến khích chúng ta phải hành động như thế nào cho phù hợp với trực giác sâu kín trong mỗi con người của chúng ta. Đấy không phải là cách chấp nhận mù quáng tất cả những gì được nghe thấy. Nếu có một người nào đó quả quyết về một điều gì, thì ta phải lắng nghe và xét đoán quan điểm của người ấy với một cách hết sức khách quan. Nếu nhận thấy quan điểm ấy hợp lý thì ta có thể tạm thời chấp nhận và sau đó thì tìm cách để kiểm chứng lại. Chính đấy là một trong các đặc điểm của Phật Giáo, và đấy cũng là những gì cho thấy Phật Giáo khác hơn với các tôn giáo khác trên thế giới.
         
          Tôn giáo nào cũng đều hàm chứa nhiều khía cạnh khác nhau và do đó cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, chẳng qua đấy là do các góc nhìn khác nhau mà ra. Nhiều người nhìn tôn giáo qua những góc cạnh sai lầm và Phật giáo không phải là một ngoại lệ. Phật giáo cũng là một tôn giáo như các tôn giáo khác, và vì thế cũng đã được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, do đó cũng hiện ra dưới nhiều thể dạng thật khác biệt nhau. Lý do là vì mỗi người trong chúng ta đều có một quan điểm riêng, sự thật của mình phù hợp với sự hiểu biết và quan điểm riêng của mình. Tóm lại là "sự thật" thay đổi tùy theo từng người. Chúng ta quán xét các vấn đề theo các cấp bậc hiểu biết chênh lệch nhau, bằng các phương tiện khác nhau và qua các mức độ thông minh khác nhau. Do đó rất khó cho chúng ta chấp nhận là đúng những gì vượt cao hơn trí thông minh, kiến thức và sự hiểu biết của mình. Ngay cả trường hợp mà chúng ta có vẻ như chấp nhận ý kiến của người khác đi nữa, thế nhưng chúng ta cũng cứ tiếp tục nghĩ rằng đấy không phải cái "sự thật" theo đúng như chúng ta đã nghĩ. Quan niệm về sự thật của chúng ta sẽ được cải thiện phù hợp với cấp bậc thăng tiến tuần tự của trí thông minh, với kiến thức và khả năng hiểu biết của mình, để rồi đến một lúc nào đó thì chúng ta sẽ đạt được "sự thật tối hậu".

          Như đã nói đến trên đây, Phật Giáo là một phương pháp thực dụng nhằm mục đích giải thoát chúng ta khỏi mọi khổ đau bằng cách giúp chúng ta nhìn thấy bản chất đích thật của mọi sự vật, và đấy cũng là những gì mà chính Đức Phật đã thực hiện cho mình. Tất cả kinh sách của các tôn giáo đều không tránh khỏi sự thêm thắt, Tam Tạng Kinh (Tripitaka) của chúng ta cũng không phải là một ngoại lệ. Theo dòng thời gian, nhiều đoạn được thêm vào để thích nghi với các trào lưu tư tưởng đương thời, hoặc vì muốn chinh phục lòng tin của quảng đại quần chúng mạnh mẽ hơn, hoặc chỉ vì lòng nhiệt tâm quá đáng đối với tôn giáo của mình. Tiếc thay, lễ lạc và nghi thức được phát triển thêm và ngày nay thì tất cả các thứ ấy lại được xem là Phật Giáo. Người ta lập ra nghi lễ cúng dường, hiến dâng bánh trái, hoa quả lên "hương linh" của Đức Phật giống như là hiến dâng thực phẩm cho các vị tỳ kheo đang còn sống, làm như thế quả thật không phù hợp chút nào với giáo lý Phật Giáo. Thế nhưng một số người lại xem đấy là cách tu tập  Phật Giáo đích thật, rồi cứ đúng như thế mà mang ra thuyết giảng và tu tập

