Tuesday, December 13, 2011

Achema - Do nothing through doing


Đề tài : Không làm gì qua hành động 1

Năng lực của sự sống hoạt động trong những mâu thuẫn. Sự sống hiện hữu như một cuộc tranh cãi; với mỗi di chuyển sự sống tạo ra sự phản nghịch với chính nó và phải đương cự với chính đối nghịch đó. Khi một hướng đi trở thành thực dụng, hướng đi đó sẽ đưa hành động của ta tới một điểm mà ta chỉ còn một việc độc nhất sau cùng là nhảy sang sự không hành động nữa. Hành động phải đi tới một cực điểm, một bờ vực mà tại điểm đó ta không thể nào làm gì hơn được nữa.

Giống như khi Thái tử Tất Đạt Đa đã ngã qụy và suýt chết đuối trong lúc tắm gội bên giòng sông trên con đường thực hành phương pháp tự huỷ hoại thân thể. Hành động của ta phải được làm cho cùng cạn trước. Tất cả chuyện gì ta có thể làm ta phải được phép làm. Bất cứ việc gì ta có thể làm được ta phải tự thúc đẩy làm cho tới lúc chính ta phải kêu lên, “ Bây giờ, tôi không thể làm gì hơn được nữa; mọi việc đã được làm hết rồi. Không còn gì có thể không làm được nữa; làm không thiếu một nỗ lực nào. Tôi kiệt sức rồi.” Ta chắc chưa hề đạt tới cực điểm của hành động như vậy. Mọi sự có thể bị buông bỏ tại cực điểm chứ không phải ở nửa chừng. Ta không thể bỏ rơi nó. Ta có thể buông bỏ chuyện tình dục......nếu ta đã làm việc đó hết sức mình rồi ta mới có thể buông bỏ được nó; chứ không có cách nào khác. Ta có thể buông bỏ hết mọi việc nếu ta đã đạt tới cực độ, nơi mà ta không thể tiến thêm hay xa hơn và cũng không có lý do để lùi bước lại nữa. Ta có thể buông bỏ nó vì ta đã hoàn toàn hiểu biết thông suốt tất cả. Đó là nơi mọi điều kiện đã hoàn tất.

Niết Bàn (Nirvana/ Nibbana) là nơi không có điều kiện - “Asamkhata” -, hay mọi điều kiện đã hoàn tất từ trước. Niết bàn cũng không phải là do đường lối thực hành một cái gì đó mà đạt tới được.......... nếu có phương cách nào để học hỏi về Niết bàn......thì đó là có “Điều Kiện” rồi. Và nên nhớ những gì có điều kiện đều ở vào thể vô thường. Nếu Niết Bàn là có điều kiện, Niết Bàn cũng là vô thường rồi.

                                      

Đề tài : Không làm gì qua hành động 2
  
Khi bàn tay mở rộng, cái nắm tay cũng mở ra, không khí đầy tràn ở đó và ta là chủ của tất cả. Nhưng khi ta muốn mở nắm tay ra để được làm chủ bầu không khí, ta sẽ không thể mở nó ra được, bởi vì chính cố gắng đó, ý nghĩ sâu đậm bên trong, sẽ vẫn là sự khép chặt. Sự làm chủ của không khí không hẳn là kết quả của nỗ lực, nhưng đúng ra, là một hiện tượng thiên nhiên khi “Không có Nỗ Lực” trong đó.

Tuần vừa rồi có người khách tới đây. Trong vòng 15 năm qua anh ta đã dồn hết mọi nỗ lực vào việc tập thiền định, nhưng đã không đi tới đâu cả. Thầy nói với anh, “Anh đã dùng đủ mọi nỗ lực.....một cách thực tình và nghiêm trọng rồi. Bây giờ đừng cố gắng nữa. Ngồi xuống đây, và không cần có một nỗ lực nào cả.” Anh ta hỏi lại, “Con có thể thiền bằng cách “Không cần Nỗ Lực” này không?” Thầy trả lời: “Nếu anh còn hỏi về kết quả, thì cái nỗ lực ngấm ngầm sẽ vẫn tiếp tục hiện diện trong đó. Anh sẽ không chỉ ngồi yên; anh không thể ngồi đó khi đang còn có những ham muốn. Những ham muốn sẽ âm thầm chuyển động trong người anh, và chuyển động sẽ tiếp tục. Anh có thể ngồi như một tượng Phật bằng đá, nhưng trong khối đá đó ham muốn vẫn sẽ chuyển động. Chính sự ham muốn là chuyển động.

Ta không thể cứ ngồi yên nếu có sự ham muốn. Trông có thể giống như ta đang ngồi yên như mọi người nhìn thấy, nhưng ta không thể đang ngồi yên được; ta chỉ có thể ngồi yên khi sự ham muốn không có mặt. Hành động “Cứ Ngồi” tự nhiên không phải là một ham muốn mới mẻ, chỉ là sự tự nó vắng mặt; khi làm một việc gì tự nhiên thì tất cả ham muốn trở thành vô hiệu. Ta không bực bội với đời vì những đối tượng. Những người có tín ngưỡng tôn giáo cứ liên tục bảo nhau rằng đàn bà không là gì cả, thế giới này không là gì cả, tình dục không là gì cả, và quyền thế cũng không là gì cả. Nhưng tất cả những điều này đều là đối tượng. Họ vẫn nói những đối tượng này không là gì cả; nhưng họ không đề cập đến việc bên trong những đối tượng đó không có cái ham muốn của riêng nó.

