Câu chuyện về Thánh JOSAPHAT
hay là chuyện Nhà thờ Thiên Chúa Giáo từng
phong thánh cho Đức Phật
Tài liệu của Viện Đại Học Phật Giáo Âu Châu
(http://www.bouddhismes.net/node/189)
(Hoang Phong chuyển ngữ)
Lời giới thiệu của người dịch:
Dịch giả trước đây đã nêu lên chủ đề này
qua một bài viết ngắn vào ngày 7 tháng 8 năm 2010, mang tựa đề là "Câu Chuyện về Barlaam và Joasaph: hay
một sự trùng hợp lạ lùng giữa các tôn giáo", (có thể xem bài này trên
các mạng Thư Viện Hoa Sen ,
Quảng Đức...). Thế nhưng quả là một sự
ngạc nhiên kỳ thú là khi lùng lại các tài liệu cũ thì tình cờ mới thấy rằng trước
đó gần một năm Viện Đại Học Phật Giáo Âu Châu (UBE : Université Bouddhhique
Européenne) cũng đã đưa vấn đề này lên mạng trong số phát hành ngày 1 tháng 12
năm 2009, tức là vào dịp những ngày lễ cuối năm ở Âu Châu. Bài viết này có thể
xem như là một bài khảo cứu nêu lên một số dữ kiện để chúng ta cùng suy tư về một
vài khía cạnh nào đó của tôn giáo nói chung.
Thánh Josaphat đang thuyết giảng (bản chép
tay của Hy Lạp, thế kỷ XII)
Quả hết sức lạ lùng là một chuyện như
thế lại có thể xảy ra được: Nhà thờ Thiên Chúa Giáo và Chính Thống Giáo lại tôn
thờ Đức Phật như một vị Thánh của họ dưới danh hiệu là Thánh Josaphat ...! Chuyện
này đã xảy ra từ lâu thế nhưng hầu như chẳng có ai hay biết cả!
Câu chuyện về Thánh Josaphat và Thánh
Barlaam bắt nguồn từ thuở xa xưa ở Ấn Độ, thế nhưng mãi về sau này mới trở
thành một câu chuyện "ăn khách nhất" ("best seller" trong
nguyên bản) vào thời Trung C ổ
(tại Âu Châu). Vào thời đó Thánh Josaphat nổi danh đến độ Giáo Hoàng Sixte
Quint đã phải chính thức đưa vào danh sách những người "Tử Đạo"
(Martyrology) vào năm 1583. Lễ tưởng niệm vị Thánh này được nhà thờ Thiên Chúa
Giáo La Mã ấn định
vào ngày 27 tháng 11, trong khi đó thì nhà thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp lại chọn
ngày 26 tháng 8 và Chính Thống Giáo Nga Sô thì chọn ngày 19 tháng 11.
Mãi
đến năm 1860 thì mới có hai học giả là Labourlaye và Liebrecht cùng chứng minh
một lượt cho thấy là Thánh Josaphat và Đức Phật chỉ là một nhân vật duy nhất,
tuy rằng cả hai học giả này trước đó đã nghiên cứu biệt lập với nhau. Thế là tức
thời nhiều khảo cứu gia khác thi nhau đổ xô vào vấn đề này để nghiên cứu thêm,
và cũng nhờ đó mà mọi người mới biết đến quá trình diễn biến thật lạ lùng của
câu chuyện trên đây một cách chính xác hơn...
Từ Ấn Độ đến Địa Trung H ải...
Đầu đuôi câu chuyện xảy ra tại Ấn độ,
và đúng thật là như thế! Vào khoảng đầu kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, người ta mới
thấy bắt đầu xuất hiện các kinh sách Phật giáo ghi chép sự tích Đức Phật một
cách quy củ. Các mẫu chuyện rời rạc được ghi chép trước đây trong các Kinh
(Sutra) và các bộ Luật tạng (Vinaya), tức là các tập sách ghi chép những lời
giáo huấn của Đức Phật và các luật lệ quy định cho đời sống xuất gia, đã được
gom góp lại để tạo thành những tác phẩm thật quy mô và đầy đủ, trong số này có
thể kể ra các tác phẩm quan trọng nhất như tập Phật sở hạnh tán (Buddha-carita
- thế kỷ thứ II) do nhà thơ Mã Minh (Asvaghosa) trước tác và tập Phổ diệu kinh (Lalita Vistara - thế kỷ thứ III-IV).