          Các nghi thức và lễ lạc đại loại như vừa kể đã phát triển rất mạnh và làm che khuất đi căn bản Phật Giáo đích thật và cả mục đích nguyên thủy của Phật Giáo. Hãy nêu lên một thí dụ, chẳng hạn như lễ đưa tiễn một người vào chùa lại biến thành một nghi lễ tặng quà cho vị tân tỳ kheo. Khách khứa được mời thì mang theo thực phẩm để cùng tham gia vào cảnh vui nhộn của buổi lễ, có khi buổi lễ chấm dứt với cảnh náo nhiệt và mọi người đều say khướt. Quang cảnh lễ lạc như thế chẳng những xảy ra ở chùa mà còn cả tại nhà nữa! Về phần người tân tỳ kheo thì vài hôm sau lễ xuất gia cũng có thể sẽ rời bỏ tăng đoàn và lại còn có thể trở thành một người chán ghét chùa chiền hơn trước nữa. Chúng ta nên nhớ rằng những chuyện như thế không hề xảy ra trong thời kỳ của Đức Phật; các buổi lễ lạc như thế chỉ phát triển về sau này mà thôi. Vào thời kỳ của Đức Phật, xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ tổ ấm và gia đình với sự đồng ý của cha mẹ. Đấy là cách đánh dấu sự chấm dứt cái quá khứ của mình trong gia đình để trước hết bước theo chân của Đức Phật và tăng đoàn gồm các vị tỳ kheo, và sau đó khi thuận tiện thì xin thụ phong và rất có thể sẽ không còn dịp nào quay về để gặp lại gia đình nữa. Trong vài trường hợp hiếm hoi, vài vị có thể trở về thăm cha mẹ, thế nhưng đấy là các trường hợp ngoại lệ. Trong giới luật có một điều khoản cho phép người tỳ kheo được về thăm nhà nếu có một lý do chính đáng, thế nhưng vào thời kỳ của Đức Phật thì điều khoản này không mấy khi được áp dụng. Tóm lại, vào thời bấy giờ người tu tập được thụ phong tỳ kheo không cần phải có cha mẹ chứng kiến, cũng không cần đến lễ lạc, và người tỳ kheo sau khi được thụ phong cũng không rời bỏ tăng đoàn vài ngày sau đó.

          Tiếc thay, ngày nay các hình thức "Tân Phật giáo" như trên đây đang bành trướng trên toàn cầu. Đạo Pháp (Dhamma), tức căn bản giáo huấn đích thật và tối thượng của thời xưa giờ đây đã phải đảm đang thêm cái gánh nặng của lễ lạc, khiến cho chủ đích của Phật Giáo bị che khuất đi, bị đánh đổi hay biến dạng đi. Việc xuất gia đã trở thành một phương tiện giúp cứu vãn danh dự cho một thanh niên bị người ta chê trách chẳng hạn, hoặc để giúp mình dễ tìm vợ hơn, bởi vì khi đã xuất gia thì được xem như đã trở thành một người chín chắn. Đối với một số người khác thì đấy còn là một cơ hội để gom góp tiền bạc - luôn luôn có người tình nguyện đứng ra đảm trách công việc này - tức có nghĩa là để làm giàu. Chuyện như thế mà cũng cứ gọi đấy là "Phật Giáo", và nếu có ai phản đối thì sẽ bị gán ngay là người ngu dốt chẳng biết tí gì, hoặc là người chống báng tôn giáo!