Ta có thể thay đổi đối tượng và ta cũng có thể tạo thêm những đối tượng mới của sự ham muốn. Ngay cả sự sống vĩnh cửu cũng có thể trở thành một đối tượng; một lần nữa, vòng lẩn quẩn lộ diện.....những dữ kiện của ham muốn. Ta đã từng ham muốn đủ mọi thứ, ta ham muốn quá độ. Nếu ta có thể thấu hiểu cái rất thực tại của lòng ham muốn..... thực tại của ham muốn là vô dụng, là vô ý nghĩa....thì ta sẽ không tạo thêm một đối tượng khác để ham muốn nữa; thì khi đó sự ham muốn sẽ ngừng lại. Nhận thức được cái ham muốn và nó sẽ chấm dứt. Lúc này sẽ có sự trống vắng, và sự trống vắng này chính là sự yên tịnh. Yên tịnh là vì không có ham muốn trong đó. Với ham muốn ta không thể có yên tịnh; ham muốn chính thực là sự ồn ào.

Ngay cả lúc ta không có ý nghĩ nào.....do việc ta kiểm soát được tâm trí và ta có thể ngừng suy tư....một ham muốn sâu đậm vẫn tiếp tục, bởi vì ta ngừng việc suy nghĩ này chỉ để đạt được một cái gì khác hơn. Tiếng động âm thầm sẽ vẫn còn đó. Ở chỗ nào đó bên trong ta sẽ vẫn đang tìm tòi và thầm hỏi cái mà mình muốn đã đạt được chưa. “Ý nghĩ đã ngưng đọng rồi. Nhưng thực tế cao cả ở đâu, đâu là Thượng Đế, đâu là giác ngộ?” Nếu ta nhận hiểu được những điều đó, sự ham muốn tự nó sẽ trờ thành vô dụng.

Sự lừa đảo của tâm trí là ta luôn luôn trở nên cảnh giác ngay khi vài đối tượng đã trở nên vô dụng. Khi đó ta chuyển đối tượng, và khi thay đổi đối tượng sự ham muốn tiếp tục làm chủ tâm thức của ta. Chuyện này luôn luôn xảy ra như khi cái nhà này trở nên vô dụng thì căn nhà khác trở thành hấp dẫn hơn; khi người đàn ông này không còn quyến rũ nữa, thành khả ố, thì người đàn ông khác sẽ thành quyến rũ. Chuyện này cứ tiếp diễn; ngay khi ta nhận thức được sự vô dụng của cái mà ta đang ham muốn, thì tâm trí ta hướng ngay sang những đối tượng khác. Khi tiến trình này xảy ra, khoảng trống bị mất đi, lại bị lấp đầy ngay. Khi một cái gì trở nên vô ích, vô dụng, không hấp dẫn nữa, nó tạo ra và để lại một khoảng trống nguyên.....

Nhận thức được khi nào mục tiêu trở thành vô ích hay khi nào mục tiêu tự ý muốn thành vô dụng.  Và nếu ta có thể cảm thấy sự vô dụng của ham muốn, trong khi khoảng trống không kéo dài thì đột nhiên có cái gì rơi vào ta. Đột nhiên ta chuyển hoá sang một trạng thái mới của tâm thức. Đây là tình trạng vô tri thức, một sự vắng bóng, một phủ định, không có vòng luân hồi mới nào khởi lên. Trong khoảnh khắc này ta ra khỏi vòng khổ đau, cõi ta bà, ra khỏi thế gian. Nhưng ta lại không thể kéo bỏ sự ham muốn ra khỏi bánh xe luân hồi được. Ta có thấy sự khác biệt hay không? Không thể làm cho sự không ham muốn thành một đối tượng được.

Tâm là ham muốn. Tâm không làm gì được nếu không có ham muốn. Và ta lại không thể dùng ham muốn để chuyển hoá tâm, bởi vì tâm đã là ham muốn rồi. Vậy thì tâm phải ham muốn ngay cả khi sự ham muốn không có mặt. Chống cự với sự ham muốn là một cơn bệnh. Từ bỏ sự chống cự đó là tự do. Đó là sự Chết thật độc nhất: khi ta buông bỏ nó.

Nếu ta có thể chỉ nằm xuống và chết đi mà không có một chống cự nhỏ nhặt nào để cố níu kéo, để cố bám víu lấy sự sống; ngay cả không có đến một dấu hiệu chống cự nào, thì sự chết mới trở thành thực tại. Nếu ta chỉ việc nằm xuống và chấp nhận..... mà không có một chuyển động bên trong nào, không còn ham muốn, không có một giúp đỡ nào, không có ý nghĩ tìm kiếm sự giúp đỡ.......Nếu ta cứ nằm xuống và chấp nhận, sự chấp nhận đó mới là thật vĩ đại.

Achema – Malaysia 2009
Kim Morris lược dịch June 2011

No comments:

Post a Comment