Vào các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên
Thiên Chúa giáo, Phật giáo nhờ vào vương quốc Kushan đã bành trướng nhanh chóng
trong toàn vùng Trung Á. Lãnh thổ rộng lớn của vương quốc này trải dài từ thung
lũng sông Hằng đến những vùng biên giới tận cùng của sa mạc Tukla-Makan, đã tạo
ra một cửa ngõ quan trọng giúp cho "con đường tơ lụa" nối liền Trung Qu ốc và nước Ba Tư (I-ran
ngày nay). Dọc theo con đường này và rải rác trong các vùng ốc đảo, đã phát triển
nhiều đô thị lớn góp phần không nhỏ vào việc vận chuyển hàng hóa... và luôn cả
tôn giáo cũng như các huyền thoại đủ loại của toàn vùng Á Châu!
Trong tỉnh Tourfan (còn gọi là Turfan
hay Turpan, Việt dịch là Thự Quang, ngày nay thuộc tỉnh Tân Cương - Xinjiang
- của Trung Qu ốc; Tân Cương có nghĩa
là biên giới mới) người ta đã khám phá ra một mảnh bản thảo kinh sách của đạo
Thiện Ác (Manicheisme, Manichaeism - một tôn giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ III,
chủ trương nhất thiết phải phân loại tất cả mọi hiện tượng thành Thiện và Ác,
tôn giáo này phát triển tại Tây Á và đã từng ganh đua với Thiên Chúa giáo mãi
cho đến thời Trung C ổ)
viết bằng cổ ngữ Ba Tư ghi lại một mẫu đối thoại giữa hai nhân vật mang tên là
Bylwhr và Bwdysf (Budasf). Mẫu đối thoại này trùng hợp với một đoạn trong huyền
thoại rất quen thuộc sau này nói về Thánh Barlaam và Thánh Josaphat.
Sự kiện các tín đồ của đạo Thiện Ác
quan tâm đến sự tích Đức Phật không phải là một chuyện lạ, vì vị sáng lập ra đạo
này là một người Ba Tư tên là Mani (216-273) đã từng du hành sang Ấn độ..., và
tại đây người ta đã từng xem ông ngang hàng với Đức Phật trước kia! Thật thế, vị
này quả là một con người khác thường, nguyên trước đó ông theo Thiên Chúa
giáo, và tin rằng một người tông đồ của Chúa là Thánh Thomas (theo huyền thoại
thì thánh Thomas đã từng sang Ấn Độ thuyết giáo) giao cho ông sứ mạng kết hợp cả
ba tôn giáo là Thiên Chúa giáo, Phật giáo và đạo Dô-rô-át (Zoroastrism, còn gọi
là đạo Mazdéisme, là một tôn giáo của xứ Ba Tư, xuất hiện từ thế kỷ thứ VII trước
Tây lịch, chủ trương thế giới là một môi trường tranh đấu giữa cái Xấu và cái Tốt,
sự chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về cái Tốt). Tuy người ta khó có thể biết được
là vị này đã có dịp tiếp xúc với trường phái nào của Phật giáo hay không (vì
vào thời kỳ đó nhiều học phái Phật giáo xưa và cả Đại Thừa Phật giáo cũng đã
phát triển rộng rãi trong vùng Trung Á), dù sao đi nữa thì rất có thể ông ta đã
có dịp nghe kể lại sự tích về cuộc đời của Đức Phật, rất phổ biến tại các nước
theo Phật giáo thời bấy giờ, nhất là đối với những đoạn thuật lại tuổi thiếu thời
của Đức Phật và thiên hướng tầm đạo của Ngài - và đấy cũng là những gì mà người
ta đã tìm thấy trong huyền thoại về Thánh Josaphat.