          Việc hiến dâng vải vóc trong dịp lễ Kiết Hạ (Kathina) cũng lại cho thấy thêm một sự thoái hóa khác nữa. Mục tiêu ban đầu của Đức Phật trong việc hiến dâng vải vóc là vừa tập cho tăng đoàn biết sống tập thể và cũng để giúp cho họ may mặc. Đấy là cách tạo dịp cho các vị tỳ kheo họp lại với nhau để cùng cắt may hầu khỏi phí phạm thì giờ lắt nhắt. Trong trường hợp nếu chỉ đủ vải để may được một chiếc áo duy nhất thì không nhất thiết sẽ dành riêng chiếc áo ấy cho vị có tuổi đạo cao nhất, mà phải dành cho vị nào xứng đáng nhất hoặc vị nào cần đến nhất (vì áo của người này đã rách nát chẳng hạn), và chiếc áo ấy thì phải được hiến dâng với danh nghĩa của toàn thể tăng đoàn. Ý định của Đức Phật là tinh thần tập thể đó sẽ giúp cho các vị tu hành không tự đánh giá mình quá cao. Vào thời bấy giờ, dù tuổi đạo nhiều hay ít thì vị nào cũng phải giữ sự khiêm tốn, tất cả đều ngang hàng nhau và cùng nhau họp lại để may cắt, giặt, nhuộm - bằng cách nấu các loại cây cỏ cho ra màu - và cả các việc linh tinh khác nữa với mục đích là phải hoàn tất việc may mặc trong vòng một ngày. Đấy là cách giúp cho người tỳ kheo ý thức được sự hợp tác và tương trợ lẫn nhau, chính đấy là chủ đích mà Đức Phật mong muốn, tức có nghĩa là người tu hành không được hoàn toàn nhờ vả vào người thế tục. Ngày nay, người ta lợi dụng dịp này để bày thêm ra đủ mọi thứ, nào là nghi lễ, các trò vui chơi, để tạo dịp mà cười nói ồn ào. Tệ hại hơn nữa là đối với một số người thì đấy còn là một cơ hội để kiếm thêm tiền. Người ta xem đấy là một dịp để cùng ăn uống ngoài trời với nhau, thế rồi những gì gọi là tốt lành và công đức mà đáng lý ra mỗi người sẽ được hưởng, thì lại chẳng tìm thấy đâu cả. 

          Sự thoái hóa ấy cũng chẳng khác gì những thứ ung nhọt hoành hành trong cơ thể của Phật Giáo, mang lại những tàn phá không nhỏ. Các thứ ung nhọt ấy hiện ra dưới hàng trăm thể dạng khác nhau, không sao kể hết được. Đấy là những loại ung bướu độc hại và nguy hiểm dần dần che lấp và phủ kín nền tảng tinh khiết của Phật Giáo và những gì thật sự Phật giáo, khiến cho Phật Giáo phải bị biến dạng đi. Một trong số các hậu quả mang lại là sự xuất hiện của vô số giáo phái lớn nhỏ đủ loại, mà một số còn dính líu cả với vấn đề dâm ô! Thật hết sức quan trọng phải phân biệt cho được đâu là Phật Giáo nguyên thủy và đâu là các thứ hình thức lệch lạc như vừa kể. Chúng ta không nên bám víu một cách ngu xuẩn vào cái vỏ bọc bên ngoài ấy tức là các thứ nghi thức và lễ lạc ấy đến độ có thể đánh mất đi mục tiêu đích thật của Phật Giáo.

          Đối với Phật Giáo thì chủ đích của việc tu tập đích thật là tinh khiết hóa cách hành xử của mình liên quan đến thân xác và ngôn từ, và tiếp theo đó là tinh khiết hóa tâm thức, và khi tâm thức đã được tinh khiết hóa thì nó sẽ mang lại một sự quán nhận sâu xa và một sự nhận thức đúng đắn. Không bao giờ nên nghĩ rằng nếu là Phật Giáo thì phải như thế này hay như thế kia, bằng cách viện cớ là tất cả mọi người đều bảo như thế. Đấy cũng là một sự sai lầm mà những người theo các tôn giáo khác thường hay phạm vào khi họ cho rằng các thứ ung nhọt đáng hổ thẹn ấy là Phật Giáo; quả thật là không đúng như thế vì đấy chỉ là những thứ ung bướu của Phật Giáo mà thôi. Những ai trong chúng ta vì lợi ích cho riêng mình và cho người khác mà quyết tâm quảng bá Phật Giáo, thì cũng nên hiểu rằng chính mình cần phải nắm vững phần tinh anh đích thật của Phật Giáo và không nên bám víu vào những thứ dư thừa không mang một ý nghĩa nào cả.

