Một câu hỏi luôn luôn có trong đầu óc của con người.......Mục đích của cuộc đời là gì? Nhiều tôn giáo đã cố gắng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhưng thông thường những câu trả lời đó đều có nghi vấn.
Thực rất khó, đặc biệt là trong xã hội tân tiến của chúng ta, để hiểu rằng cuộc đời là không có mục đích. Nếu cuộc đời đầy mục đích, vậy thì ai là người quyết định ra mục đích đó? Thượng đế ư..... nếu vậy thì con người trở thành như những con bù nhìn hết rồi? Tự do ở đâu? Sự giải phóng ở chỗ nào? Nếu mang đầy mục đích thì cuộc sống hình như là một dịch vụ thương mại, chứ không thể là tâm linh được. Xã hội của ta, trường học, đại học hay cao học, thường dạy con người phải nhắm về “mục tiêu” và làm việc tích cực cho mục tiêu đó. Điều này được cả tỉ người thi hành. Những người xưa hay những người tiền sử cũng có ý nghĩ như vậy không?Nếu Thượng Đế quyết định việc ấy, thì câu hỏi khác sẽ được nêu lên....Mục đích của việc tạo dựng nên một thế giới với mục đích là gì? Hay.....mục đích của sự hiện hữu của Thượng Đế là gì? Ta có thể tìm được câu trả lời từ một số người là: Thượng Đế tạo ra con người với mục đích. Như vậy chính sự hiện hữu của Thượng đế phải là nghi vấn, tại sao Ngài hiện hữu? Nếu ta cứ tiếp tục hỏi như vậy, có lẽ ta có thể đi tới kết luận là cái hiện tượng này không có mục đích gì cả, còn không thì không bao giờ kết thúc. Tại sao người ta lại chuyển từ thế giới sang qua Thượng Đế? Tai sao không nói luôn cuộc đời này là vô mục đích? Nếu có một mục tiêu hay mục đích trong đời, sao chưa đạt được? Cuộc đời này đã xuất hiện liên tục qua hàng triệu năm ánh sáng và mục tiêu vẫn chưa đạt được!
Khi nào sẽ đạt được? Cứ cho rằng một ngày nào đó đạt tới mục tiêu, thì chuyện gì sẽ xảy ra cho sự hiện hữu? Nó sẽ biến mất chăng? Khi đã đạt được mục đích rồi, thì sao nữa? Sự hiện hữu sẽ hiện hữu là cái gì? Rồi nó cũng là vô mục đích nếu nó còn hiện hữu.
Sự Thật là.....cuộc đời này luôn luôn là vô mục đích và nó không di chuyển đến một mục tiêu nào cả. Cuộc đời chuyển động nhưng không đi về một mục tiêu nào hết.
Ví dụ:
Khi yêu một người, có bao giờ ta đặt câu hỏi, mục đích của việc ta yêu người kia là gì không? Nếu ta có thể trả lời được thì điều chắc chắn ..... là ta không biết yêu. Nếu có thể nói ra mục đích cuả tình yêu, tình yêu sẽ không có ở đó....mà chỉ có một dịch vụ thương mại hay là một cuộc trả giá mà thôi. Cũng giống như khi ta cảm thấy hạnh phúc, có bao giờ ta tự hỏi mục đích cuả hạnh phúc là gì không? Chắc chắn là không ai đặt câu hỏi lẩm cẩm như vậy. Hạnh phúc tự nó đã là một mục tiêu rồi; hạnh phúc riêng nó không có mục đích gì hết.
Khi nhìn thấy những đứa con bé bỏng hay những đứa cháu thơ dại đang chơi trên bãi biển, chúng nó thu lượm những vỏ sò, vỏ ốc, đuổi theo những con dã tràng hay xây nhà bằng cát. Nếu ta tới hỏi chúng nó mục đích của những trò chơi đó là gì? Có lẽ chúng nó sẽ nhìn ta như thể ta là một người điên. Không cần có mục đích nào cả.
Cuộc đời như là tình yêu, như hạnh phúc. Cuộc đời tự nó là một mục tiêu, trong đó không có mục đích. Và khi ta có thể hiểu được sự kiện này, những cách sống của ta sẽ thay đổi một cách hoàn toàn. Không cần phải tạo thêm bất cứ một mục đích nào cho cuộc sống cá nhân nữa, khi đó cuộc sống sẽ không bị căng thẳng. Sự căng thẳng chỉ xẩy ra khi ta dựng lên mục tiêu cho cuộc sống.
Cái ý tưởng là cuộc đời cần hướng về mục tiêu là do trò chơi của tâm suy luận đặt ra, mà trò chơi đó thì luôn luôn ở trong trạng thái không bao giờ được thỏa mãn; và cứ tiếp tục tìm kiếm, đào bới ở bên ngoài. Nó đặt ra mục tiêu trong đời, và ngay khi đạt được mục tiêu đó rồi, thì lại nẩy ra một mục tiêu khác.....nó không thể ngừng lại tại chính nó; cứ cần tiếp tục phải đạt hết cái này tới cái khác. Loại tâm trí này sẽ không bao giờ học được sự an bình và tĩnh lặng. Nó luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Nếu không đạt được cái gì, người ta có thể cảm thấy bực bội, và sự kiện này luôn luôn xẩy ra trong xã hội của chúng ta.Cái tâm muốn chiếm đoạt sẽ luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng và chỉ có cái tâm không muốn chiếm đoạt mới được bình yên. Nhưng chỉ có được cái tâm không muốn chiếm đoạt này khi nền tảng của cuộc đời là vô mục đích. Nếu toàn thể sự hiện hữu là vô mục đích, thì ta không cần đặt ra mục tiêu cho cuộc sống, vì thế ta có thể chơi đùa, có thể ca hát, nhảy múa, thụ hưởng, ta có thể yêu và sống thoải mái.