Vị sáng lập đạo Thiện Ác là Mani tỏ ra
rất thán phục lý tưởng tu tập khổ hạnh và chủ trương xa lánh những giá trị thế
tục của Đức Phật, và thật ra thì giáo lý của Mani cũng chủ trương phải chối bỏ
những giá trị đó. Ngoài ra người ta cũng nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa
tăng đoàn Phật giáo và tăng đoàn của đạo Thiện Ác: mối tương quan giữa các vị tỳ
kheo (bhikkhu) và các vị ưu-bà-tắc (upasaca, tức các vị cư sĩ) trong Phật
giáo cũng tương tự như sự tương quan giữa các vị "được bầu" và các vị
"nghe giảng" trong đạo Thiện Ác. Nói chung các vị "tỳ kheo"
và các vị "được bầu" phải lo việc tu tập và thuyết giáo, còn các vị "ưu-bà-tắc"
và các vị "nghe giảng" thì có bổn phận phải trợ cấp các phương tiện
sinh sống cho các vị tu hành trên đây. Ngoài ra vị giáo chủ Mani cũng đưa ra
năm "lời khuyên" mà các vị "được bầu" phải noi theo, và năm
lời khuyên này cũng khá tương tự với ngũ giới của Phật giáo. Ngoài các điểm
tương đồng trên đây thì cũng cần nêu lên là giáo lý của đạo Thiện Ác chủ trương
phải khinh thường thân xác vì đấy là nguyên nhân mang lại mọi thứ tai hại cho
linh hồn, quan điểm giáo lý này hoàn toàn không có trong Phật giáo!
Sự tích Đức Phật sau đó lại được truyền
đi từ Trung Á và Ba Tư sang đến tận các vùng bờ biển Địa Trung H ải: một số tư liệu bằng
ngôn ngữ Á Rập cho biết là vào hậu bán thế kỷ thứ VIII, quyển sách bằng tiếng
Ba Tư nói về Đức Phật đã được cộng đồng những người theo giáo phái Ismailism (Ismaélisme,
tức một giáo phái của Hồi Giáo) tại Xiri (Syria, Syrie) chuyển dịch sang tiếng
Xiri và sau đó sang tiếng Á Rập, với tựa đề là "Quyển sách nói về Bilawhar và Yûdâsaf" (Kitab Bilawhar wa-Yudasaf). Lý tưởng khổ
hạnh không thu hút được người Hồi giáo, vì thế họ vẫn tiếp tục giữ truyền thống
tu tập của người Ba Tư trước đây, và đối với các kinh sách dịch thuật thì họ chỉ
thêm vào một vài chi tiết nhằm nêu lên tính cách độc thần trong tôn giáo của họ,
do đó sự tích Đức Phật trong các kinh sách dịch thuật này không bị biến dạng
nhiều.
Ngày xưa tại Ấn độ, có một vị vua tên
là Abénès theo tà giáo, tôn thờ thần linh. Ông rất đau buồn vì không có con
trai để thừa kế ngai vàng, tuy nhiên sau đó thì ông cũng sinh được một đứa con
trai và đặt tên là Yûdâsaf. Chẳng may một vị tiên tri lại cho biết sau này đứa
bé sẽ không nối ngôi để trị vì xứ sở, bởi vì đứa bé sẽ trở thành một "Vị hướng dẫn vĩ đại trên con đường đưa
đến Sự Thật". Nhà vua rất thất vọng liền ra lệnh tống cổ tất cả các vị
"phục vụ Trời" ra khỏi
vương quốc của ông và giam con ông trong một lâu đài thật nguy nga, biệt lập hẳn
với những cảnh tượng khổ đau của thế gian. Ông cấm mọi người không được nói đến
"cái chết, sự già nua, tật nguyền và
sự nghèo đói", và nếu như có một người hầu cận nào ốm đau thì phải được
thay thế ngay.