          Đến đây chúng ta hãy tìm hiểu xem tại sao tính cách đa dạng của Phật Giáo, kể cả đối với căn bản Phật Giáo đích thật, lại có thể đưa đến một sự hiểu biết sai lầm. Thí dụ như qua góc nhìn của một triết gia về đạo đức thì Phật Giáo sẽ hiện ra như là một tôn giáo của "luân lý", vì người ta sẽ thấy đề cập đến các vấn đề liên quan đến những gì xứng đáng và những gì thiếu đạo đức, đến cái tốt và cái xấu, đến sự lương thiện, lòng biết ơn, sự hài hòa, lòng ngay thật, v.v... Tam Tạng Kinh đầy ắp những lời giáo huấn trong lãnh vực luân lý ấy. Những người mới khởi sự tu tập thường nhìn Phật Giáo qua góc cạnh này, có nghĩa là họ thường bị thu hút bởi những gì thuộc về đạo đức.        

          Nếu nhìn Phật giáo dưới khía cạnh của sự thật, thì chúng ta sẽ nhận thấy hiển hiện ra một thể dạng sâu xa hơn, đấy là một thứ sự thật bị vùi lấp thật sâu mà người thường không thể nhận thấy được. Khi nào nhận ra được sự thật đó thì cũng có nghĩa là đã hiểu được bằng lý luận về tính cách hư ảo của tất cả mọi sự vật, biểu trưng bởi hiện tượng vô thường, sự bất toại nguyện và tính cách vô-ngã; và cũng có nghĩa là đã hiểu được bằng trí thức bản chất của khổ đau, sự loại bỏ hoàn toàn khổ đau; và sau hết cũng có nghĩa là nhận thức được tất cả những thứ ấy dưới khía cạnh của sự thật tuyệt đối, một sự thật không bao giờ thay đổi mà tất cả chúng ta phải nắm vững. Đấy là Phật Giáo nhìn dưới khía cạnh của sự thật.

          Nếu nhìn Phật Giáo dưới khía cạnh một tôn giáo thì Phật Giáo sẽ cho thấy là một phương pháp thực dụng, được xây dựng trên đạo đức, sự tập trung tâm thần và sự hiểu biết, và đỉnh cao nhất của phương pháp này là mở ra một sự quán thấy sâu xa mang tính cách trực giác. Nếu tu tập đúng theo phương pháp đó một cách tích cực và đến cùng thì sẽ nó sẽ giúp  giải thoát khỏi mọi khổ đau. Đấy là Phật Giáo nhìn dưới khía cạnh của tôn giáo.

          Sau đó là cách nhìn Phật Giáo như là một ngành tâm lý học, đúng với những gì được trình bày trong phần thứ ba của Tam Tạng Kinh, và trong phần này thì bản chất của tâm thức được mô tả một cách vô cùng chính xác. Kể cả ngày nay, tâm lý học Phật Giáo vẫn còn là một nguồn cung ứng những hiểu biết lợi ích và kỳ thú cho những nhà nghiên cứu về tâm thần, bởi vì tâm lý học Phật Giáo sâu xa hơn rất nhiều so với những hiểu biết do ngành tâm lý học hiện đại mang lại.

          Thế nhưng lại vẫn còn một khía cạnh khác nữa để nhìn vào Phật Giáo, ấy là khía cạnh triết học. Đối với triết học, sự hiểu biết có thể đạt được được bằng lý luận và bằng sự hợp lý (lôgic), thế nhưng sự hiểu biết này không thể chứng nghiệm được bằng các phương pháp thực nghiệm. Sự hiểu biết ấy đi ngược lại với khoa học bởi vì sự hiểu biết khoa học được khám phá ra nhờ vào cách quan sát bằng mắt, bằng các thí nghiệm vật lý và bằng các thử nghiệm, kể cả cách "nhìn vào bên trong" nhờ vào trực giác. Thí dụ một khái niệm thuộc loại thật sâu xa chẳng hạn như "tánh không" (vô thường) sẽ chỉ là một thứ triết học đối với những người chưa đủ sức lắng sâu vào sự thực, thế nhưng lại là một thứ khoa học đối với những người đã hiểu thấu được nó, tức là những người đã đạt được sự hoàn thiện và được gọi là A-la-hán, đấy là những người đã nhìn thấy tánh không một cách minh bạch và bằng trực giác.

