Tri thức
Đề tài hôm nay được đặt ra vì một người trong nhóm đã muốn biết về tri thức.
A Tì Đat Ma Luận hay Vi Diệu Pháp (Abhidhama) là để thoả mãn tâm suy luận, cái tâm luôn luôn tìm tòi giải thích từng việc một.
Trong cái thực tại của Chân lý, càng biết càng tách rời xa khỏi nó. Vì sao vậy? Một người đang đi tìm sự dẫn giải không phải là Chính người đó. Đó chỉ là trò chơi của cái tâm suy luận. Khi tâm suy luận chứa đầy những kiến thức, nó sẽ luôn luôn “công nhận” là nó hiểu biết về kiền thức đó, nhưng thực tế sự hiểu biết đó chỉ là bản sao kiến thức của những người khác. Sự hiểu biết này không do tự người đó đề xướng lên.
Lời giảng dạy của Đức Phật không phải để nuôi cho cái tâm suy luận được chất chứa đầy kiến thức. Sự giảng dạy này là để giúp cho ta phát triển kiến thức riêng từ Phật tính tự nhiên. Đây gọi là phát triển về tuệ giác hơn là về kiến thức.
Thông thường, con người không thể phân biệt cái gì là tri thức và cái gì là tâm trí vì cả hai trông giống như nhau. Ví dụ như: Tâm trí con người biến chuyển qua các giác quan, qua nhận thức, hình thành trong tinh thần, qua phản ứng vân vân...Nhưng tri thức chỉ đơn thuần là tri thức, không có nhận thức, không có sự hình thành trong tinh thần, không có phản ứng. Có lẽ ta có thể dùng một dụng cụ y khoa nào đó gõ vào chỗ nào trên chân và cái chân sẽ tự động phản ứng mà không cần có tâm trí hướng dẫn. Hành động phản xạ này là một “hành động bộc phát tự nhiên”. Nó không dính dấp tới cái tâm suy luận, không dính dáng tới chỗ thành lập và phát triển cái “ngã giả tạo” hay “Tôi”, hoặc “Về Tôi”, và “Của Tôi”,
Tâm trí luôn luôn nhìn vào sự vật là xấu hay tốt, phải hay trái, nhưng tri thức thì chỉ có nhận biết và không liên hệ đến bất cứ nhận thức hay sự thành hình trong tâm trí. Vì vậy không có tốt hay xấu, không phải hay trái.
Khi ăn, tâm trí sẽ cho biết “Tôi đang ăn”, nhưng tri thức không phải là người ăn, tri thức chỉ quan sát một người đang ăn. Tri thức đang nhìn vào người ăn, nhìn vào thân thể, vào cái bị ăn và món ăn. Tri thức cũng như là một người khác chứng kiến tất cả mọi việc này. Như đang nhìn vào mọi việc từ khoảng cách xa vậy. Đứng bềnh bồng bên trên nhìn thân thể ta đang ăn, món ăn, và hoàn toàn không có dính dấp gì trong những hành động này. Đây là phương cách mà con người có thể tự tách biệt ra, nếu không họ sẽ luôn luôn bị dính liền với ý nghĩ của “Bản ngã” và hoà đồng toàn thể vào với việc ăn uống đó. Và không Thức tỉnh.
Sự kiện này không thể giải thích được một cách dễ dàng, trừ phi vào một ngày nào đó ta chợt biết được khi nằm và đang chợp ngủ, ta có thể nghe tiếng ngáy của chính mình, nhưng ta vẫn nhận biết tiếng ngáy đó là từ thân thể ra nhưng ta đang không ngủ. Đây là cách tri thức có thể tách rời khỏi thân và tâm trí. Một thí dụ khác nữa: một người ở trong phòng giải phẫu, tự nhiên họ thấy mình đang nằm trên bàn mổ và chung quanh cái thân thể đó nhiều bác sĩ, y tá đang bận bịu làm việc. Người ấy hoàn toàn không thể có một cảm giác gì trên cái thân thể đó, người ấy có cái cảm giác như là một người thứ ba đang theo rõi cuộc giải phẫu.
Ta trở thành đối tượng của tri thức của chính ta. Tri thức này đến từ ngoài thân thể, ngoài cái tôi, sự tự hào, và ngoài trí óc. Điều này khó thực hiện, không phải là vì nó không tự nhiên; khó là vì cái thói quen cũ kỹ của mẫu mực phản ứng của tâm trí con người. Ta có thể quan sát một bé con, trong khoảng đầu đời nó không bao giờ nói “Tôi”, có thể nó nói “Bé đói bụng”. Hình như đứa bé này đang chứng kiến một hiện tượng. Nhưng xã hội ta dậy cho nó dùng chữ “Tôi”, vì cho rằng nói “Bé đói bụng” hay “Bé muốn chơi” nghe không đuợc đúng. Ta dậy cho nó dùng chữ “Tôi” và cái “Tôi” này đã không bao giờ hiện hữu, “Tôi” chỉ là một thực thể của xã hội.
Chữ “Tôi” được dùng là cho sự tiện nghi trong xã hội, nhưng sự tiện lợi của xã hội này trở thành thật, nó trở thành trung tâm điểm của bản thể của ta, một trung tâm điểm giả tưởng. Cái “Tôi” không bao giờ hiện hữu, không bao giờ có thể hiện hữu. Nhưng chỉ vì cái lợi ích của xã hội mà đứa trẻ bị dậy dỗ như vậy, cái tri thức trở thành gắn chặt chung quanh cái trung tâm, cái trung tâm được tạo ra cho sư tiện nghi và không có thật, và từ đó ta sống trong một ảo ảnh. Suốt cuộc đời của một người không biết rằng không có cái ngã và tự hào sẽ là không thật, bởi vì điều đó dựa trên sự xếp đặt sai lầm.
Để là một nhân chứng có nghĩa là bỏ đi cái “Tôi”. Bất cứ khi nào ta có thể bỏ được cái “Tôi”, thì lập tức ngay lúc đó ta trở thành một nhân chứng. Giống như Thái Tử Tất Đạt Đa đã buông bỏ ý nghĩ “Tôi đang tìm Giác Ngộ”. Lúc đó vì không còn gì khác nữa để làm; Ngài có thể chỉ còn một đường chót là thành nhân chứng.
Achema – Malaysia - 2008
Kim Morris lược dịch September 2011
No comments:
Post a Comment