Khi Yûdâsaf trưởng thành thì thường
hay than vãn về cảnh sống biệt lập đó. Vua cha đành phải cho tổ chức các cuộc
rong chơi, nhưng không được để cho hoàng tử trông thấy các cảnh tượng không
hay, hoặc buồn khổ. Thế nhưng làm thế nào tránh khỏi được những chuyện ấy, một
hôm hoàng tử trông thấy một người cùi và một người mù và ý thức được bệnh tật
là gì, và sau đó lại trông thấy một người già, da dẻ nhăn nheo, lưng còng và
không còn một chiếc răng nào, vị hoàng tử lại có dịp hiểu thêm sự già nua là
gì. Chưa hết tò mò Josaphat còn hạch hỏi
thêm các người hầu cận và họ đành phải cho biết thế nào là cái chết. Những khám
phá đó đã làm cho vị hoàng tử trẻ phải suy tư...
Hình minh họa trong một bản thảo thời Trung C ổ cho thấy Josaphat ra khỏi
thành (đang cưỡi ngựa) và gặp một
người cùi (mặt có chấm đen) và một
người mù (đang chống gậy). Bên trong
thành thì vua cha đang nhìn ra để canh chừng.
Một nhà tu hành thông thái của một tôn
giáo độc thần tên là Bilawhar sống trong sa mạc bỗng dưng một hôm nhờ linh cảm
đã nhìn thấy tương lai của Yûdâsaf. Vị này bèn rời bỏ chốn ẩn cư để quay về nơi
đô thị. Ông tìm gặp Yûdâsaf và đem một số chuyện ngụ ngôn ra để giảng dạy cho vị
hoàng tử trẻ. Các bài ngụ ngôn này phản ảnh một số giáo lý Phật giáo, chẳng hạn
như những lời giáo huấn về ảo giác của sự hiện hữu và sự nguy hại của dục
tính... Sau đây là một đoạn trích dẫn:
"Những
ai thèm khát sự thích thú từ thân xác và bỏ mặc cho linh hồn phải chịu đói khát
thì cũng chẳng khác gì với một người đang bị một con kỳ lân (một con vật truyền
thuyết của người Tây phương rất hung dữ) đuổi bắt để ăn thịt và người này hụt
chân té xuống một vực sâu. Khi đang rơi thì hắn nắm được một bụi cây và chống
chân được vào một bờ đất mềm lại vừa trơn trợt; hắn nhìn thấy hai con chuột, một
trắng và một đen thay phiên nhau gặm nhấm rễ của bụi cây mà hắn đang nắm. Một
lúc sau thì bụi cây bị đứt gần hết rễ. Hắn nhìn thấy ở đáy vực thẳm một con rồng
(theo truyền thuyết Tây phương con rồng lả một con vật hung tợn) vừa phun lửa vừa
há toác miệng để chờ cắn xé hắn; nơi hắn đang đứng lại có bốn con rắn độc, tượng
trưng cho bốn thành phần tạo ra thân xác, đang từ trong đất chui ra. Khi hắn ngẩng
đầu lên thì lại thấy mật tuôn ra từ cành lá của bụi cây; thế là hắn quên ngay
hiểm nguy đang chờ đợi, và cứ mải mê tận hưởng những giọt mật hiếm hoi đó.
Con
kỳ lân tượng trưng cho cái chết, nó liên tục đuổi theo con người để tóm bắt. Vực
sâu tương trưng cho thế giới đầy rẫy khổ đau. Bụi cây biểu trưng cho sự sống của
mỗi người đang bị hai con chuột, một trắng một đen, thường xuyên gặm nhấm từng
ngày và từng đêm và sắp làm cho bụi cây bật rễ.
Nơi đang đứng có bốn con rắn biểu trưng cho thân xác gồm bốn thành phần,
thân xác đó sẽ bị sự bất quân bình làm cho cho tan biến hết. Cái miệng khiếp đảm
của con rồng tượng trưng cho cửa địa ngục đang chờ nuốt chửng tất cả mọi người.
Mật tuôn ra từ cành cây tượng trưng cho sự lừa phỉnh của thế giới này, khiến
con người bị mê hoặc, không nhìn thấy những hiểm nguy chung quanh".