          Rất nhiều khía cạnh của Phật Giáo, nhất là Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Điệu Đế), tỏ ra thật hết sức khoa học bởi vì những Sự Thật ấy có thể kiểm chứng được bằng các kết quả thử nghiệm minh bạch nhờ vào phương pháp nội quán (instrospection). Bất cứ ai có khả năng quan sát và hằng quan tâm đến việc nghiên cứu và tìm tòi đều có thể nhận thấy tính cách có thể kiểm chứng được về mối tương quan giữa nguyên nhân và hậu quả, tương tự như trong lãnh vực khoa học. Thật thế, Phật Giáo không phải là một thứ gì mơ hồ và tối tăm, cũng không phải là một ngành triết học đơn thuần tương tự như những ngành triết học khác do con người sáng chế.

          Một vài người khác xem Phật Giáo như một thứ văn hóa. Thật vậy, một số chuyên gia uyên bác tìm thấy trong Phật Giáo một số khía cạnh phản ảnh chung cho tất cả các nền văn hóa, thế nhưng cũng có những khía cạnh đặc thù chỉ có trong Phật Giáo mà thôi.

          Dù sao thì trong số tất cả các khía cạnh thật đa dạng trên đây của Phật Giáo vẫn có một khía cạnh mà người Phật tử chân chính phải xem trọng hơn cả, đấy là khía cạnh tôn giáo của Phật Giáo. Phải hiểu rằng trước hết Phật Giáo là một phương pháp thực dụng và trực tiếp, giúp đạt được sự hiểu biết về bản chất đích thật của mọi sự vật, một sự hiểu biết giúp từ bỏ tất cả mọi hình thức của sự ham muốn, bám víu, vô minh và bế tắc, nhằm giúp mình tìm thấy sự tự do. Đấy cũng chính là cách giúp chúng ta đi sâu vào tâm điểm của Phật Giáo. Phật giáo nhìn dưới khía cạnh đó sẽ tỏ ra hữu ích hơn nhiều so với các cách nhìn Phật Giáo như một hệ thống luân lý đơn thuần, hoặc như là một sự thật giới hạn bằng một sự hiểu biết sâu xa nhưng chỉ mang tính cách lý thuyết; và cũng sẽ ích lợi hơn nhiều so với cách nhìn Phật giáo như một triết học, vì đấy cũng chỉ là một cách tự biện và lý luận, không giúp cho tâm thức tẩy xóa được mọi thứ ô nhiễm; và nhất định cũng sẽ ích lợi hơn nhiều so với cách nhìn Phật Giáo như một truyền thống văn hóa, tức một thứ sinh hoạt ngoạn mục chỉ lôi kéo được sự quan tâm của các nhà xã hội học.