Ngay chỗ này, ngay vào lúc này, trong cái khoảnh khắc này là tối thượng. Nếu ta có ở trong trạng thái hiện tại và ngay lúc này, sự tuyệt đỉnh này sẽ xâm nhập vào ta. Nhưng ta lại không có mặt ở ngay đây vào lúc này, vì tâm trí ta đang ở nơi nào đó trong tương lai, theo đuổi một mục tiêu nào đó.
OOOOOOOOOOOOO
Achema - Purposeless Life
Cuộc đời là vô mục đích
Ta hãy tiếp tục thảo luận về cuộc đời vô mục đích .
Tai sao người ta đòi hỏi phải có hướng đi cho mục tiêu trong cuộc đời? Tại sao sự sống không thôi chưa thể làm cho họ thỏa mãn?
Đầu óc con người đã bị các nhà kinh tế học, toán học, thần học, chính trị gia và v... v... làm cho hư hỏng. Họ làm tâm trí ta bị ô nhiễm vì ai cũng nói về mục đích. Họ bảo: “Hãy làm một cái gì để đạt được mục tiêu của anh đi, không làm gì thì không đi tới đâu cả.” Sự thật là càng hưởng thụ được nhiều cái vô ích ta càng được vui sướng hơn. Càng hưởng thụ nhiều hơn những gì không có mục đích, ta càng được vô tư và hoan lạc hơn.
Nhìn những người giầu có. Phần lớn những người này.....về vật chất họ có thể có đủ mọi thứ nhưng cuộc đời của họ thì thật là nghèo nàn. Vì họ đã đổi cuộc đời thành một chương mục ngân hàng, đổi cuộc đời thành tiền và xu, thành xe to, nhà lớn. Đổi cả cuộc đời cho những vật nào đó. Rồi khi chết, họ không thể mang theo được bất cứ cái gì. Họ sinh ra với hai bàn tay trắng và sẽ ra đi cũng với hai bàn tay tay trắng. Dù cho có thể đếm được những gì họ để lại nhưng họ không thể mang theo được bất cứ một vật đơn độc nào.
Đức Phật Cồ Đàm sinh ra là một Hoàng Tử trước khi đạt giác ngộ. Nhưng ngài đã trở thành một kẻ “khất thực”. Tại sao vậy? Để sống một cách phong phú. Trong thế giới tân tiến, người ta khuyến khích mua loại bảo hiểm này, loại bảo hiểm nọ để trong tương lai chắc chắn họ sẽ được săn sóc đầy đủ và được chết là người giầu có.. Nếu muốn sống một cách phong phú, thì cần sống tại ngay chỗ này, ngay bây giờ, và tận hưởng hoàn toàn cuộc sống trong từng giai đoạn một, cũng như không để cho một giai đoạn đơn độc nào trôi đi mất mà không biết. Nếu muốn đạt được một cái gì trong đời, cái gì đó sẽ phải là chết như một người giầu có. Nhưng phần lớn chắc chắn họ sẽ sống cuộc đời của người nghèo khó; đời sống sẽ là nghèo khổ vì chỉ làm nô lệ cho đồng tiền.
Cuộc đời này như là một trò chơi của vũ trụ. Một trò chơi đẹp nối tiếp liên tục, một trò chơi trốn tìm thật thích thú nhưng không dẫn tới nơi nào cả; không chỗ nào là “mục tiêu”. Nếu đây là nền tảng của cuộc đời, thì không cần phải lo âu về mục đích của cuộc đời nữa. Không cần lo âu về sự phát triển, cũng không cần lo âu về sự tiến bộ nữa. “Tiến bộ” là một bệnh căn bản của thế giới tân tiến này. Tai sao ta cần tiến bộ? Cái gì có thể hưởng thụ được đã có sẵn ở đây tại ngay lúc này; ta chỉ cần tham dự vào tại chỗ này và ngay bây giờ. Từ khoảnh khắc hiện tại này tới khoảnh khắc kế tiếp...
Đây là sự vui sướng tận cùng mà ta có thể biết được. Nhưng ta không luôn luôn có mặt ở đây, ta bận rộn với tương lai, ta tự tạo ra đủ mọi điều kiện cho cuộc sống. Ta tin rằng.....”Những điều kiện này phải được thực hiện đầy đủ trước đã; loại nhà như thế này, một người chồng như thế này, một bà vợ như thế kia, kiểu xe hơi này, buôn bán cách nào, bạn bè, bà con họ hàng ra sao, đề tài nói chuyện, quần áo, kiểu đồng hồ và v... v... Tất cả các điều kiện đó cần phải hoàn tất thì mới làm cho ta được hạnh phúc.
Suốt đời, ta phung phí quá nhiều nỗ lực cho cái trò chơi lập đi lập lại này. Vì khi vừa thu thập được một cái gì xong, ta sẽ lại tìm một thứ mới khác để chạy đuổi theo, và cái trò chơi này sẽ cứ tiếp tục lập đi lập lại trên con đường này, không bao giờ chấm dứt.
Đây là cuộc sống mà phần lớn chúng ta đang theo đuổi và hình như rất ít người có thể thoát ra khỏi tình trạng sình lầy này.
Achema – Malaysia - 2009
Kim Morris lược dịch November 2011
No comments:
Post a Comment