Hai hình minh họa trong các bản thảo
thuộc thời Trung Cổ, kể lại huyền thoại Barlaam và Josaphat
(một
người rơi xuống vực sâu với được một cành cây, con kỳ lân một sừng húc vào
người này, con rồng thì há miệng để chờ cắn xé)
Những lời giảng dạy của Bilawhar cho
Yûdâsaf được dựa vào sự đối nghịch giữa Hiện thực và Ảo giác, và các câu chuyện
ngụ ngôn thì mang hậu ý khuyên nên tạo ra các thứ "nghiệp" lành!
Bilawar nêu lên những gì thật quan trọng mà người ta thường không nghĩ đến, hay
nói cách khác đấy là những gì mà thoạt nhìn thì không thấy và không cần phải
quan tâm, thế nhưng thật ra thì đấy lại là những gì hết sức quan trọng. Sau đây
là một đoạn trích dẫn từ một câu chuyện ngụ ngôn khác mà Bilahwar đã thuyết giảng
cho Yûdâsaf:
"Một
người biết yêu thương thế giới cũng tương tự như một người có ba người bạn. Đối
với người bạn thứ nhất thì hắn yêu thương hơn cả chính mình, với người bạn thứ
hai thì hắn yêu thương ngang hàng với mình và với người thứ ba thì hắn yêu
thương kém hơn mình. Bỗng một hôm hắn bị nhà vua gọi vào triều và hắn cảm thấy
vô cùng sợ hãi vì e rằng mình sẽ bị trừng phạt. Hắn bèn chạy đi tìm người bạn
thứ nhất, người này thoái thác rằng mình rất bận và biếu tặng hắn một ít vải để
may quần áo. Hắn đành tìm đến người bạn thứ hai, người này cũng lại thoái thác
và cho hắn biết rằng mình đang có nhiều chuyện lo buồn, tuy nhiên vẫn chấp nhận
đi theo hắn đến tận cổng thành. Hắn vô cùng thất vọng và tìm đến người bạn thứ
ba. Hắn tạ lỗi trước và xin người bạn này giúp đỡ cho mình. Không ngờ người bạn
thứ ba lại tiếp rước hắn thật ân cần, luôn miệng gọi hắn là người bạn thân thiết
nhất của mình, và cho biết là trước đây hắn đã từng giúp đỡ mình từng li từ tí
nên không thể nào quên ơn được. Chẳng những người bạn này đi theo vào tận bên
trong thành mà còn hết lòng bênh vực cho hắn nữa. Người bạn thứ nhất tượng
trưng cho của cải trong thế gian này, của cải ấy không thể giúp đỡ gì cho hắn
ngoài việc sử dụng để mua một tấm vải liệm trước ngưỡng cửa của cái chết, người
bạn thứ hai tượng trưng cho gia đình và bạn hữu, thế nhưng chính họ thì cũng
đang bận tâm với những đau buồn của họ và họ chỉ đủ sức ngồi bên cạnh hắn trong
giây phút cuối cùng mà thôi. Người bạn thứ ba tượng trưng cho những hành động từ
thiện, và đấy là những gì mà hắn có thể trình ra trước sự phán xét cuối
cùng".
Sau đó
Bilawhar còn đưa ra thêm các lời dạy bảo khác nữa, và trước khi từ giã Yûdâsaf,
Bilawhar còn bảo với Yûdâsaf rằng hắn còn phải vượt qua nhiều thử thách
khác trong một thời gian nữa trước khi
được gặp lại ông ta.