          Ít nhất thì cũng nên xem Phật Giáo như là một nghệ thuật, một thứ nghệ thuật sống. Thật vậy, Phật Giáo tượng trưng cho một tiềm năng và một sự sáng suốt giúp một cá thể biết hành xử với tư cách con người và biết sống thật gương mẫu, đáng kính và vượt cao hơn những người chung quanh, khiến cho mọi người phải kính phục mình. Những gì cần phải làm là trau dồi "ba đức tính": trước nhất là giữ gìn đạo đức thật nghiêm túc (tu giới), sau đó là mang lại sự tĩnh lặng và thăng bằng cho tâm thức hầu giúp cho nó hoạt động một cách hữu hiệu hơn (tu định), và sau cùng là làm phát sinh một trí tuệ phong phú và một sự quán thấy minh bạch về bản chất đích thật của mọi sự vật (tu tuệ), khiến cho chúng không còn khả năng nào gây ra khổ đau được nữa. Những ai đã thực hiện được ba đức tính ấy để soi sáng cuộc đời mình thì cũng có nghĩa là họ đã đạt được điểm cao nhất của nghệ thuật sống. Người Tây phương quan tâm và nghiên cứu hăng say nhất về khía cạnh này của Phật Giáo. Thật thế đấy là khía cạnh giúp cho ta thâm nhập thật sâu vào điểm tinh anh và đích thật nhất của Phật giáo để biến nó trở thành một thứ kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời mình, hầu mang lại cho mình niềm hân hoan, lòng thành kính, giúp mình loại bỏ được mọi thứ lo buồn và ảo giác. Nó còn giúp đánh tan mọi sự sợ hãi, kể cả sự sợ hãi phải lìa bỏ những gì làm cho tâm thức bị ô nhiễm, (là sự thèm muốn, tiêu cực và u mê) bởi vì nếu thiếu những thứ ấy thì sẽ khiến cho cuộc sống này trở nên tẻ nhạt, vô vị, không còn gì hấp dẫn nữa, hoặc cái sợ phải hoàn toàn từ bỏ tất cả sẽ ngăn chận mọi sự vận hành của tư duy và các hành động tích cực. Thế nhưng trên thực tế thì lại không hẳn như thế vì những ai biết xây dựng cuộc đời mình dựa vào nghệ thuật sống của Phật Giáo thì họ sẽ khắc phục được dễ dàng những gì xảy ra chung quanh họ. Bất cứ gì dù đấy là súc vật, con người, của cải vật chất hay những gì khác, nếu chúng tìm cách thâm nhập vào tri thức của họ qua các cửa ngõ như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác hay tư duy, thì nhất định chúng sẽ bị đánh bại và không thể nào làm cho tâm thức họ bị u mê được, không thể đánh lừa họ được và làm cho họ bị dao động. Chiến thắng được tất cả những thứ ấy sẽ mang lại một niềm hân hoan trong sáng.

          Những ai hằng quan tâm đến "Đạo-Pháp của Đức Phật" (Buddha-Dhamma) thì đến một lúc nào đó sẽ nhận thấy tâm thức mình bừng tỉnh dậy. Vì thế Đạo Pháp của Đức Phật cũng có thể xem như là một thứ thực phẩm thật cần thiết. Thật vậy, những người bị các thứ ô nhiễm tâm thần chi phối thì luôn luôn tìm cách nuôi dưỡng mình bằng những thứ thực phẩm mang lại từ mắt, tai, mũi, lưỡi và thân xác, tuy thế nơi họ cũng vẫn có một thứ gì khác sâu xa hơn, không thúc dục họ chạy theo các loại thực phẩm ấy: đấy là cái thể dạng tinh khiết và phóng khoáng của tâm hồn họ, cái thể dạng đó hướng họ vào những gì hân hoan và ngọt ngào mang lại từ những món ăn tinh thần, và trước hết là từ những món thơm ngon của đạo đức tinh khiết. Những món ăn tinh thần ấy mang lại sự toại nguyện cho những ai đạt được sự tỉnh thức, tạo được cho mình một sự tĩnh lặng nội tâm cao độ, hóa giải được tác động của những thứ ô nhiễm thường làm cho tâm thức bị u mê, giúp họ đạt được một sự quán thấy minh bạch về bản thể đích thật của mọi vật thể, khiến họ không còn bám víu vào chúng nữa. Đấy là những sinh linh biết dừng lại, không còn chạy ngược chạy xuôi giống như những người mà Đức Phật ví như những "đám khói của ban đêm và ngọn lửa của ban ngày".

