Monday, December 26, 2011

Achema – Words do not mean truth


Ngôn ngữ không thể diễn tả hết sự thật     
Phần 1

Người ta dùng ngôn ngữ để truyền thông tư tưởng, nhưng chính nó đôi khi lại xuyên tạc (bóp méo) sự thật.

Khi chúng ta nói đến “Tình Yêu” , nhiều người diễn tả nó một cách lưu loát, như ca ngợi...........nhưng lại không có chiều sâu, không thật tình, chỉ là hời hợt. Ngôn ngữ nông cạn, sự thầm lặng mới là sâu đậm hơn cả.

Khi tình yêu không được diễn tả từ tận đáy lòng, nó đòi hỏi yêu đương xác thịt. Nếu tình yêu có thể sâu đậm trong thầm lặng thì không gian và thời gian không còn là trở ngại nữa. Tình yêu này hiện hữu ngay trong lúc đơn độc lẻ loi nhất. Tình yêu đậm đà không cần bộc lộ bằng lời nói, bằng ngôn ngữ. Chỉ khi thiếu tình yêu thực sự người ta mới dùng tới những lời nói hoa hoè để ca tụng chữ “Yêu.”. Những gì thiếu sót được đền bù bằng ngôn ngữ vì hình thức này dễ hiểu hơn. Rất nhiều sách viết về tâm lý học khuyên người ta nên diễn tả, bộc lộ tình yêu ngay cả những lúc họ không cảm thấy tình yêu xâu đậm. Cũng không nên tránh né tỏ tình yêu với đối tượng. Lấy thí dụ: Một người chồng buổi chiều về đến nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, anh ta nên ôm hôn vợ, dù phải đóng kịch. Và sáng hôm sau, trước khi rời nhà đi làm, anh ta cũng phải nói là nhớ vợ cả ngày cho dù anh rất là vui mừng khi được thoát ra ngoài ngưỡng cửa .

Những sách đó nói đúng vì chúng ta sống bám vào lời nói và không biết tình yêu thực sự là gì. Tình yêu thật ra đã biến mất trong đời sống của chúng ta. Chúng ta chỉ sống bám vào lời nói yêu. Có thể chúng ta lạm dụng chữ yêu quá nhiều, biến nó thành một cái lệ. Nếu có ngưòi làm cho ta một việc tốt..., lập tức chúng ta đáp lễ bằng một lời “cám ơn” như một cái máy nói tuy thiếu sự chân thành. Người này sẽ cảm thấy mất vui, nếu mình không nói tiếng cám ơn dù thực sự trong lòng mình rất mang ơn người đó.

Vì không thấu hiểu chiều sâu của sự yên lặng nên ngôn ngữ được trọng dụng. Trong giai đoạn tân tiến, ngôn ngữ trở thành rất quan trọng vì ta chỉ sống bằng ngôn ngữ. Nên nhớ là khi ta thực sự yêu ai, yêu tột bực, ta không thể nói lên lời, không tìm được ra chữ để diễn tả. Hẳn có ai trong chúng ta đã từng có kinh nghiệm về sự rung động này. Hai người yêu nhau thắm thiết, khi chuẩn bị cho cuộc hẹn hò, họ đã tập dượt trước trong tư tưởng, lập đi lập lại những câu nói yêu đương cho nhau. Nhưng khi gặp mặt, mọi chuẩn bị tan biến một cách lạ lùng. Họ không nói được một lời, mà chỉ biết im lặng nhìn nhau. Đây mới chính là thương yêu thật sự. Tình yêu không diễn tả được bằng lời, mà bằng sự im lặng. Tình yêu này tới từ tâm trong sáng nhất. Ai cũng có tình yêu này nhưng ta không đủ kinh nghiệm để nhận thức được nó thôi. Tất cả đều từ sự im lặng mà thành .... tình thương yêu...có người cho rằng tình yêu này là “KHÔNG”, (Emptiness)... hay Sunyata...Nó vượt lên trên cả tâm và thân thể... và ai cũng có khả năng thu thập tình yêu cao cả này.

                                
Phần 2

Chúng ta được sinh ra trong thế giới nhị nguyên trong đó mọi vật đều là hợp chất với những đối kháng của chính nó. Khi chúng ta nói bài Kinh này hay, thì nó cũng có một ý khác đối ứng, một cái gì dở ở trong chính Kinh đó. Giống như nhiều người cả tin vào Kinh Điển đến độ họ không chấp nhận những ngôn ngữ nào khác. Khi thấy chữ “Linh Hồn” hay “Thượng đế” tư tưởng của họ thông thường chối bỏ không chấp nhận vì những chữ đó không có trong Kinh sách. Sự kiện này thường xảy ra trong hàng ngũ Phật Tử cũng như trong hàng ngũ tín đồ của tôn giáo khác.