Thật vậy, sau "bốn lần gặp gỡ" (người mù, người cùi, người già và
Bilawhar) Yûdâsaf đã phải chịu đựng đủ mọi thử thách. Vua cha nhận thấy tánh
tình con mình bỗng dưng đổi thay, bèn dọ hỏi và biết con mình đã cải đạo. Vua
cha liền sử dụng đủ mọi xảo thuật để làm cho con mình đổi ý: trước hết ông tổ
chức một buổi tranh luận về thần học, thế nhưng Yûdâsaf đã thắng! Sau đó thì
ông xúi bẩy con mình ham muốn xác thịt..., thế nhưng Yûdâsaf chỉ bị cám dỗ có một
phần, có nghĩa là sau đó Yûdâsaf đã thoát ra được sự cám dỗ, thế nhưng cũng đã
sinh được một đứa bé trai. Thấy có người thừa kế, Vua cha vui mừng trở lại và
sau đó ông đã cải đạo theo Yûdâsaf...
Cũng khá tương tự với trường hợp của Đức
Phật có một người con trai là La-hầu-la (Rahula), Yûdâsaf sau khi có con vẫn tiếp
tục lưu lại trong lâu đài của Vua cha, tuy nhiên lúc nào cũng nuôi mộng rời bỏ
thế tục để sống cuộc đời khổ hạnh đúng như những gì mà Bilawhar từng đề cao! Một
hôm có một vị thiên thần hiện ra và khuyên Yûdâsaf hãy bỏ trốn... Vị hoàng tử
bèn rời bỏ lâu đài: đấy là một cuộc "Ra
đi Trọng Đại"! Yûdâsaf cởi quần áo để trao đổi với một người ăn mày và
sống cuộc đời khổ hạnh mà mình hằng mơ ước. Sau vài năm sống cô đơn "trong sa mạc", Yûdâsaf được
thụ giáo về "sự hiểu biết Tối Thượng
và Độc Nhất!", và ngay sau đó thì quay lại vương quốc của cha mình để
cải đạo cho toàn thể dân chúng, an ủi Vua cha trên giường bệnh và sắp lìa đời.
Yûdâsaf phong người giám hộ của con mình làm nhiếp chính, và sau đó thì ra đi
vĩnh viễn...
Thật rõ ràng trên đây là các tình tiết
nhắc lại những gì xảy ra từ khi Đức Phật ra đi cho đến khi quay lại kinh đô
Ca-tì-la-vệ (Kapilavastu) nơi sinh thành của mình. Vào dịp trở về này Đức Phật
cũng đã thuyết giảng cho nhiều người trong vương quốc của Vua cha và sau đó thì
họ đã trở thành các vị tỳ kheo..., trong số này có cả con trai của Ngài là La-hầu-la.
Thật vậy, hình như các người Á Rập và kể cả những người Ba Tư trước họ nữa, (tức
là những người "sáng chế" ra câu chuyện Yûdâsaf và Bilawhar) tất cả
có thể đã không hề biết tí gì về các sự kiện trên đây!
Đối với chuyện có một thiên thần hiện
ra để thúc dục Yûdâsaf rời bỏ lâu đài Vua cha thì cũng không phải là chuyện do
người Hồi Giáo tự bịa đặt thêm, vì nhiều kinh sách Phật giáo cũng kể lại là khi
hoàng tử rời bỏ lâu đài Vua cha thì có nhiều vì thần linh hiện ra để nâng bốn
chân con ngựa của hoàng tử lên, hầu tránh không gây ra tiếng động khiến có thể
đánh thức những người hầu cận trong lâu đài.
Sau đó thì các tập sách bằng tiếng Á Rập
kể lại các câu chuyện trên đây đã được chuyển dịch sang ngôn ngữ của xứ Georgia
(thuộc Liên Sô cũ).
Đức Phật trở thành thánh Josaphat như thế
nào...
Xứ Georgia nằm giữa vùng biên giới
chia cách Âu Châu và Á Châu và đồng thời cũng nằm giữa Hắc Hải và biển Caspian,
là quốc gia đầu tiên trong toàn vùng đã ngả theo Thiên Chúa giáo, và hơn nữa
còn đưa tôn giáo này lên hàng quốc giáo vào thế kỷ thứ VI. Do đó chính trên quê
hương này câu chuyện về sự tích Đức Phật đã biến thành một huyền thoại Thiên
Chúa giáo. Người ta được biết có tất cả ba văn bản bằng tiếng Georgia khác
nhau về câu chuyện này, và các nhân vật thì được gọi là Balawhar và Iodasaph. Một
văn bản "dài" được lưu lại đến nay là một bản chép tay vào thế kỷ XI,
một văn bản khác thuộc loại "ngắn" là một bản chép tay thuộc vào thế
kỷ XII, bản thứ ba là bản xưa nhất thuộc thế kỷ thứ IX rất gần với các bản trước
tác bằng ngôn ngữ Á Rập trước kia và cũng là bản ít bị Thiên Chúa giáo hóa hơn
cả...