           "Đám khói của ban đêm" có nghĩa là mất ngủ, bồn chồn, những ai vướng vào căn bệnh ấy thì đêm đêm cứ vắt tay lên trán mà lo nghĩ đến những gì phải làm, suy nghĩ tìm cách nào tốt nhất để trở nên giàu có hầu cung ứng tất cả những gì mà mình ước mong. Tâm thức họ dầy đặc những "đám khói". Thế rồi nào họ có biết làm gì khác hơn là nằm thẳng cẳng cho đến sáng, để rồi lại phải đứng lên tiếp tục chạy ngược xuôi tìm cách thỏa mãn những dục vọng của "đám khói" mà họ ấp ủ suốt đêm hôm qua - Đức Phật gọi sự sinh hoạt cuồng nhiệt đó là "ngọn lửa của ban ngày". Các triệu chứng ấy cho thấy một tâm thức bất an, thiếu hẳn những món ăn tinh thần, một tâm thức phải chịu đựng những cái đói và cái khát bệnh hoạn phát sinh từ sự thèm muốn. Suốt đêm, những nạn nhân đáng thương ấy ấp ủ cẩn thận các "đám khói" để giữ hơi nóng, chờ đến sáng hôm sau sẽ làm cho chúng bùng lên thành ngọn lửa để đốt cháy mình trong suốt ngày hôm ấy. Nếu trọn đời, ta chỉ biết ban đêm thì ủ khói, ban ngày thì làm cho nó bùng cháy lên, thì làm thế nào mà ta có thể tìm thấy được sự trong sáng và an bình? Cứ thử nghĩ lại xem có đáng buồn hay không nếu suốt đời từ lúc mới sinh cho đến lúc cái chết xảy đến, chúng ta phải chịu đựng cái cảnh đọa đày và khổ sở ấy, đơn giản chỉ vì không biết phát huy một sự quán thấy sâu xa giúp dập tắt đi các "đám khói" và các "ngọn lửa" ấy. Nếu muốn chữa trị chứng bệnh ấy thì phải cần đến sự hiểu biết - tức là những "phương thuốc" - mà Đức Phật đã ban cho chúng ta. Khói và lửa sẽ giảm bớt đi khi các mức độ hiểu biết về bản chất đích thật của mọi sự vật gia tăng.

          Như chúng ta đã thấy, Phật giáo gồm có nhiều khía cạnh hay thể dạng khác nhau. Một quả núi sẽ hiện ra dưới những hình thù khác nhau tùy theo các hướng nhìn khác nhau, đối với Phật Giáo cũng thế, tùy theo cách nhìn của chúng ta mà Phật Giáo sẽ mang lại những lợi ích khác nhau. Phật Giáo nào có khác gì với các tôn giáo khác, cũng sinh ra từ sự sợ hãi của con người - thế nhưng không phải từ sự sợ hãi của những kẻ ngu đần chỉ biết quỳ lạy dưới chân các vị thần thánh hay các hiện tượng thiêng liêng - mà đúng hơn đấy là một thứ sợ hãi thật tinh tế, sợ hãi phải mãi mãi bị trói buộc trong sinh, lão, bệnh, tử, sợ hãi không đủ sức vượt lên được những khổ đau đang phơi bày ra trước mặt. Căn bản Phật Giáo đích thật không nằm trong các trang sách, không ẩn chứa trong những lời tụng niệm bất tận, hoặc những gì được ghi chép trong Tam Tạng Kinh, lại càng không phải là những gì phản ảnh từ các nghi thức và lễ lạc. Giáo lý của Đức Phật đích thật là một phép tu tập giúp tẩy sạch những thứ "ô nhiễm" thường mượn các cửa ngõ của thân xác, ngôn từ và tư duy để thâm nhập vào tâm trí và làm cho nó bị u mê. Phép tu tập đó không cần đến kinh điển hay các tập sách chỉ dẫn, cũng không cần đến nghi lễ hay bất cứ thứ gì từ bên ngoài, kể cả thần thánh và các vị thiên nhân trên trời, mà nhất thiết chỉ cần trực tiếp tập trung và canh chừng những gì phát sinh từ thân xác, ngôn từ và tư duy; nói một cách khác là phải cố gắng và kiên trì loại bỏ những gì có thể làm cho tâm thức bị u mê, hầu giúp cho sự quán thấy minh bạch và sâu xa có thể hiển hiện. Khi thực hiện được điều đó thì đương nhiên chúng ta sẽ có đủ khả năng để hành động một cách thích nghi trong bất cứ một bối cảnh nào. Và từ đấy cho đến cuối cuộc đời, chúng ta cũng sẽ tự giải thoát cho mình khỏi mọi khổ đau. Đấy là căn bản Phật Giáo Đích Thật mà chúng ta phải học hỏi.

Xin xem tiếp- Click vào tựa đề

No comments:

Post a Comment