Hãy nhìn qua mối tương tự giữa hai cách dạy căn bản của Đức Phật và Chúa Jesus. Hai vị giác ngộ này dùng phương pháp riêng để giảng dạy nhưng nội dung chỉ là một. Cũng như nước sông chảy vào biển rộng. Các giòng sông có đường đi khác nhau nhưng rồi đều chẩy nhập vào biển cả.

Trong Thiên chúa Giáo, ta thấy có chữ “Người phục vụ Chuá”....? tại sao ? Có người khác cao cả hơn chúng ta. Thực ra, chữ Người Phục Vụ ám chỉ một "tưởng ngã", và Thượng đế là một "thực ngã". Những người thờ phụng Thượng Đế tin là không cần phải có cố gắng gì thêm ngoài sự tận tâm và thờ phụng. Họ cho rằng chỉ cần nói hãy đến gần với Thượng đế là đủ. Chữ “Upasana” của tiếng Sanskrit có nghĩa tuyệt đẹp, có nghĩa là ngồi bên cạnh Thượng đế; tới sát mục tiêu của sự tôn sùng. Trong tiến trình này người phụng thờ Thượng đế biến mất, cái “Tôi” cũng tan biến theo từng bước khi càng đến gần hơn với Thượng đế. Không phải làm gì khác hơn nữa. Người hữu thần tin rằng cái “Tôi” của họ gây sự chia rẽ giữa chính họ với Thượng đế. Chính cái “Tôi” là một vịnh ngăn cách người đi tìm và đối tượng của họ. Cái “Tôi” càng lớn khoảng cách càng xa. Cái “Tôi” là thước đo khoảng cách giữa người đi tìm và Thượng đế. Cho tới khi cái “Tôi” loãng ra và tan biến dần thì con người mới tiến đến gần với Thượng đế hơn. Rồi đến một ngày nào đó cái “Tôi” hoàn toàn biến mất, người đi tìm không còn nữa chính lúc này họ hòa nhập và thành Thượng đế .

Cho dẫu phương cách thực hành khác với Phật tử ngành Nguyên Thuỷ, nhưng căn bản vẫn là một: Vô Ngã...nằm trong Phật tính tự nhiên. Giống như viên nước đá tan thành nước, nước bốc thành hơi và hơi tan biến vào không khí. Viên nước đá có phải tự cố gắng để tan thành nước không? Nếu nó cố gắng cho lắm, nó lại càng cứng như đá thật lạnh. Sự ép buộc chỉ làm cho viên nước đá rắn chắc hơn, lâu tan hơn. Vì vậy, khi một người đi tìm đạo mà càng trói buộc vào kỷ luật, cái ngã của họ càng trở nên mạnh mẽ, càng cứng rắn, càng kết hợp lại vững vàng hơn. Họ sẽ ngả về hữu ngã thay vì vô ngã. Tình trạng này xẩy ra cho bất cứ ai đã thực hành lâu dài trong khuôn khổ đạo đức quá đáng. Họ nhầm tưởng họ là người tốt rồi đấy. Cái “Ngã” của họ quá cao đến nỗi họ không thể ngồi gần hay ngồi cùng bàn ăn với ai khác như một người thường. Nhìn chung quanh ta thấy những vị tăng sĩ nổi tiếng có được một đời sống bình dị hay không? Đời sống của họ trở thành giống như của một minh tinh điện ảnh.

Thượng đế và Phật.... những danh từ này đánh vần hoàn toàn khác nhau. Những danh từ này đôi khi tạo rất nhiều trở ngại cho chúng ta. Cùng một danh từ, dù phát xuất từ miệng của Phật, hay từ miệng của chúng ta, cái nghĩa của danh từ đó thay đổi từ cửa miệng này sang cửa miệng kia. , Phật giảng chữ Thượng đế theo một nghĩa khác trong thời của ngài. Và Chúa Jesus lại giảng theo một nghĩa khác vào thời của Chúa. Cùng một chữ lấy ra từ tự điển, ý nghĩa của chữ đó lại thay đổi theo người xử dụng nó.

Ý nghĩa của một từ thường được tin tưởng là có ghi trong từ điển. Người không có cá tính tin vào từ điển. Người có cá tính dùng từ đó với ý nghiã khác hơn theo tư tưởng riêng của họ. Các bậc giác ngộ không bao giờ bị trói buộc vào ngôn từ.

Ngôn ngữ được sáng tạo để giao tiếp diễn khởi từ tâm trí. Cái chân thật nhất vượt khỏi thân-tâm. Mục tiêu của ngôn ngữ đâu phải để diễn tả những gì cao xa hơn tâm trí. Cho nên ngôn ngữ làm sao có thể dùng hữu hiệu cho những gì vượt qua khỏi tâm trí con người? Không chắc những người tạo ra danh từ đã hiểu sâu xa về chữ "Sự Thật." Không phải cứ đọc từ Kinh Điển hay đọc lên danh từ là biết được Sự Thật. Biết được Sự Thật qua sự im lặng. Sự Thật xuất hiện trong sự im lặng tuyệt đối, không có cả sự hiện diện của danh từ. Vì vậy, ngôn ngữ là trở ngại cho những ai đã khám phá ra Sự Thật. Không có cách nào mô tả được. Vì không thể tìm được danh từ xứng đáng, đúng nghĩa. Giống như khi ta đọc một lá thư, lá thư đó không thể làm cho ta lập tức cảm thấy sự huyền diệu nào. Vì danh từ, ngôn ngữ có giới hạn, giới hạn đó làm cho không thể chuyển đạt cái ý trung thực mà người viết muốn mang tới cho bạn.

Phần 3

Khi đã tìm được Sự Thật tối thượng, ta không thể thông báo ra bằng ngôn ngữ được ..... vì những thông báo đó đưa ta vào với nguyên lý của nhị nguyên. Con người không có một danh từ nào chỉ có một nghĩa độc nhất. Tất cả mọi danh từ đều có nghĩa nhị nguyên (hai mặt). Nêu ra bất cứ một danh từ nào là ta đã chia nó ra hai chiều hướng.

Sau khi “ Cái Tôi” hay “ Cái Ngã” biến mất, cái gì còn lại không thể diễn tả bằng danh từ được... nó vô danh...Bất cứ dùng tên nào đặt cho nó như: Niết bàn, Thượng Đế, Quang Minh v.v...đều mang người khác vào chỗ lầm lẫn. Vì những từ ngữ này chỉ là biểu tượng, là cử chỉ và ám hiệu. Ngôn từ hoàn toàn không có cách gì mang người ta lên đến vị thế thu nhận toàn hảo được. Nếu có người hỏi một vị thiền sư đã thành đạt tại sao suốt 30 năm qua ngài chỉ lặng thinh ? Sau 30 năm im lặng... câu nói đầu tiên của vị đó là: “Cái gì nói ra được là cái không đáng để nói. Cái đáng nói thì lại không thể diễn tả được. Cho nên chỉ có một cách độc nhất là lặng im.” Những vị đại giác ngộ tuy biết giới hạn của ngôn ngữ nhưng vẫn tiếp tục dùng ngôn ngữ để truyền thông tư tưởng, không phải là họ thích tự sỉ nhục, mà ngược lại chỉ vì chữ “Yêu thương” từ tận đáy lòng của họ.

Người nào cố dùng ngôn ngữ để diễn tả Sự Thật thì ngôn ngữ đó đột nhiên trở thành mập mờ. Không thể quả quyết được, vì phải dùng cả hai nghĩa xác định và phủ nhận song hành. Hoặc phải chấp nhận hay chối bỏ cùng một lúc cả hai nghĩa trắng và đen. Điều này làm cho những lời thông báo thành vô lý, không vững chắc.

Luồng ánh sáng phóng qua lăng kính, khi ra nó chia thành 7 màu khác nhau. Lăng kính của ngôn ngữ chia Sự Thật ra làm hai phần. Và khi mà Sự Thật bị chia đôi, nó trở thành giả dối. Đây là lý do vì sao các nhà hiền triết đã giữ im lặng. Họ chỉ nhẩy muá, ca hát, thổi sáo, làm dấu hiệu, nhưng không nói một lời nào. Họ diễn tả Sự Thật bằng điệu bộ, bằng các vũ điệu, bằng tiếng cười. Họ giơ tay lên trời hay thiên đường để cho biết Sự Thật như thế nào. Họ nói trong sự lặng im, nói với hết khả năng của họ. Nhưng không dùng ngôn từ nào cả.

Achema – Malaysia 2009
Kim Morris lược dịch February 2011

No comments:

Post a Comment