Các người Thiên Chúa giáo bị thu hút mạnh
hơn so với những người Á Rập về lối sống khổ hạnh nêu lên trong câu chuyện. Họ
xem đấy là lối sống lý tưởng và gần nhất với cuộc đời của Chúa Giê-Xu - cũng có
nghĩa là lối sống của Đức Phật đã được Thiên Chúa giáo hóa. Lối sống khổ hạnh
đó đã trở thành một thứ khuôn mẫu cho thiên hướng của những người Thiên Chúa
giáo: một thứ động cơ thúc dục họ hãy tìm lấy cho mình sự tuyệt đối trong cảnh
cô đơn, biểu trưng cho một sự thách đố trước mọi khó khăn và thèm khát - nhất
là thèm khát xác thịt! Dù một vài chi tiết trong huyền thoại trước đây đã bị
"sửa đổi" và câu chuyện đã được hoàn toàn Thiên Chúa giáo hóa, thế
nhưng nhân vật Iodaphat vẫn là biểu trưng cho một con người cưỡng lại được sự
cám dỗ của phụ nữ mà Vua cha đã cố tình tạo ra, và Iodaphat đã rời bỏ lâu đài
không cần nghĩ đến vợ con và cả ngai vàng...
Sự tích cuộc đời Đức Phật sau khi được
truyền bá vào các vùng lãnh thổ Thiên Chúa giáo đã được dịch ra nhiều thứ ngôn
ngữ khác nhau và được sửa đổi để thích nghi với các giáo lý mới. Trong hậu bán
thế kỷ thứ X, một nhà dịch thuật nổi danh người Georgia là Euthyme ngụ tại tu
viện Ivoron trên ngọn núi Athos của xứ Hy Lạp (Athos là một ngọn núi thiêng của
xứ Hy Lạp, vào thế kỷ thứ X nơi đây đã từng có 20 tu viện được xây cất và có đến
2.200 tu sĩ, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng đã từng thăm viếng nơi này) đã dịch câu
chuyện này từ tiếng Georgia sang tiếng Hy Lạp, và nhân vật Iodasaph trở thành
Ioasaph. Bản dịch này còn lưu lại đến nay dưới dạng một bản chép tay năm 1021.
Bản này cũng là bản gốc được sử dụng để dịch sang các ngôn ngữ khác nữa, chẳng
hạn như các tiếng Ác-mê-ni (Arménien - Amenian), tiếng Slavia và tiếng La Tinh. Trong bản tiếng La Tinh thì Iosaphat lại trở
thành Josaphat, và sở dĩ có sự thay đổi đó là vì tiếng La Tinh không phân biệt giữa hai
chữ i và j.
Vào khoảng năm 1047 hay 1048, có một
tu sĩ "thích phiêu lưu" đã đến tận Constantinople (ngày nay là kinh
đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ) và theo lời của chính ông kể lại, thì ông "rất say mê tìm tòi các sách viết bằng
ngôn ngữ Hy Lạp và hy vọng sẽ khám phá ra một thứ gì đó để lưu lại ngàn đời"!
Và rồi bỗng nhiên có một người tên là Léon đã trao tận tay ông một quyển sách.
Trong quyển sách do ông dịch sau này ông có viết thêm một đoạn như sau:
"Vị
này (tức người trao quyển sách), nhân
danh Chúa Trời và để tôn vinh vị tối thiện Barlaam, đã khẩn cầu tôi dịch tác phẩm
này của thời Cổ Đại từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh , một thứ tiếng được nhiều
người biết hơn. Quyển sách này trước đây bị vùi sâu trong quên lãng và chưa hề
có ai dịch, [...]. Tôi tự hứa sẽ dịch thật trung thực từng chữ một, đúng theo
cách diễn đạt của người xưa, thế nhưng sau đó thì tôi cũng lại nghĩ rằng trong
công việc dịch thuật này, tôi sẽ phải trả cái giá thật đắt vì tôi sẽ sửa đổi một
vài chỗ nhằm mục đích giúp cho bản dịch thu hút mạnh hơn những ai có nhiều đức
tin..."
Đấy là bản dịch đầu tiên sang tiếng La Tinh và bản này đã được lưu
hành trên khắp các quốc gia Thiên Chúa giáo trong thế giới Tây phương thời bấy
giờ. Thế nhưng sự thành công vô song của câu chuyện Josaphat thật ra là nhờ vào
một tác phẩm của Jaques de Voragine (1225-1298), một nhà thần học thuộc dòng tu
Đô-mi-ních, và cũng là vị tổng giám mục địa phận Genova (một thành phố của nước
Ý). Tác phẩm này được trước tác vào năm 1264 nhằm ghi lại "Cuộc đời của các vị Thánh" và mang tựa đề là "Huyền thoại Vàng son" ("Légende Dorée"). Quyển sách
đã thành công rực rỡ! Câu chuyện về Thánh Barlaam và Thánh Josaphat kể lại
trong quyển sách này đã trở thành một câu chuyện ăn khách nhất ("best
seller" trong nguyên bản) vào thời Trung C ổ... Thật nhiều các tác phẩm khác, gồm cả văn
xuôi lẫn văn vần, đã được trước tác dựa vào bản gốc trên đây, trong số này có cả
một số phóng tác dưới dạng kịch bản để trình diễn trên sân khấu, và hầu hết các
tác phẩm này vẫn còn được lưu truyền đến nay.
Ngoài ra bản gốc trong quyển sách của Voragine trên đây còn được dịch ra
hầu hết các ngôn ngữ Âu Châu như: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, ngôn ngữ
Provence (ngôn ngữ địa phương thuộc miền nam nước Pháp), Ái Nhĩ Lan, Đức, Anh,
Hòa Lan, Na Uy và Thụy Điển!...
Phần đọc thêm:
Tài liệu
trên đây còn đưa ra một vài thư tịch giúp người đọc tìm hiểu thêm:
* Hai bài viết của tác giả Serges
Leclerc trong tạp chí "Tao Yin" với tựa đề "Đức Phật, Josaphat và Barlaam: “Huyền thoại Vàng son” và thông điệp
do tập sách này gửi gấm" (Bouddha, Josaphat : La légende dorée et son
message):
* Nhà xuất bản Editions Gallimard phát
hành vào năm 1993 một bản dịch từ tiếng Georgia sang tiếng Pháp về cuộc đời của
Thánh Josaphat, do hai dịch giả là Annie và Jean-Pierre Mahé thực hiện. Quyển
sách mang tựa đề là "Trí tuệ của
Balawhar - Cuộc đời của Đức Phật được Thiên Chúa giáo hóa" (La Sagesse de Balahvar. Une
vie christianisée du Bouddha), quyển sách này được xếp vào bộ sách
"Tìm hiểu Đông Phương" của nhà xuất bản. Ngoài phần dịch thuật ra,
quyển sách còn gồm thêm một phần giới thiệu thật xuất sắc.
* Nếu muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời của
Thánh Josaphat dưới dạng hoàn toàn Thiên Chúa giáo hóa thì có thể xem trang web
của Thụy Sĩ. Trang web này đã đưa lên toàn bộ tác phẩm "Huyền thoại Vàng
son" của tu sĩ dòng Đô-mi-ních là Jaques de Voragine:
Ngoài ra thì bài viết
trước đây của người dịch về câu chuyện Barlaam và Josaphat cũng đã được đưa lên
một số trang web.
Saint
Géniès de Magoirès, 24.09.11
Hoang
Phong chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment